Một số khía cạnh tài chính khi chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước sang mô hình ty mẹ – công ty con

4 / 100

Mô hình công ty mẹ – công ty con còn đang trong giai đoạn thử nghiệm ở nước ta, đặc biệt là nó lại được xây dựng và thí điểm để chuyển đổi các tổng công ty nhà nước, nên chắc chắn có nhiều vấn đề cần phải quan tâm làm rõ – nhất là về quan hệ tài chính giữa các công ty trong mô hình.

Việc sắp xếp, tổ chức lại và đổi mới quản lý DNNN đang được Nhà nước ta quyết tâm thực hiện thông qua các hình thức như:  cổ phần hoá, chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên, bán, khoán, cho thuê, giải thể,… Và trong đó có việc chuyển sang mô hình công ty mẹ – công ty con, một mô hình đang được coi là tối ưu để chuyển đổi hoạt động của các tổng công ty (bao gồm tổng công ty thành lập theo Quyết định 90/TTg và 91/TTg của Thủ tướng Chính phủ) vốn đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Để thúc đẩy quá trình tổ chức, sắp xếp lại DNNN, Chính phủ đang tiếp tục khẩn trương nghiên cứu, đề xuất những sửa đổi, bổ sung cần thiết trong luật DNNN để sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua. Bên cạnh đó, do mô hình công ty mẹ – công ty con có sự tham gia góp vốn của nhiều chủ sở hữu thuộc nhiều thành phần kinh tế, nên điều tất yếu là cần phải thống nhất các luật doanh nghiệp – trước hết là thống nhất Luật DNNN và Luật doanh nghiệp – để tạo dựng một nền tảng pháp lý vững chắc cho sự hoạt động của mô hình này.

Mô hình công ty mẹ – công ty con còn đang trong giai đoạn thử nghiệm ở nước ta, đặc biệt là nó lại được xây dựng và thí điểm để chuyển đổi các tổng công ty nhà nước, nên chắc chắn có nhiều vấn đề cần phải quan tâm làm rõ – nhất là về quan hệ tài chính giữa các công ty trong mô hình.

Ưu điểm của mô hình

Trên thế giới, mô hình này không mới mẻ gì, nó được các tập đoàn đa và xuyên quốc gia áp dụng vì có nhiều ưu điểm. Về hình thức, công ty mẹ có quyền quản lý các công ty con, nhưng về địa vị pháp lý thì đây là những pháp nhân độc lập, hoạt động sản xuất kinh doanh hoàn toàn bình đẳng với nhau trước pháp luật. Công ty mẹ,  thông qua tỷ lệ đầu tư vốn vào các công ty con, có thể chi phối hoạt động của các công ty con theo nhiều cấp độ. Mức độ đầu tư vốn của công ty mẹ vào các công ty con có thể là: đầu tư 100% vốn, đầu tư giữ cổ phần chi phối hoặc đầu tư không giữ cổ phần chi phối. Như vậy, công ty mẹ có thể điều chỉnh chiến lược kinh doanh, mục tiêu kinh doanh của mình thông qua việc điều chỉnh danh mục vốn đầu tư vào các công ty con: tăng, giảm tỉ lệ vốn, đầu tư vào công ty mới hay rút vốn ra khỏi công ty,… cũng như điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh của chính công ty mẹ. Công ty mẹ chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty con trong phạm vi số vốn góp vào theo như luật định. Ưu điểm của mô hình này là:

– Địa vị pháp lý của công ty mẹ cũng như công ty con có tính độc lập tương đối. Đó đều là những pháp nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật như nhau.

– Các công ty con được đảm bảo quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong quyết định phương án đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong chiến lược phát triển chung của công ty.

– Cơ chế vốn góp rõ ràng, phân định được rõ trách nhiệm và quyền hạn của công ty mẹ căn cứ trên số vốn đầu tư vào các công ty con.

– Các công ty con hoạt động theo chiến lược phát triển chung của công ty mẹ (hay các công ty mẹ) và có mối quan hệ chặt chẽ với các công ty con khác trong công ty mẹ. Công ty con thực hiện các chế độ báo cáo tài chính định kỳ với công ty mẹ,…

Tại Việt Nam hiện nay, cơ cấu tổ chức quản lý của các doanh nghiệp nhà nước nói chung và của các tổng công ty nói riêng còn mang nặng dấu ấn quản lý hành chính. Tổng công ty nhà nước là đại diện pháp nhân cho các doanh nghiệp thành viên. Cơ chế tài chính giữa tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp thành viên là cơ chế trong đó tổng công ty kiểm soát toàn bộ về tài chính của các doanh nghiệp thành viên. Các doanh nghiệp thành viên không có quyền tự chủ hoàn toàn về các chiến lược, chính sách kinh doanh mặc dù đã được phân cấp quản lý, các quyết định đầu tư sản xuất, kinh doanh hầu như đều phải thông qua tổng công ty. Doanh nghiệp thành viên phải bảo vệ dự án do mình lập trước tổng công ty, rồi còn phải hoàn tất nhiều thủ tục đầu tư nhiêu khê, đôi khi còn phải trình qua cấp bộ, ngành trung ương nếu đó là những dự án lớn như pháp luật hiện hành qui định. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chậm trễ trong các quyết định đầu tư, làm giảm sút hiệu quả đầu tư, đôi khi còn bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh một cách đáng tiếc.

