Thực trạng công tác lập Báo cáo tài chính hợp nhất tại các tập đòan kinh tế VN

Thực trạng công tác lập Báo cáo tài chính hợp nhất tại các tập đòan kinh tế VN
TCKT cập nhật: 12/04/2009
060914180239_globe_in_money.jpgTrong xu hướng phát triển rộng rãi của nền kinh tế thế giới, sự hội
nhập kinh tế quốc tế đang là trào lưu ở hầu hết các quốc gia. Kết quả
tất yếu của quá trình hội nhập là hình thành các cty đa quốc gia, các
công ty mẹ con có sự kiểm soát lẫn nhau.

Ở VN sự hình thành các tổng công ty mẹ con mang những nét đặc thù riêng bởi nó được xuất hiện chủ yếu là từ việc chuyển đổi và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty nhà nước- một phương thức chủ yếu từ những năm 90 của thế kỷ XX khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 91/TTg sang Tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ con. Đặc điểm chung của công ty mẹ con này là: Công ty mẹ đều là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc có tỷ lệ vốn góp chi phối, các công ty con có thể là doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có chi phối của nhà nước, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH từ hai thành viên trở lên có hơn 50% vốn nhà nước. Sự liên kết kinh tế, tài chính, công nghệ của một nhóm các công ty mẹ- con này với nhau tạo thành một tập đòan kinh tế.

Với bối cảnh nền kinh tế nước ta hiện nay đang vận hành theo cơ chế thị trường và trong xu thế hội nhập, cạnh tranh diễn ra ngày càng quyết liệt hơn. Do hạn chế về khả năng và nguồn lực, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế buộc phải hợp tác với nhau trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nghiên cứu phát triển mở rộng theo chiều rộng và chiều sâu. Trong đó, một hình thức hợp tác được các đơn vị doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ưa thích hiện nay là hợp nhất kinh doanh, nó giúp các đơn vị mở rộng được quy mô, giảm đối thủ cạnh tranh, đa dạng hóa ngành nghề, mở rộng thị trường…Khi đó yêu cầu đặt ra với các tập đoàn kinh tế là phải có được bức tranh tòan cảnh về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của một tổng thể hợp nhất. Hệ thống báo cáo tài chính hợp nhất là kết quả của quy trình hợp nhất các báo cáo tài chính, là phương tiện hữu ích để cung cấp thông tin cho các đối tượng liên quan.

Báo cáo tài chính hợp nhất tổng hợp và trình bày một cách tổng quát toàn diện tình hình tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu ở thời điểm kết thúc năm tài chính, tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh năm tài chính của tập đoàn như một doanh nghiệp độc lập không tính đến ranh giới pháp lý của các công ty mẹ- con riêng biệt.

Báo cáo tài chính hợp nhất có ý nghĩa và tác dụng quan trọng đối với những đối tượng sử dụng thông tin kế toán về một tập đoàn. Việc loại trừ ảnh hưởng của các giao dịch  nội tập đoàn giúp người sử dụng thông tin kế toán đánh giá chính xác hơn về thực trạng tài chính, tình hình và kết quả hoạt động của toàn bộ nhóm công ty với tư cách một thực thể kinh tế duy nhất hoạt động dưới sự kiểm soát của công ty mẹ.

Đối với các nhà quản lý công ty mẹ- những người chịu trách nhiệm kiểm soát nguồn lực và hoạt động của nhóm công ty có thể ra quyết định có liên quan đến hoạt động của tập đoàn; các cổ đông hiện tại và tương lai của công ty mẹ, những người quan tâm đến khả năng sinh lời của mọi hoạt động mà công ty mẹ kiểm soát có thể ra quyết định đầu tư, các chủ nợ của công ty mẹ có thể sử dụng thông tin hợp nhất để đánh giá sự ảnh hưởng của các hoạt động ở công ty con do công ty mẹ kiểm soát đến khả năng trả nợ của công ty mẹ. Báo cáo tài chính hợp nhất còn giúp các đối tượng khác nhau như những người phân tích tài chính, tư vấn chứng khoán có thêm thông tin chính xác để hoạt động tốt hơn trong lĩnh vực của mình.

Báo cáo tài chính hợp nhất có vai trò quan trọng như vậy nên việc tổ chức thực hiện lập báo cáo tài chính hợp nhất tại các tập đòan kinh tế là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên hiện nay đa số các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty ở VN vẫn chưa triển khai thực hiện hoặc áp dụng chưa triệt để việc lập báo cáo tài chính hợp nhất theo đúng chuẩn mực kế toán số 25: “Báo cáo tài chính hợp nhất và các khoản đầu tư công ty con” ngày 30 tháng 12 năm 2003 và thông tư hướng dẫn số 23/2005/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2005. Những lí do chính có thể kể đến khi các tập đòan chưa thực hiện thành công việc lập báo cáo tài chính hợp nhất là:

Thứ nhất, do chuẩn mực kế toán VN (VAS) và các chuẩn mực liên quan khác còn nhiều vấn đề khó áp dụng, thiếu tính cụ thể.

Thứ hai, do mô hình tập đoàn kinh tế ở nước ta rất phức tạp, tồn tại trường hợp các công ty mẹ con đầu tư lẫn nhau theo kiểu vòng tròn, các giao dịch mua bán cũng diễn ra chồng chéo mà khung pháp lý về hợp nhất BCTC hiện nay chưa đáp ứng được mô hình này nên rất khó khăn cho tập đoàn trong việc loại trừ và điều chỉnh các chỉ tiêu về công nợ, vốn, doanh thu, giá vốn, lợi nhuận…trên báo cáo tài chính hợp nhất.

Thứ ba, có rất nhiều tập đòan kinh tế nước ta có quy mô quá lớn, các đơn vị thành viên lên tới hàng trăm, hàng nghìn. Các công ty con trực thuộc tập đoàn lại phân cấp thành nhiều công ty con cấp dưới, do vậy phải hợp nhất báo cáo tài chính ở nhiều cấp. Mặt khác các đơn vị thành viên trong cùng một tập đoàn có nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh phong phú đa dạng, mỗi đơn vị thành viên có tới hàng nghìn mặt hàng khác nhau dẫn tới các đặc điểm kinh tế, các chỉ tiêu chính sách kế toán không thống nhất, phương pháp kế toán áp dụng cũng khác nhau. Chính vì vậy việc tổng hợp thông tin từ các báo cáo tài chính của các công ty con rất phức tạp và mất nhiều thời gian.

Thứ tư, nhìn chung đội ngũ kế toán của các công ty mẹ và công ty con còn nhiều hạn chế về chuyên môn năng lực, chưa có điều kiện để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ hay cập nhật thông tin mới, chế độ mới. Công tác tổ chức kế toán còn thiếu tính đồng bộ, chuyên môn hóa chưa cao do vậy chưa thể đáp ứng một cách hoàn hảo khi giải quyết những vấn đề phức tạp nêu trên để hòan thành hệ thống báo cáo tài chính hợp nhất.

Với những lý do chủ yếu nêu trên có thể đánh giá khái quát thực trạng công tác lập BCTC hợp nhất ở các tập đoàn kinh tế VN hiện nay còn nhiều thiếu sót, việc loại trừ các giao dịch nội bộ thể hiện qua các khoản công nợ, doanh thu, chi phí, lãi lỗ chưa triệt để do vậy BCTC hợp nhất không chính xác không thể hiện một cách trung thực thực trạng tài chính của tập đoàn. Điều này sẽ là khó khăn cho một số đối tượng liên quan như các nhà đầu tư, các tổ chức ngân hàng, tín dụng, chứng khoán…khi đánh giá và đưa ra quyết định chính xác.

Đỗ Thị Minh Thư – ĐH Thương Mại (Tạp chí NCKHKT)
Tapchiketoan.com