Nghề kế toán, kiểm toán trong kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập

Nghề kế toán, kiểm toán trong kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập
TCKT cập nhật: 28/05/2010

doi_moi.jpgViệt
Nam
đang trong tiến trình đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc nền kinh tế, xây
dựng nền kinh tế nhiều thành phần đa sở hữu, vận hành theo cơ chế thị trường,
mở cửa và hội nhập. Cùng với sự đổi mới kinh tế, hệ thống kế toán Việt Nam đã
và đang cải cách sâu sắc, triệt để tường bước tiếp cận và hòa nhập với nguyên
tắc, thông lệ, chuẩn mực phổ biến trên thế giới.

Kiểm toán, lĩnh vực hoạt động mới phát sinh từ kế toán, phục
vụ yêu cầu của kế toán cũng đã xuất hiện và phát triển mạnh mẽ trong những năm
gần đây.

Kế toán, kiểm toán không chỉ là công cụ quản lý kinh tế –
tài chinh thuần túy, mà đã trở thành một lĩnh vực dịch vụ, một nghề nghiệp được
thừa nhận trong nền kinh tế thị trường, mở cửa.

Trước yêu cầu của nền kinh tế chuyển đổi và trong tiến trình
tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động kế toán, kiểm toán Việt Nam được phát
triển cùng với việc tiếp tục tạo lập, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý, tăng cường
hoạt động các tổ chức nghề nghiệp. Một mặt, tiếp tục phát triển về số lượng,
quy mô các tổ chức dịch vụ, phát triển loại hình dịch vụ và phạm vi cung cấp;
đồng thời, phải tăng cường, thúc đẩy chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động,
tăng cường quản lý nhằm phát triển các hoạt động kế toán, kiểm toán đáp ứng yêu
cầu tăng trưởng và ổn định kinh tế. Mặt khác, phải đồng thời chú trọng phát
triển các hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán theo yêu cầu của nền kinh tế,
theo xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế, tạo dựng và mở
rộng giao lưu nghề nghiệp. Sự phát triển cả về số lượng, chất lượng, nâng cao
năng lực nghề nghiệp sẽ từng bước khẳng định vị trí hoạt động nghề nghiệp kế
toán, kiểm toán Việt Nam trong khu vực và quốc tế; thông qua hoạt động của các
tổ chức nghề nghiệp kế toán (Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam), tổ chức
tư vấn nghề nghiệp.

Thực hiện cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, kể cả cam
kết song phương và đa phương, từ giữa những năm 90 của thế kỷ XX, hệ thống kế
toán Việt Nam đã có những cải cách một cách căn bản, toàn diện được xây dựng
trên cơ sở tiếp cận và hòa nhập có chọn lọc với những nguyên tắc thông lệ phổ
biến của quốc tế về kế toán, phù hợp từng bước với đổi mới cơ chế kinh tế – tài
chinh. Khuôn khổ pháp lý về kế toán đã được tạo dựng và tiếp tục hoàn thiện,
phát triển, các chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán, kiểm toán được ban hành.
Ngay từ 1989, Câu lạc bộ Kế toán trưởng các doanh nghiệp và toàn quốc ra đời và
sau đó, 1994, Hội Kế toán Việt Nam (VAA), nay là Hội Kế toán và Kiểm toán Việt
Nam đã được thành lập với tính chất là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đảm nhiệm
vai trò giao lưu, phổ biến, thông tin và nâng cao năng lực chuyên môn cho hàng
chục nghìn hội viên là những người làm nghề kế toán và kiểm toán trong cả nước.

Hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam đã được xây dựng mới
tiếp tục phát triển với mục tiêu: Thiết lập và phát triển hệ thống kế toán,
kiểm toán của Việt Nam trong một khuôn khổ pháp lý và trình độ nghiệp vụ chuyên
môn đạt được phù hợp với tiến trình đổi mới của đất nước, tiếp cận và hòa nhập
với các nước trên thế giới và trong khu vực; từng bước tạo cơ sở pháp lý cho
việc công nhận của quốc tế đối với hệ thống kế toán Việt Nam.

Việc nghiên cứu và phổ biến rộng rãi các chuẩn mực quốc tế
về kế toán (IAS), chuẩn mực quốc tế về kiểm toán, đã được triển khai ngày từ
những năm đầu tiên đổi mới cơ chế kinh tế và Việt Nam đã lựa chọn các chuẩn mực
có khả năng áp dụng, xúc tiến việc soạn thảo và công bố hệ thống chuẩn mực kế
toán Việt Nam (VAS), chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.

Chỉ sau ít năm hoạt động, với sự giúp đỡ của Liên minh Châu
Âu, của tổ chức nghề nghiệp khu vực và thế giới như Hội Kế toán Cộng hòa Pháp,
Thái Lan, Úc…, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) đã được kết nạp làm
thành viên của Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC), cảu Hiệp hội Kế toán ASIAN (AFA).
Những tổ chức này có vai trò rất quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình
hội nhập trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của các nước trong việc duy trì và
phát triển nghề nghiệp kế toán và kiểm toán trên toàn thế giới và khu vực.

Kế toán nói chung và Kiểm toán độc lập mới xuất hiện ở Việt
Nam từ những năm đầu thập kỷ 90, thế kỷ XX với hai công ty kiểm toán đầu tiên
là Công ty kiểm toán Việt Nam (VACO) và Công ty Dịch vụ kế toán & kiểm toán
Việt Nam (AASC), nhưng đã phát triển rất nhanh, sớm tạo dựng vị thế trong nền
kinh tế. Đến nay, đã có gần 140 công ty dịch vụ kiểm toán, cả công ty nhà nước,
công ty tư nhân, công ty 100% vốn nước ngoài và công ty liên doanh với hàng
nghìn kiểm toán viên, kế toán viên hành nghề tại hầu hết các thành phố và các
tỉnh trên cả nước. Hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán tiếp tục phát triển,
được luật pháp Việt Nam thừa nhận trong Luật Kế toán (2003) và Nghị định của
Chính phủ về kiểm toán độc lập.

Hoạt động dịch vụ kế toán kiểm toán Việt Nam không ngừng
được cải thiện về chất lượng dịch vụ và đã khẳng định được vị trí trong nền
kinh tế quốc dân. Các công ty dịch vụ kế toán và kiểm toán đóng vai trò quan
trọng trong việc trợ giúp, tư vấn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp về pháp
luật, chế độ, thể chế tài chinh, kế toán của nhà nước, cũng như việc lập, ghi
sổ kế toán, tính thuế, lập báo cáo tài chinh.

Kế toán, kiểm toán – Nghề dịch vụ cao cấp trong môi trường
kinh tế mới

Trên thực tế, dịch vụ kế toán, kiểm toán đang chất chứa tiềm
năng phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi
mạnh mẽ, hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế thế giới. Với mục tiêu 500.000
doanh nghiệp đến năm 2010, trong đó, có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy
mô vừa và nhỏ, các công ty sẽ không cần thiết phải tuyển dụng nhân viên kế toán
hoặc kế toán trưởng. Thuê dịch vụ kế toán, thuê kế toán trưởng sẽ là giải pháp
tối ưu trong việc tiết kiệm chi phí và đảm bảo tính chuyên nghiệp trong hoạt
động kế toán, tài chinh. Với tỉ trọng doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm tới
97% trong tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh trên cả nước và chiếm tới 96% doanh
nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp đủ thấy tiềm năng phát triển to
lớn của dịch vụ kế toán trong tương lai gần.

Đã có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có quy
mô vừa và nhỏ đi thuê người làm kế toán. Hầu hết các doanh nghiệp kế toán hiện
nay đều cung cấp dịch vụ kế toán. Nhưng số người có chứng chỉ hành nghề kế
toán, kiểm toán còn quá ít ỏi phản ánh một phần rất nhỏ trong bức tranh khá sôi
động của thị trường dịch vụ kế toán. Đội ngũ cung cấp dịch vụ kế toán hùng hậu
nhất hiện nay lại chính là các kế toán trưởng, kế toán viên có kinh nghiệm của
các công ty, đơn vị không hẳn là một công ty dịch vụ kế toán. Những người này
nhận chứng từ, sổ kế toán của các đơn vị để làm ngoài giờ. Một người có thể
nhận thêm phần việc kế toán hoặc làm kế toán trưởng cho một hay nhiều công ty
có quy mô nhỏ và vừa. Dịch vụ kế toán đang đua nở đang phát triển khá mạnh và
chưa có sự quản lý thống nhất của tổ chức nghề nghiệp.

Để hoạt động dịch vụ kế toán đi vào nề nếp góp phần đảm bảo
an ninh kinh tế thúc đẩy nền kinh tế thị trường Nhà nước đã và sẽ tiếp tục ban
hành những văn bản quy phạm quy định về việc hành nghề đăng ký hành nghề và
quản lý hành nghề kế toán.

Dịch vụ kế toán rất cần các quy định pháp lý và quản lý nghề
nghiệp

Dịch vụ kế toán được coi là một loại hình dịch vụ mới ra đời
và quy định pháp luật đầu tiên về loại dịch vụ này được thể hiện trong Luật Kế
toán và Luật Kiểm toán nhà nước. Nhà nước quy định cụ thể, chi tiết về điều
kiện hành nghề và quản lý hành nghề kế toán. Theo quy định, doanh nghiệp dịch
vụ kế toán và các nhân chỉ được hành nghề sau khi đã đăng ký hành nghề với Hội
Kế toán và Kiểm toán Việt Nam.
Nếu doanh nghiệp hoặc cá nhân hành nghề kế toán nhưng không đăng ký hành nghề
sẽ bị xử phạt theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính của Chính phủ về xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.

Trách nhiệm và quyền hạn của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt
Nam (VAA)

Theo quyết định 47/2005/QĐ-BTC ngày 14/7/2006 của Bộ Tài
chính, từ ngày 1/1/2007, Bộ chuyển giao chức năng quản lý hành nghề kế toán cho
VAA. Các cá nhân hành nghề kế toán và doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải có trách
nhiệm tuân thủ sự quản lý của VAA.

VAA tiếp nhận, xem xét hồ sơ đăng ký hành nghề kế toán và
xác nhận danh sách người hành nghề kế toán của doanh nghiệp dịch vụ kế toán. VAA
có nhiệm vụ thiết lập hố sơ để theo dõi, quản lý đầy đủ, kịp thời, chính xác
các thông tin liên quan đến cá nhân hành nghề kế toán và doanh nghiệp dịch vụ
kế toán; quản lý về đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn nghiệp vụ của người hành
nghề kế toán; thực hiện công khai danh sách doanh nghiệp dịch vụ kế toán cà
người hành nghề kế toán và cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động hành nghề
kế toán cho các cơ quan tổ chức có yêu cầu. VAA sẽ phải đảm nhiệm việc kiểm
tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán và đạo đức nghề nghiệp của người hành
nghề kế toán.

Việc chuyển giao chức năng quản lý hành nghề kế toán của cơ
quan nhà nước cho tổ chức hội nghề nghiệp thể hiện quyết tâm hội nhập thế giới
của kế toán, kiểm toán Việt Nam vì hệ thống quốc tế, các hoạt động hành nghề
đều do hội nghề nghiệp quản lý. Thông tư hướng dẫn đăng ký hành nghề kế toán
với những quy định cụ thể về nhiệm vụ, về quyền hạn của Hội nghề nghiệp trong
quản lý danh sách và hoạt động hành nghề kế toán lại một lần nữa khẳng định sự
đổi mới và quyết tâm này.

Tuy nhiên, để VAA quản lý dịch vụ kế toán, một loại hình
dịch vụ có thể nói là đang mang tính tự phát vốn không hề đơn giản, đặc biệt là
với rào cản tâm lý của người Việt vốn quen với việc quản lý của cơ quan nhà
nước, chưa đặt nhiều niềm tin vào các tổ chức hội. Rõ ràng, để làm tốt chức
năng này, không phải chỉ cần quyết tâm, nỗ lực của Hội Kế toán và Kiểm toán
Việt Nam
mà phải là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước với Hội. Qua quá
trình kiểm tra các báo cáo tài chinh, cơ quan thuế phát hiện được những sai
phạm trong hoạt động hành nghề (nếu có) và thông báo cho cơ quan đảm nhận chức
năng quản lý nghề nghiệp. Nhưng quan trọng hơn cả là việc xây dựng ý thức xã
hội về nghề nghiệp này. Chỉ khi các công ty dịch vụ, các cá nhân hành nghề kế
toán chủ động liên hệ với Hội trong việc đăng ký hành nghề, cập nhập thông tin
liên quan để nhận được những quyền lợi hợp pháp của người hành nghề kế toán và
phía các công ty, cơ sở kinh doanh có ý thức về việc được cung cấp dịch vụ đảm
bảo chất lượng thì hoạt động dịch vụ kế toán mới đi vào nề nếp và phát triển
lành mạnh.

 

Theo THANH TÙNG – Tạp chí kế toán số 77