Thị trường tài chính Việt Nam : Thực trạng và những định hướng phát triển

Thị trường tài chính Việt Nam : Thực trạng và những định hướng phát triển
TCKT cập nhật: 19/01/2010

I) Đặt vấn đề:

Thực tế ở nước ta trong giới khoa học kinh tế
nói chung và chuyên ngành tài chính – tiền tệ nói riêng đang tồn tại
một số quan niệm không trùng khớp nhau về thị trường vốn và thị trường
tài chính. Một số người quan niệm rằng, thị trường vốn bao gồm thị
trường vốn ngắn hạn và thị trường vốn dài hạn; trong đó thị trường vốn
dài hạn là thị trường chứng khoán. Một số khác thì cho rằng, thị trường
vốn bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường tài chính; trong đó, thị
trường tài chính là thị trường chứng khoán…

Dù quan niệm nào đi nữa, thì nó vẫn phải bao gồm thị trường vốn
ngắn hạn và thị trường vốn dài hạn. Vì vậy, nếu quan niệm thị trường
tài chính bao gồm thị trường vốn ngắn hạn và thị trường vốn trung hạn,
thì thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán chính là hai bộ phận
thị trường đó. Thực hiện công cuộc đổi mới nền kinh tế, chuyển sang
phát triển theo cơ chế thị trường,
nhanh chóng hội nhập khu vực và quốc tế, Đảng và Chính phủ ta đã chú
trọng phát triển cả thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán ngay
từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, từ khi hai Pháp lệnh Ngân hàng, HTX tín dụng và công ty tài chính có hiệu lực thi hành tháng 5-1990.

II) Về thực trạng phát triển thị trường tiền tệ

Tham
gia là thành viên của các dạng thị trường tiền tệ có 5 Ngân hàng thương
mại Nhà nước, Ngân hàng chính sách xã hội, 36 Ngân hàng thương mại cổ
phần, 4 Ngân hàng liên doanh, 27 chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, Qũy
tín dụng TW, 900 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, một số công ty bảo hiểm
và tái bảo hiểm, Quỹ đầu tư… Tuy nhiên tham gia là thành viên của thị
trường liên ngân hàng, thị trường đấu thầu tín phiếu Kho bạc nhà nước,
thị trường mở… thì không phải tất cả các tổ chức trên, hầu như chỉ có
các NHTM NN, NHTM cổ phần đô thị, ngân hàng liên doanh, chi nhánh Ngân
hàng nước ngoài, một số công ty bảo hiểm…

Về
cơ chế tác động và can thiệp trên thị trường tiền tệ, được thể hiện tập
trung ở các công cụ điều hành chính sách tiền tệ và nghiệp vụ Ngân hàng
Trung ương. Theo đó, dần dần phù hợp với thông lệ quốc tế, từ tháng
6-2002, Ngân hàng Nhà nước chuyển sang thực hiện cơ chế điều hành lãi
suất cơ bản trước đó. Hàng tháng Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất cơ
bản, vẫn quy định lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu; cùng
với lãi suất nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ Swap, lãi suất thị trường mở,
lãi suất thị trường đấu thầu tín phiếu kho bạc nhà nước tác động vào
lãi suất thị trường, lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay của các
Tổ chức tín dụng.

Tác
động vào lãi suất còn có công cụ dự trữ bắt buộc. Khi Ngân hàng Nhà
nước điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, có tác động làm tăng chi
phí đầu vào của các TCTD. Do đó hoặc là các TCTD giữ nguyên lãi suất
huy động vốn thì phải tăng lãi suất cho vay; hoặc là đồng thời vừa phải
tăng lãi suất cho vay, vừa phải tăng lãi suất huy động vốn.

Công cụ điều hành tỷ giá cũng có tác động vào lãi suất của các TCTD trên thị trường tiền tệ, nhưng không rõ nét.

Với
sự phát triển của các tổ chức trung gian tài chính, đặc biệt là các
TCTD, với cơ chế điều hành chính sách tiền tệ và nghiệp vụ Ngân hàng
Trung ương tiến dần tới phù hợp với thông lệ quốc tế, các Ngân hàng
thương mại và Tổ chức tín dụng được chủ động trong các hoạt động huy
động vốn và cho vay của mình, tham gia tích cực, năng động và cạnh
tranh mạnh mẽ với nhau trên thị trường tiền tệ, theo đó, nó cũng có
điều kiện thúc đẩy thị trường tiền tệ phát triển.

III) Về thực trạng phát triển thị trường tiền gửi và huy động vốn:

Đây là thị trường có sự cạnh tranh mạnh mẽ nhất và sôi động nhất giữa các tổ chức trung gian
tài chính trong việc thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư. Trong thời
gian gần đây, các Tổ chức tín dụng đưa ra các hình thức sau:


Cạnh tranh khuyến khích khách hàng mở tài khoản cá nhân, tài khoản sử
dụng thẻ… Tính đến nay trong cả nước đã mở được khoảng trên 1.300.000
tài khoản cá nhân, trong đó có khoảng trên 750.000 tài khoản của các
chủ thể.

– Cạnh tranh thu hút tiền gửi không
kỳ hạn của các tổ chức kinh tế – xã hội. Giữa các TCTD cạnh tranh thu
hút tiền gửi của Kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo Việt,
các công ty bảo hiểm nhân thọ, bưu chính viễn thông, điện lực…


Cạnh tranh thu hút tiền gửi tiết kiệm: đây là hình thức huy động vốn
truyền thống giữa các TCTD và Công ty dịch vụ tiết kiệm bưu điện, nhất
là các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Thời gian gần đây, để khuyến khích
khách hàng, một số ngân hàng thương mại đưa ra dịch vụ: gửi một nơi
lĩnh nhiều nơi, tiết kiệm tích lũy hay còn gọi là tiết kiệm gửi góp,
tiết kiệm gắn với bảo hiểm nhân thọ, tiết kiệm lũy tiến trả lãi theo số
tiến gửi càng cao thì lãi suất càng cao, tiết kiệm linh hoạt tức là
khách được chủ động rút tiền ra bất cứ lúc nào có nhu cầu và lãi suất
tính theo số ngày thực tế gửi tương ứng với kỳ hạn gần nhất, tiết kiệm
dự thưởng…

– Phát hành các chứng chỉ tiền
gửi, kỳ phiếu, trái phiếu… chủ yếu là huy động vốn có thời hạn từ 6
tháng trở lên, lãi suất hấp dẫn.

Trong những
năm gần đây, đã có sự cạnh tranh sôi động trên thị trường thu hút tiền
gửi và thị trường huy động vốn, đặc biệt là các tổ chức trung gian tài
chính thực hiện rất đa dạng và phong phú các sản phẩm và dịch vụ thu
hút tiền gửi, huy động vốn.

Tuy nhiên trong
việc phát triển thị trường này, có thể thấy một tồn tại lớn là chưa thu
hút được tối đa tiền gửi không kỳ hạn, tiền nhàn rỗi trong dân cư vào
hệ thống ngân hàng, trên cơ sở đó lựa chọn các dịch vụ thanh toán qua
ngân hàng hay rút tiền mặt ra chi tiêu bất cứ lức nào có nhu cầu. Đây
là nguồn vốn rất lớn và rất quan trọng, tạo đà cho phát triển thị
trường tiền tệ, bởi vì nó gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn, gia
tăng vốn khả dụng cho các TCTD.

IV) Về quá trình xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán:

Sau
một thời gian xây dựng và phát triển, đến nay đã có trên  100 công ty
niêm yết cổ phiếu và một số loại trái phiếu được niêm yết trên trung
tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Trong lĩnh vực này, hệ
thống ngân hàng tiếp tục đóng vai trò tích cực trong phát triển thị
trường chứng khoán, với hầu hết trong số gần 50 công ty kinh doanh
chứng khoán đang hoạt động là trực thuộc các ngân hàng thương mại, với
đa dạng các nghiệp vụ: môi giới, tư vấn đầu tư, lưu ký chứng khoán, cho
vay thanh toán chứng khoán… Hầu hết các công ty này đều kinh doanh có
hiệu quả. Một số công ty đã tổ chức đại lý đấu thầu cổ phiếu của một số
NHTM cổ phần phát hành mới tăng thêm vốn điều lệ.

NHNN
cũng đã ban hành quy định tạm thời về việc niêm yết cổ phiếu của NHTM
cổ phần trên Trung tâm giao dịch chứng khoán. Hiện nay nhiều NHTM cổ
phần đã sẵn sàng niêm yết cổ phiếu trên Trung tâm giao dịch chứng
khoán. Được biết hiện nay NHTM cổ phần Sài Gòn Thương Tín đã có đơn và
hồ sơ đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép vấn đề này.

Tuy
chưa chính thức niêm yết giao dịch trên Trung tâm giao dịch chứng
khoán, nhưng thời gian qua, cổ phiếu của nhiều NHTM cổ phần đã giao
dịch đơn lẻ, không chính thức trên thị trường phi tập trung OTC. Mệnh
giá cổ phiếu  của nhiều NHTM cổ phần được giao dịch cao gấp 1,1 lần đến
2,5 lần so với mệnh giá ban đầu. Uy tín trong và ngoài nước của nhiều
ngân hàng thương mại cổ phần ngày càng tăng lên. Nhiều tổ chức tài
chính quốc tế và ngân hàng nước ngoài đã và đang mua cổ phần, chuyển
giao công nghệ ngân hàng hiện đại, hỗ trợ về tài chính cho các ngân
hàng thương mại cổ phần.

Thủ tướng Chính phủ
đã chính thức có quyết định cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt
Nam. Theo kế hoạch, Ngân hàng ngoại thương Việt Nam đang triển khai
bước đầu tiên cổ phần hóa. Tổng giá trị cổ phiếu phát hành trên hai
Trung tâm giao dịch chứng khoán để tăng vốn điều lệ vào khoảng 1.000 tỷ
đồng.

Với khối lượng giá trị cổ phiếu lớn như
vậy nếu được giao dịch và niêm yết trên hai Trung tâm giao dịch chứng
khoán, thì chứng khoán giao dịch chủ yếu của hai Trung tâm này sẽ là cổ
phiếu của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Tiếp theo đó sẽ là Ngân hàng
phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long và Ngân hàng Đầu tư-phát triển
Việt Nam cũng đề nghị được cổ phần hóa. Khi đó chắc chắn hoạt động của
hai Trung tâm giao dịch chứng khoán sẽ sôi động hẳn lên, tạo nền tảng
mới cho sự phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam.

V) Một số đánh giá về thực trạng phát triển thị trường tài chính ở nước ta

Về
thị trường vốn ngắn hạn hay còn gọi là thị trường tiền tệ. Nhìn chung
thị trường này chưa phát triển và Ngân hàng Nhà nước NHTW, chưa thực sự
đóng vai trò can thiệp có hiệu quả vào thị trường này. Các loại lãi
suất của NHTW: lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết
khấu, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất đấu thầu tín phiếu kho
bạc nhà nước có tác động rõ nét đến thị trường. Các công cụ điều hành
chính sách tiền tệ, đặc biệt là công cụ dự trữ bắt buộc… thiếu linh
hoạt. Các NHTM và Tổ chức tín dụng cạnh tranh với nhau tăng lãi suất
huy động vốn một cách một chiều, tạo nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cho chính
các NHTM.

Về thị trường chứng khoán. Có thể
khẳng định rằng, trong tiến trình phát triển Thị trường chứng khoán
Việt Nam, tiềm năng của việc tham gia của các NHTM là rất lớn. Việc các
NHTM cổ phần niêm yết cổ phiếu trên Trung tâm giao dịch chứng khoán,
các NHTM NN cổ phần hóa thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu trên Trung
tâm, cũng như tới đây sẽ có thêm một số Công ty kinh doanh chứng khoán
của các NHTM đi vào hoạt động… sẽ tạo đà thúc đẩy thị trường chứng
khoán Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa.

Song
cho đến thời điểm này, mới chỉ có gần 100 công ty cổ phần niêm yết cổ
phiếu trên Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh là quá
ít, tạo ra sự nghèo nàn hàng hóa trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu
của các NHTM chưa được niêm yết và giao dịch cũng phần nào hạn chế tính
sôi động của thị trường. Tính thanh khoản của thị trường chưa cao.
Thông tin chưa thật sự minh bạch.

VI) Nguyên nhân của tình trạng trên:

Ngân
hàng TW chưa thực sự mạnh, năng lực điều hành chính sách tiền tệ và vận
hành nghiệp vụ NHTW còn hạn chế. Họat động dịch vụ của các NHTM và TCTD
chưa phát triển. Tiến trình cơ cấu lại các NHTM chưa đạt được các kết
quả như dự kiến, đặc biệt là xử lý nợ xấu đang có xu hướng gia tăng trở
lại. Việc tăng vốn điều lệ để đảm bảo tỷ lệ an toàn theo thông lệ quốc
tế.

Tiến trình cổ phần hóa DNNN nói chung, cổ
phần hóa NHTM Nhà nước nói riêng còn rất chậm, đây cũng là lực cản cho
sự phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Hội
đồng quản trị các NHTM cổ phần có tư tưởng chần chừ, chậm đưa cổ phiếu
của các NHTM cổ phần của mình niêm yết trên Trung tâm giao dịch chứng
khoán, cũng làm chậm tiến trình nói trên.

VII) Giải pháp và kiến nghị cho phát triển thị trường tài chính ở nước ta trong thời gian tới:

Việt
Nam không thể đẩy quá nhanh việc xây dựng thị trường tài chính, cũng
như thị trường chứng khoán vượt lên trên sự phát triển chung của nền
kinh tế, tức là phải phát triển đồng bộ, tất nhiên là phải có sự ưu
tiên xây dựng các tiền đề, cơ sở hạ tầng nào đó. Chúng ta không thể nôn
nóng, cũng như không thể ngồi chờ cho đủ điều kiện được. Như phần đầu
bài viết đã đề cập, thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán có mối
liên hệ mật thiết với nhau. Khi lãi suất trên thị trường tiền tệ tăng
lên, khi thị trường tiền tệ nóng lên, thì thị trường chứng khoán cũng
sôi động. Phát triển thị trường tiền tệ, làm tăng tốc độ chu chuyển vốn
ngắn hạn trong nền kinh tế, nâng cao khả năng kinh doanh trên thị
trường tiền tệ của các tổ chức trung gian tài chính, tạo điều kiện cho
các tổ chức này sẵn sàng tham gia có hiệu quả trên thị trường chứng
khoán. Theo đó một số đề xuất và kiến nghị như sau:


Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, trực tiếp là Ủy ban chứng khoán Nhà
nước phối hợp chặt chẽ mạnh dạn đưa 2-4 NHTM cổ phần đầu tiên niêm yết
cổ phiếu trên Trung tâm giao dịch chứng khoán. Phối hợp chặt chẽ, trên
cơ sở tài trợ quốc tế, tổ chức các cuộc hội thảo, khóa đào tạo, tập
huấn ngắn ngày về nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán và niêm yết cổ phiếu
của NHTM trên thị trường chứng khoán. Bộ Tài chính cũng nên cùng NHNN
tập trung tháo gỡ vướng mắc trong việc định giá NHTM và một số giải
pháp khác đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa hai NHTM NN đầu tiên theo kế
hoạch.

– Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính
phối hợp tăng khối lượng tín phiếu Kho bạc Nhà nước đấu thầu hàng quý,
hàng năm. Có thể tăng tần suất các phiên đấu thầu từ 1 phiên/1tuần hiện
nay lên 2 phiên/tuần. Linh hoạt hơn nữa lãi suất đấu thầu qua các phiên
theo sát diễn biến trên thị trường. Thời hạn tín phiếu cũng có thể đa
dạng hơn, như kỳ hạn 60 ngày, 90 ngày… thay cho chỉ có loại 360 ngày
như hiện nay. Cần có cơ chế để các NHTM cổ phần và Ngân hàng khác có
quy mô nhỏ hơn có thể trúng thầu tín phiếu trên thị trường này. Đặc
biệt là Bộ Tài chính cần có biện pháp đưa các Công ty bảo hiểm, tổ chức
bảo hiểm tham gia đấu thầu tín phiếu, không nên để tình trạng lãng phí
vốn hay quan hệ tiền gửi không kỳ hạn trực tiếp với các TCTD như hiện
nay.

– Ngân hàng Nhà nước có biện pháp bảo đảm
tính hệ thống của Quỹ tín dụng, có cơ chế điều hòa vốn linh hoạt hơn
của hệ thống này. Trên cơ sở đó tạo điều kiện thu hút Quỹ tín dụng tham
gia thị trường liên ngân hàng và các dạng khác của thị trường tiền tệ
so NHNN tổ chức, vận hành.

– NHNN nâng cấp thị
trường nội tệ liên ngân hàng, thể hiện rõ vai trò can thiệp cuối cùng
của NHNN trên thị trường này. Tiến tới công bố được lãi suất thị trường
nội tệ liên ngân hàng ở Việt Nam do là lãi suất chủ đạo của Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam.

– Bản thân các Tổ chức
trung gian tài chính cần phải nhanh chóng đa dạng hóa các nghiệp vụ
kinh doanh của mình, nhất là nghiệp vụ kinh doanh trên thị trường tiền
tệ theo thông lệ quốc tế. Các NHTM mạnh dạn đầu tư hơn nữa cho các
nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán và thu hút tiền gửi không kỳ hạn, dịch
vụ thanh toán cho khách hàng. Đây cũng chính là các nhà đầu tư cá nhân
trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới, cũng như là khách hàng
tiềm năng của nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán mà Ngân hàng thương mại
cần nhằm tới thu hút.

tapchikiemtoan