Mô hình công ty quản lý nợ và tài sản

10 / 100

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong quá trình cải cách DNNN thì nợ và tài sản tồn kho ứ đọng là một cản ngại rất lớn đến hiệu quả hoạt động SXKD, hiệu quả sử dụng vốn của DN nói riêng và của toàn xã hội nói chung.

Mặc dù Chính phủ đã đưa ra những biện pháp giải quyết nhưng tất cả chỉ mang tính tình thế cục bộ chưa cương quyết và còn tạo ra tâm lý ỷ lại của các DN vào Nhà nước … Vì vậy, nợ và tài sản ứ đọng tại các DNNN càng ngày càng là gánh nặng cho toàn bộ nền kinh tế. Do đó bên cạnh việc cần phải hoàn thiện cơ chế xử lý nợ tại các các doanh nghiệp thì cần phải tạo một công cụ thích hợp để hỗ trợ cho các DN chủ động giải quyết những tồn tại về nợ và tài sản ứ đọng.

 Giải pháp cho vấn đề này là việc thiết lập mô hình công ty quản lý nợ và tài sản để xử lý nợ và tài sản tồn đọng cho các doanh nghiệp là cần thiết.

Công ty quản lý nợ và tài sản

 Công ty quản lý nợ và tài sản (QLN&TS) là một định chế đặc biệt và công cụ hữu ích để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế do bị ảnh hưởng của nợ và tái thiết lại hệ thống ngân hàng. Các công ty QLN&TS ra đời, được giao những quyền hạn đặc biệt để hoàn thành sứ mệnh của nó trong một thời gian ngắn, cụ thể là: xử lý nợ khó đòi, tồn đọng bằng cách mua, quản lý, xử lý… nhằm tối đa hoá giá trị của những khoản nợ hoặc tài sản để bán và thu hồi vốn.

Công ty QLN&TS được thành lập và hoạt động theo những cơ chế riêng đôi khi các quyền hạn này không bị giới hạn bởi luật pháp hiện hành và có thể các qui chế của hoạt động của loại công ty này không tuân theo những điều khoản của một số luật đang tồn tại. Các nhân viên của công ty quản lý nợ và tài sản đôi khi được qui định miễn trừ truy tố và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy để tránh lạm quyền hoạt động của công ty này phải được sự giám sát rất chặt chẽ của uỷ ban giám sát, hội đồng quản trị. Xuất phát từ mục đích hoạt động của công ty quản lý nợ và tài sản là mua lại các tài sản có vấn đề từ các trung gian tài chính và tối đa hoá giá trị những tài sản đã mua do đó công ty phải có nguồn vốn lớn và có kỹ năng chuyên môn giỏi.

Từ tình hình thực tế về nợ của các DNNN tại Việt Nam, từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới nên việc xây dựng mô hình công ty quản lý nợ và tài sản là cần thiết, như là một công cụ tài chính đắc lực thúc đẩy tiến trình cải cách nền kinh tế của Việt Nam nói chung và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của xã hội và DN nói riêng.

Vai trò

 Công ty QLN&TS giúp Nhà nước giải quyết những tồn tại về mặt tài chính trong hệ thống DNNN trong quá trình sắp xếp lại các DNNN nhằm giảm đến mức thấp nhất các tổn thất về phía Nhà nước.

° Tạo thêm hàng hoá cho thị trường chứng khoán thúc đẩy sự hình thành và phát triển thị trường vốn ở Việt Nam.

° Công ty QLN&TS tạo ra một công cụ tài chính nhằm định hướng cho một số hoạt động tài chính mang tính chất chuyên nghiệp ra đời như các công ty mua bán nợ, công ty làm dịch vụ đòi nợ, công ty đầu tư tài chính… Như vậy, sẽ giải quyết được áp lực và tách bạch được các hoạt động mang tính chất quản lý của NN và hoạt động mang tính chất kinh doanh.

Chức năng

– Thực hiện tái tạo nguồn vốn cho các DN, các ngân hàng thương mại trên cơ sở quá trình phân loại, sắp xếp DN.

– Sáp nhập, hợp nhất và mua lại các DN, ngân hàng thương mại đồng thời hỗ trợ củng cố toàn bộ hoạt động của DN và hệ thống ngân hàng.

– Giải quyết các khoản nợ hiện tại giữa DN với các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước.

– Thanh toán nợ và tài sản của các ngân hàng bị đóng cửa, khôi phục tài chính thông qua việc bán lại tài sản của các ngân hàng bị đóng cửa

– Cơ cấu lại nợ của các công ty, các DNNN

Nhiệm vụ

Với các chức năng trên, công ty QLN&TS phải thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:

– Tiếp nhận, quản lý và thu hồi các khoản nợ phải thu khó đòi từ các DN, nhất là các DN đang thực hiện chuyển đổi sở hữu.

– Trực tiếp mua – bán, làm môi giới và cấu trúc lại các khoản nợ của các DNNN và các DN khác.

– Xử lý tất cả các loại tài sản liên quan đến nợ, tổ chức định giá và bán đấu giá tất cả các loại tài sản mà công ty được giao.

– Hỗ trợ cho Nhà nước xác định giá trị tài sản, đánh giá DN trong khi thực hiện chuyển đổi sở hữu dựa trên cơ sở chuyên môn của mình khi có yêu cầu.

Môi trường hoạt động bên ngoài

Với chức năng và nhiệm vụ như trên nên về mặt tổ chức, Công ty QLN&TS phải là một định chế tài chính trung gian, trực thuộc sự quản lý trực tiếp của ngân hàng trung ương, hoạt động trong môi trường luật ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Công ty QLN&TS đặc trách xử lí nợ khó đòi tồn đọng, bằng cách mua, quản lí, tài trợ, nhằm tối đa hoá giá trị của khoản nợ hoặc tài sản để bán nhằm thu hồi vốn. Nếu được trực tiếp điều hành bởi ngân hàng trung ương thì qua sự phối hợp với các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác có thể giải quyết các khoản nợ hiệu quả hơn, và linh hoạt hơn trong quá trình xử lí nợ.

 Công ty QLN&TS cần có quyền hạn đặc biệt được Quốc hội thông qua để giải quyết dứt điểm nợ trong thời gian ngắn nhất. Do đặc tính chuyên môn của việc xử lí nợ, cần có luật xử lí nợ để công ty thực hiện tốt chức năng của mình. Khi công ty tiến hành mua nợ của DNNN, công ty đầu tư – quản lý tài sản nhà nước có quyền cử người điều tra tình hình tài chính DN, khả năng thanh toán nhằm thu hồi các khoản nợ có hiệu quả. Nếu khoản nợ được chuyển thành cổ phần, công ty có quyền quản lí tài sản, quyền tham gia điều hành hoạt động công ty. Điều này góp phần làm gia tăng giá trị các khoản nợ và làm cho việc kinh doanh mua bán tài sản, nợ thuận lợi. Biện pháp xử lí nợ có hiệu quả cần phải gắn với tính pháp lí chặt chẽ. Cần cưỡng chế buộc con nợ trả nợ bằng những biện pháp phù hợp.

Công ty QLN&TS có mối quan hệ mật thiết với Cục tài chính doanh nghiệp, Công ty đầu tư tài chính nhà nước trực thuộc Bộ tài chính cũng như cần sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ từ các cơ quan bộ ngành chủ quản khác của các DNNN.

Công ty QLN&TS hoạt động như một DN kinh doanh nợ các DN, các tổ chức tín dụng theo cơ chế thị trường, có tài khoản riêng, con dấu riêng.

image003



Các chế định pháp lí

Công ty QLN&TS nhà nước cần có một nền tảng pháp lý để hỗ trợ cho các thẩm quyền đặc biệt sau:

– Quyền được yêu cầu được cung cấp thông tin và hồ sơ đầy đủ từ các DN và các cơ quan quản lý chuyên ngành như: cơ quan thuế, ngân hàng …

– Có quyền tuyên bố phong toả đối với những khoản nợ và tài sản thu được để ngăn cản các bên cho vay khác thực hiện thanh lý đối với tài sản. Với quyền hạn này sẽ cho phép công ty có cơ hội để cơ cấu lại khoản nợ nhằm tối đa hoá giá trị.

– Công ty có quyền sở hữu đầy đủ đối với khoản nợ và tài sản đã thu được để việc cơ cấu lại, quản lý và bán tài sản hiệu quả hơn.

– Cơ chế giá được hình thành theo giá thị trường. Giá mua, giá bán nợ khó đòi, tài sản do hai bên thoả thuận, căn cứ vào tiêu chuẩn do hội đồng thẩm định giá độc lập đưa ra

– Cơ chế thực hiện quyền sở hữu hợp pháp các tài sản không đủ giấy tờ, hồ sơ, yếu tố, pháp lí. Cơ chế này thúc đẩy nhanh giải quyết các tài sản có khiếm khuyết, làm rõ quyền sở hữu thông qua sự công nhận của luật pháp.

– Quyền được pháp luật bảo vệ, miễn trừ trách nhiệm trong hoạt động chuyên môn ngoại trừ những hành vi trục lợi cá nhân.

Ưu và nhược điểm

Ưu điểm của công ty quản lý nợ và tài sản:

– Tách rời mối quan hệ giữa ngân hàng và DN, do đó phát huy được khả năng thu hồi nợ.

– Tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng thoát khỏi sức ép về nợ, do đó hệ thống ngân hàng sẽ thực hiện tốt hơn chức năng nghiệp vụ chính của mình.

– Tạo điều kiện cho quá trình cải cách DNNN có lợi cho việc tái thiết theo từng chiến lược của nền kinh tế.

– Có quyền hạn đặc biệt khi xúc tiến xử lý và thu hồi các khoản nợ vay.

Nhược điểm của công ty quản lý nợ và tài sản :

Nếu tài sản và nợ được chuyển sang các công ty QLN&TS không được các công ty này quản lý và xử lý tích cực thì bản thân sự tồn tại của các công ty này sẽ làm giảm hiệu quả trong quá trình thanh toán và giảm giá trị của tài sản. Mặt khác khi các công ty hoạt động chắc chắn sẽ chịu nhiều áp lực từ các nhân tố khách quan tác động nếu nó không được luật pháp hỗ trợ.

Quá trình chuyển giao, tiếp nhận tài sản dựa trên cơ sở thương mại theo các nguyên tắc: minh bạch có tính chuyên nghiệp và độc lập. Có ba cách xử lý đối với các loại tài sản như sau:

– Đối với những khoản phải thu từ những khoản cho vay cầm cố, tín dụng tiêu dùng, hợp đồng cho thuê và thuê mua, những loại nợ tương tự có giá trị tương đối nhỏ nhưng số liệu nhiều và đồng nhất thì sẽ rất hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế vì họ muốn quản lý thu nợ hoặc sở hữu danh mục nợ lớn. Đây là những tài sản hứa hẹn được các nhà đầu tư sẽ mua trong thời gian ngắn nhất và sẽ mang lại nhiều hy vọng cho công ty.

– Những tài sản có ít tính thanh khoản hơn như: cho vay đầu tư vào bất động sản được thế chấp bằng tài sản thì các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc lựa chọn kỹ lưỡng hơn do đó sẽ bán chậm hơn những tài sản trên.