Cơ chế tài chính

Cơ chế tài chính giữa tổng công ty nhà nước (TCT 90, 91) và các doanh nghiệp thành viên được thể hiện chủ yếu thông qua các hoạt động:  Nhà nước giao vốn cho các tổng công ty, sau đó tổng công ty giao lại cho các doanh nghiệp thành viên; trình duyệt phương án sử dụng vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh; trình duyệt kế hoạch vốn đầu tư, kế hoạch đấu thầu dự án sản xuất kinh doanh theo thẩm quyền được phân cấp; trình duyệt các kế hoạch mua sắm, nhượng bán, thanh lý tài sản, vật tư,…; trích nộp kinh phí cho tổng công ty; các chế độ báo cáo tài chính, kế toán, kiểm toán,… Mặt khác, do chỉ có tổng công ty mới có tư cách pháp nhân đầy đủ nên mặc dù doanh nghiệp thành viên sử dụng vốn vay nhưng tổng công ty phải đứng ra vay. Như vậy, quan hệ giữa cấp tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên mang tính mệnh lệnh, hành chính là chủ yếu. Hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế nằm ở cấp doanh nghiệp thành viên, còn ở cấp tổng công ty thì lại đi lo giùm những việc đáng lẽ ra phải để cho doanh nghiệp thành viên làm. Chính vì vậy, có nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng trước khi có tổng công ty thì họ chỉ phải báo cáo cho bộ, ngành chủ quản, bây giờ, khi vào trong tổng công ty, họ phải báo cáo thêm cho một bộ – dưới bộ nữa: đó là tổng công ty. Và trên thực tế thì các doanh nghiệp thành viên có trước tổng công ty, vốn kinh doanh đã được Nhà nước giao cho trước đó, còn tổng công ty thì ra đời sau, vì vậy mới có hình ảnh “sinh con rồi mới sinh cha”. Vì vậy, quan hệ giữa tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp thành viên thiếu sự gắn kết, còn có hơi hướng bao cấp trong nếp nghĩ và điều hành quản lý tổng công ty. Quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tài chính của các doanh nghiệp thành viên chưa được thực hiện đầy đủ.

Những vấn đề cần chú y

Như vậy, đối chiếu mô hình công ty mẹ – công ty con với điều kiện Việt Nam, để đảm bảo sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của các DNNN, tạo dựng được môi trường tài chính lành mạnh, bình đẳng cho mọi doanh nghiệp gồm DNNN, công ty mẹ – công ty con thuộc các thành phần kinh tế, và phát huy tính tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty trong quá trình chuyển đổi DNNN sang mô hình công ty mẹ – công ty con, cần phải quan tâm tới một số vấn đề sau:

– Việc chuyển đổi tổng công ty nhà nước sang mô hình công ty mẹ – công ty con cần được thực hiện theo từng bước, tránh lặp lại những nôn nóng như khi lập các tổng công ty trước đây. Trước hết, cần phải sàng lọc lại và sắp xếp, chuyển đổi các tổng công ty cùng các doanh nghiệp thành viên thành các hình thức: công ty TNHH, công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần, hoặc bằng những hình thức chuyển đổi khác. Sau đó chọn những doanh nghiệp nhà nước thực sự vững mạnh, đầu tư thêm vốn vào để phát triển lên thành công ty mẹ. Từ những công ty mẹ này mới thực hiện góp vốn cho các công ty con. Như vậy, quyền hạn của công ty mẹ đối với các công ty con phụ thuộc vào phần vốn góp của các công ty mẹ vào công ty con.

– Công ty con có thể hoạt động theo mô hình công ty TNHH (kể cả công ty liên doanh), công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần. Công ty con, đến lượt mình, lại có thể phát triển lên thành công ty mẹ.

– Mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con thực hiện chủ yếu thông qua đại hội cổ đông (hoặc đại hội thành viên,…, tuỳ theo loại hình công ty con). Quan hệ giữa các công ty con trong công ty mẹ chủ yếu thông qua hình thức hợp đồng kinh tế.

– Cần tạo dựng một cơ sở pháp lý vững chắc, có tính thống nhất cao và có thể chi phối, điều chỉnh được hoạt động của mọi loại hình doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, mà trước hết là thống nhất các luật doanh nghiệp lại thành một bộ luật duy nhất.

– Cần nghiên cứu, vận dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế kết hợp với việc kế thừa những ưu điểm của các cơ chế chính sách tài chính hiện hành để xây dựng nên cơ chế tài chính phù hợp cho mô hình công ty mẹ – công ty con tại Việt Nam, mà trước hết phải phù hợp với quá trình chuyển đổi.

(Theo TCKTPT)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *