Tập đoàn thành lập ngân hàng- Chính sách khó vận dụng

3 / 100
Tập đoàn thành lập ngân hàng- Chính sách khó vận dụng
TCKT cập nhật: 27/12/2008
Chính phủ đã đưa ra chính sách cấm các tập đoàn và tổng công ty đầu tư quá 30% vốn vào các hoạt động kinh doanh không nòng cốt nhằm ngăn chặn tình trạng phân tán đầu tư. Song biện pháp này chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Năm 2007, khi hoạt động đầu tư tài chính, ngân hàng đang là “con gà đẻ trứng vàng”, nhiều tập đoàn và tổng công ty đã đệ đơn xin góp vốn và thành lập ngân hàng. Ngay lập tức, giới chuyên gia trong và ngòai nước đã mạnh mẽ chỉ trích xu hướng này và cảnh báo các rủi ro có thể gặp phải khi các tập đoàn nhà nước đầu tư vào lĩnh vực có tính chất đầu cơ cao như tài chính, chứng khoán, bất động sản…

Trong khi phân tán nguồn lực vào các lĩnh vực không chuyên, các tập đoàn đã bỏ qua vấn đề năng lực và lợi thế so sánh. Liệu có thể tin rằng một công ty dầu khí, vốn được hưởng vị thế độc quyền, có đủ năng lực để điều hành ngân hàng, cung cấp dịch vụ bảo hiểm, phân phối điện thoại di động, xây cao ốc cho thuê? Việc đa dạng hóa thái quá như hiện nay sẽ làm phân tán nguồn lực vật chất và quản trị của các tập đoàn ra khỏi hoạt động nòng cốt.

Ngay cả khi các tập đoàn chứng minh được rằng bản thân họ đủ năng lực, đủ kinh nghiệm, đủ vốn để điều hành ngân hàng thì vẫn cần có hệ thống điều tiết, giám sát và cưỡng chế hiệu quả hơn. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã không kiểm soát chặt chẽ và để cho nhiều ngân hàng nắm giữ quá ít các tài sản có thu nhập cố định. Do vậy, các ngân hàng này phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản và chứng khoán. Kết quả là khi thị trường có biến động, và chính sách thay đổi, các ngân hàng lâm vào tình cảnh khó khăn về thanh khoản. Việc tích lũy quá nhiều tài sản có độ rủi ro cao đặt toàn bộ hệ thống trước những rủi ro to lớn nhất.

Mặt khác, các ngân hàng thuộc tập đoàn rất có thể sẽ phân bổ tín dụng cho các thành viên của tập đoàn bất kể rủi ro của khoản vay là thế nào. Chưa hết, ngay cả khi kiểm soát được các khoản vay của thành viên tâp đoàn, chúng ta cũng khó kiểm soát được các khoản tín dụng ưu đãi cho các nhà cung cấp và khách hàng của tập đoàn. Tập đoàn hòan toàn có thể tác động để có được các khoản tín dụng ưu đãi cho hệ thống khổng lồ của bản thân.

Trước các bất ổn của kinh tế vĩ mô, chính phủ đã đưa ra chính sách cấm các tập đoàn và tổng công ty này đầu tư quá 30% vốn vào các hoạt động kinh doanh không nòng cốt. Tuy nhiên, rất khó vận dụng qui định này vào thực tế.  Chẳng hạn, nếu một công ty dầu khí thành lập công ty con để xây kho chứa dầu thì đó có được coi là đầu tư vào hoạt động kinh doanh không nòng cốt?

Trong khi đó, các tập đoàn và tổng công ty tiếp tục tranh thủ mở rộng hoạt động ra các lĩnh vực có tính đầu cơ và rủi ro cao như tài chính, ngân hàng, bất động sản trước khi cánh cửa bị chính phủ khép lại. Hạn mức 30% này cũng không hề đả động gì tới những hoạt động mà các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đã thực hiện từ trước.

Tháng 5 vừa qua, nhóm các nhà nghiên cứu của Chương trình Việt Nam tại trường quản lí Nhà nước Harward Kennedy (Mỹ) đã khuyến cáo Việt Nam không nên cấp phép thành lập mới ngân hàng nội địa trong 12 tháng. Việc này nhằm làm giảm tăng trưởng tín dụng để làm cơ sở cho giảm lạm phát, giúp ổn định hệ thống ngân hàng, chuẩn bị cho việc sáp nhập và mua lại các ngân hàng yếu kém, giảm gánh nặng đang quá tải cho hệ thống giám sát ngân hàng. Đồng thời, về lâu dài, tăng cường hệ thống giám sát và báo cáo của hệ thống ngân hàng để chấm dứt những tin đồn thổi về tình trạng phá sản của một số ngân hàng. Để chuẩn bị cho Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp phải can thiệp và cứu trợ các ngân hàng thất bại, chính phủ cần xây dựng các cơ sở và kế hoạch cho hoạt động mua lại và sáp nhập giữa các ngân hàng. Đặc biệt là yêu cầu cá tập đoàn từ bỏ các hoạt động đầu tư vào ngân hàng và công ty tài chính.

Bất chấp những khuyến cáo của giới chuyên gia, tình hình đầu tư vào ngành ngana hàng dường như vẫn chưa ngừng lại. Gần đây nhất, báo cáo tình hình hoạt động của ngành ngân hàng trong tháng 7 của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, tính đến cuối tháng 7, Ngân hàng nhà nước đã chấp thuận nguyên tắc thành lập cho 10 ngân hàng TMCP có sự tham gia góp vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước (trong đó đã cấp giấy phép chính thức đi vào hoạt động cho 2 ngân hàng). Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận về nguyên tắc thành lập 4 trong số 5 Công ty tài chính có vốn góp của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Để bình ổn kinh tế vĩ mô, tiếp tục duy trì thành quả phát triển kinh tế, có lẽ các cơ quan quản lí cần có biện pháp đồng bộ và hiệu quả hơn nữa.

Thu Loan (Tạp chí Nghiên cứu KHKT)
Tapchiketoan.com