– Đối với những loại cho vay thương mại và cho vay công nghiệp hiện nay ở Việt Nam sẽ hầu như rất ít nhà đầu tư muốn mua thì công ty nên chuẩn bị sẵn sàng để nắm quyền kiểm soát quản lý DN nếu cuối cùng bên vay không đủ khả năng để thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Cơ chế tài chính

Với mục tiêu là một công ty QLN&TS do Chính phủ thành lập nhằm  giảm các gánh nặng về nợ quá hạn cho các DNNN và các ngân hàng thương mại và lành mạnh hoá tình hình, tính chất của các DN không có kinh nghiệm thương mại và các tài sản của nó chủ yếu là các khoản nợ có vấn đề, tức là những khoản nợ mà chủ của nó chủ yếu muốn giao. Bởi vì, họ cảm thấy khả năng thu hồi các khoản nợ này rất thấp.

Nguồn vốn của công ty quản lý nợ và tài sản: 

Công ty QLN&TS được thành lập trên cơ sở cấu trúc pháp lý, quy chế, pháp chế và cơ cấu quản trị và điều hành chung tại Việt Nam chưa phát triển mạnh. Hoạt động của công ty này không mang tính thương mại cao vì những lý do sau:

+ Các tài sản mà công ty QLN&TS nhận được gần như có giá trị bằng không.

+ Các kỹ thuật định giá được ban hành chưa theo nguyên tắc đinh giá thị trường

+ Các quyền hạn của công ty chưa được quy định rõ ràng.

Xuất phát từ những khó khăn trên nên nguồn tài trợ vốn quốc tế và của các tổ chức, cá nhân sẽ rất khó khăn mà chủ yếu nguồn vốn này phải được chính phủ tài trợ, có thể thông qua hình thức vốn cổ phần và góp vốn để thành lập công ty QLN&TS trách nhiệm hữu hạn.

Bên cạnh đó, công ty QLN&TS có thể huy động vốn từ các ngân hàng thương mại qua việc các công ty quản lý nợ và tài sản bán trái phiếu ngắn hạn cho các ngân hàng thương mại để nhận được tiền mặt, những khoản nợ mà ngân hàng chuyển giao qua cho công ty QLN&TS.

Ngoài ra, công ty QLN&TS có thể huy động vốn từ những khoản vay khác như vay của các ngân hàng, các tổ chức cá nhân hoặc phát hành các công nợ quốc tế …Riêng đối với việc phát hành các công nợ quốc tế có lẽ chỉ đạt được khi công ty QLN&TS đã hoạt động tương đối ổn định và các nhà đầu tư quốc tế sẽ chỉ đầu tư vào các chứng khoán nhận nợ của công ty QLN&TS Việt Nam nếu các khoản đầu tư này hứa hẹn sinh lợi. Mặt khác, phải có sự bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam khi công ty QLN&TS phát hành các chứng khoán vì Việt Nam là một nước có hệ thống chế tài còn mới mẻ về đầu tư nước ngoài, mức độ phát triển về thị trường vốn còn ở trình độ thấp, tính thương mại của hệ thống ngân hàng còn hạn chế. Nhưng đây là một nguồn vốn rất quan trọng cho sự phát triển của công ty QLN&TS trong tương lai. Vì vậy, phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quốc tế có sự so sánh giữa rủi ro với thu nhập từ khoản đầu tư cho vay đối với công ty QLN&TS thuộc sở hữu nhà nước với những cơ hội đầu tư khác trên thị trường quốc tế và trong khu vực. Thông thường các yếu tố làm cơ sở lựa chọn thường là: chi phí, lãi suất và phương thức trả lãi, tính thanh khoản của chứng khoán, tính minh bạch của người phát hành và cơ cấu quản trị điều hành.

Tóm lại, công ty QLN&TS là một định chế có tính lịch sử và trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam hiện nay sự ra đời của nó là cần thiết nhưng để công ty đạt được kết quản khả quan khi thực hiện sứ mệnh của nó thì phải có một cơ cấu thích hợp và một khuôn khổ pháp lý tạo cho nó một sức mạnh cần thiết có những thẩm quyền đặc biệt thì mô hình này mới thực sự thành công.

(Theo TCKTPT)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *