Làm gì để đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá ngân hàng thương mại nhà nước ?
Làm gì để đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá ngân hàng thương mại nhà nước ? |
TCKT cập nhật: 17/03/2007 | |
I. Xu thế hội nhập toàn cầu ngày nay 1. Thời cơ và thách thức đối với các NHTMVN hiện nay: Trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa hiện nay thì ngân hàng là lĩnh vực hoàn toàn mở trong cam kết gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO. Chính vì vậy, hơn bất cứ ngành nào, lĩnh vực ngân hàng cần phải “tăng tốc” nâng cao năng lực cạnh tranh để không bị thua thiệt ngay trên chính “sân nhà”. Bên cạnh những cơ hội được mở ra cho các NHTMVN như (i) cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực kinh doanh với điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng bền vững.. có xu hướng tăng lên, các NHTMVN có thể tiếp thu các kinh nghiệm, kỹ năng, trình độ quản lý của các tập đaòn tài chính hàng đầu trên thế giới; (ii) việc minh bạch về thông tin và công khai tài chính khi hội nhập sẽ giúp các NHTMVN bắt kịp được các tiêu thức và kỹ năng quản trị ngân hàng hiện đại và (iii) có điều kiện mở rộng mạnh lưới kinh doanh ra thị trường quốc tế… các NHTMVN hiện nay đang phải đối diện với những thách thức lớn như: (i) Thách thức cạnh tranh từ sự gia nhập của nhiều định chế tài chính lớn có uy tín và kinh nghiệm hoạt động lâu năm về lĩnh vực tài chính ngân hàng; (ii) Cơ chế quản lý điều hành còn cứng nhắc, thiếu năng động, chưa bắt kịp được thực tế kinh doanh sẽ là thách thức lớn trong cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài; (iii) Hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh chưa phù hợp với các thông lệ quốc tế, chưa đảm bảo việc tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật về ngân hàng và sự an toàn của hệ thống ngân hàng; (iv) Thách thức lớn nhất đối với quá trình hội nhập quốc tế trong dịch vụ ngân hàng là xuất phát điểm còn thấp về trình độ phát triển thị trường, tiềm lực về vốn yếu, công nghệ và tổ chức ngân hàng lạc hậu, nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập. Như vậy, trong điều kiện hiện nay, khi thời gian VN gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO ngày càng gần thì việc nâng cao năng lực tài chính cho các NHTMVN, đặc biệt là các NHTMNN chủ lực để có thể cạnh tranh được với các NHTM nước ngoài là vấn đề hết sức thực tế và đang được quan tâm. Và các NHTNVN cần phải nhanh chóng nâng cao năng lực tài chính để tiếp cận theo các tiêu chuẩn quốc tế. 2. Cổ phần hóa NHTMNN: một bước đi tất yếu: Trong thời gian qua, việc CPH các DNNN đã đem lại khá nhiều tác động tích cực đối với sự phát triển của đất nước. Ngành ngân hàng của chúng ta, khi thực hiện chủ trương nói trên với bối cảnh kinh tế như vậy, cũng không nằm ngoài xu thế này. Chính phủ VN đã thông qua một chiến lược cải cách hệ thống NHTM nhằm khôi phục sự lành mạnh của cả hệ thống ngân hàng, cải thiện tính an toàn, hiệu quả của chức năng trung gian tài chính cho nền kinh tế. Chương trình cải cách này đã và đang được thực hiện với mục tiêu duy trì sự phát triển và ổn định hệ thống, phù hợp với khuôn khổ kinh tế vĩ mô của VN. Một loạt các biện pháp chính sách đã được thực hiện nhằm tăng cường và củng cố hoạt động của hệ thống NHTMNN, kể cả việc cơ cấu lại tài chính thông qua xử lý nợ xấu và cấp vốn bổ sung từ phía Chính phủ. Từ năm 2001 đến nay, 4 NHTMQD lớn của VN là Vietcombank, Incombank, Agribank và BIDV đã được Nhà nước cấp bổ sung khoảng 10.000 tỷ đồng để tăng vốn, tiến tới chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, theo lộ trình dự kiến, để đạt chỉ số an toàn vốn (CAR 8%) thì từ nay đến năm 2010, các NHTM VN phải được bổ sung một lượng vốn tự có ước tính lên tới 117.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để giải quyết nợ xấu, các NHTMNN cần 1 tỷ – 1.5 tỷ USD. Theo đánh giá, tiềm lực tài chính của các NHTMNN yếu (tổng tài sản của ngân hàng lớn nhất xấp xỉ trên dưới 10 tỷ USD, vốn tự có chưa đến 500 triệu USD), trình độ quản lý công nghệ lạc hậu sẽ phải cạnh tranh với những “đối thủ khổng lồ” như các tập đoàn tài chính HSBC, CitiBank… có tổng tài sản hàng nghìn tỷ USD và có cách thức quản lý, công nghệ ngân hàng hết sức hiện đại. Do đó, để cạnh tranh và tồn tại, các NHTMNN cần phải tập trung vào việc tăng vốn tự có mà cổ phần hóa là một trong những giải pháp thiết yếu. Mục đích của CPH NHTMNN là đổi mới phương thức tạo vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng, thay đổi phương thức quản lý điều hành, áp dụng các công nghệ hiện đại của thế giới; ứng dụng phong phú các sản phẩm dịch vụ ngân hàng của các nước tiên tiến, góp phần lành mạnh hóa và minh bạch tình hình tài chính của các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện cuộc sống của nhân dân. Một khi các NHTMNN cổ phần hóa, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng này sẽ tăng lên rất nhiều và khả năng huy động vốn từ các nguồn lực trong xã hội sẽ không ngừng gia tăng, và do đó, đây là cách tốt nhất để tận dụng tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển kinh tế đất nước. Hơn nữa, cổ phần hóa NHTMNN góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời tạo hàng hóa chất lượng cung cấp trên thị trường chứng khoán. II. Lộ trình cổ phần hoá các NHTMNN như VCB, MHB 1. Chính sách nhất quán của Chính phủ: Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc lành mạnh hóa khu vực ngân hàng thông qua việc triển khai đề án củng cố, chấn chỉnh các NHTMCP (1998) và đề án cơ cấu lại các NHTMNN (2001) nhằm lành mạnh hóa tài chính, tăng cường kỷ luật thị trường trong hoạt động ngân hàng và nâng cao khả năng cạnh tranh của hệ thống ngân hàng. Chương trình cải cách ngân hàng cũng nhận được sự hỗ trợ quan trọng về tài chính và kỹ thuật của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là WB, ADB, IMF và chính phủ các nước. Việc cổ phần hóa NHTMNN được khởi động năm 2004 với phương thức là bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế (về kiểm toán, định giá, phát hành), minh bạch và an toàn hoạt động nhằm nâng cao năng lực tài chính, công nghệ và quản trị điều hành của các NHTMNN sau cổ phần hóa. Ngày 30.3.2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 11/2004/CT-TTg nhằm tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN. Theo đó, NHNN được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng đề án cổ phần hóa NHNTVN (VCB) và NH Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB). Theo dự kiến thì quá trình cổ phần hóa các NHTMNN phải được hoàn thành trước năm 2010 (ngoại trừ Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn do tính chất đặc thù). Phần vốn của Nhà nước tại các NHTMNN sau khi cổ phần hóa sẽ giảm dần so với tỷ lệ đang dự kiến cho VCB là 51%. Chủ trương của Chính phủ là giữ nguyên phần vốn Nhà nước tại VCB và MHB và phát hành thêm lần đầu số cổ phiếu tối đa tương đương 30% giá trị doanh nghiệp. Và các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia mua cổ phiếu của các NHTMNN cổ phần hóa theo quy định của pháp luật và chính sách đầu tư của VN (tối đa 30%). 2. Cổ phần hóa Ngân hàng ngoại thương VN (VCB): Tiến trình CPH NHNTVN (VCB) được chính thức khởi động tại Chỉ thị số 11/2004/CT-TTg ngày 30.3.2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DNNN theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa IX). Ngay sau khi nhận được tín hiệu từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo sát sao và NHNT đã tích cực chuẩn bị, triển khai những bước đi cần thiết phục vụ cho tiến trình CPH. Do đây là lần đầu tiên một DN có quy mô lớn CPH, lại hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng – một lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế – nên các bước đi đều phải được tính toán thận trọng nhằm tránh xảy ra những biến động tài chính không đáng có. Đến ngày 21.9.2005, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 230/2005/QĐ-TTg cho phép tiến hành CPH NHNTVN. Theo đó, mục tiêu CPH NHNT đã được xác định rõ nhằm: (i) Tăng cường năng lực quản trị điều hành và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và sử dụng vốn; (ii) Tăng cường năng lực tài chính bảo đảm an toàn hoạt động và phát triển NHNT thành tập đoàn tài chính hàng đầu của VN; (iii) Nâng cao sức cạnh tranh của NHNT trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; (iv) Giữ vững NHNT là một trong những ngân hàng có vai trò chủ đạo trong hệ thống ngân hàng VN. Căn cứ quyết định số 1652/QĐ-NHNN ngày 16.11.2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, NHNTVN đã phát hành trái phiếu tăng vốn. Nguồn trái phiếu này bổ sung đáng kể một lượng vốn tự có của NHNT, góp phần chủ yếu nhằm tăng cường năng lực tài chính cho ngân hàng, cải thiện tỷ lệ an toàn vốn trước khi xác định giá trị doanh nghiệp của NHNT để tiến hành CPH. Trong đợt phát hành trái phiếu này, NHNT đã phát hành được 1.365 tỷ đồng và được đánh giá là rất thành công vì đã thu hút được mối quan tâm lớn của công chúng đầu tư. Bên cạnh đó, VCB cũng tiến hành kiểm kê, phân loại tài sản, xử lý tài chính trước khi CPH theo Thông tư 126/2004/TT-BTC ngày 24.12.2004 của Bộ tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 187/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần. Và thực tế, VCB phải trải qua thời gian hơn 4 năm để xử lý nợ tồn đọng, thực hiện chương trình tái cơ cấu. Do tiến hành CPH đối với một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, có nhiều yếu tố đặc thù nên ngoài việc tuân thủ các quy định chung về cổ phần hóa, NHNT đã có kiến nghị gửi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các nội dung khác phù hợp với tính chất hoạt động của ngân hàng. Tính đến thời điểm này, hệ số an toàn vốn CAR của VCB theo chuẩn mực quốc tế lớn hơn 8%, theo chuẩn mực VN thì CAR 10%. Hiện nay, VCB đang trình NHNN để chọn tổ chức tư vấn quốc tế xác định giá trị doanh nghiệp và chọn các cổ đông chiến lược, khẩn trương tiến hành để có thể phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào đầu năm 2007. 3. Cổ phần hóa Ngân hàng phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB): Ra đời muộn hơn (năm 1998), với điểm xuất phát thấp, MHB có tốc độ tăng trưởng tổng tài sản có trong vòng 5 năm trở lại đây nhanh hơn các ngân hàng khác. Năm 2005, tổng tài sản có của MHB đạt 12.700 tỷ đồng, tăng trung bình 50%/năm, đứng thứ 6 trong các NHVN. Với số vốn như hiện nay, MHB sẽ phải tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. Và do đó, việc cổ phần hóa là cần thiết cho MHB. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa tại MHB đơn giản hơn cổ phần hóa tại VCB do quy mô hoạt động của MHB chưa lớn, nợ quá hạn thấp và không phải trải qua một bước cơ bản trước khi cổ phần hóa là cơ cấu tài chính. Với tỷ lệ an toàn vốn 12.92%, và nợ quá hạn trên tổng dư nợ tính theo chuẩn quốc tế là 2.78%, MHB không phải xử lý nợ quá hạn. Và trong 3 năm gần đây, MHB đã tiến hành kiểm toán quốc tế theo chuẩn quốc tế nên việc xác định giá trị doanh nghiệp sẽ trở nên đơn giản hơn. Hiện tại, MHB đang trình danh sách các tổ chức tư vấn lên Ban chỉ đạo cổ phần hóa ngân hàng để tiến hành chọn tổ chức tư vấn xác định giá trị DN. Dự kiến, số lượng cổ phiếu mà MHB phát hành lần đầu ra công chúng không nhiều như của VCB. 4. Vai trò của NHTMNN khi cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK): Với trên 5 năm hình thành và phát triển, TTCKVN đã và đang tự khẳng định là một kênh dẫn vốn quan trọng, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Tính đến cuối năm 2005, TTGDCK TPHCM đã có 32 công ty niêm yết với tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt khoảng 0.9% GDP, các công ty có quy mô vốn lớn vẫn chưa góp mặt trên thị trường. Đối với trái phiếu, do được đặc cách niêm yết nên trái phiếu chính phủ vẫn là loại trái phiếu chủ yếu được niêm yết trên thị trường với tổng giá trị niêm yết (theo mệnh giá) là 39 nghìn tỷ đồng (đến 31.12.2005). Riêng trong năm 2005, chỉ số VN Index đã tăng từ 237,23 lên 307,5 tức 30%; tổng giá trị thị trường đạt 26.878 tỷ đồng trong đó cổ phiếu chiếm 10.4%, trái phiếu chiếm 88.7% và chứng chỉ quỹ chiếm 0.9%. Và đến thời điểm hiện nay đã có 37 công ty niêm yết giao dịch trên TTGDCK TP.HCM (chưa tính 7 công ty đã được cấp phép niêm yết nhưng chưa giao dịch). Hàng hóa trên TTCK hiện nay tuy nhiều hơn trước nhưng chưa thật sự đa dạng và phong phú, đặc biệt chưa có cổ phiếu của các NHTM (NH Sài Gòn Thương Tín – Sacombank – đã được cấp phép niêm yết nhưng dự kiến đến tháng 7.2006 mới giao dịch; còn trái phiếu chuyển đổi của Vietcombank thì đang tiến hành các thủ tục để được cấp phép niêm yết trên TTCK). Do đó, một khi cổ phần hóa các NHTMNN, việc phát hành trái phiếu và cổ phiếu ra thị trường của các NH này sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng: một mặt nó góp phần tăng các loại hàng hóa trên TTCK, thúc đẩy TTCK phát triển ngày càng mạnh mẽ; mặt khác, nó là kênh dẫn vốn quan trọng cho các NHTMNN cho mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế. 5. Một số khó khăn vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa các NHTMNN hiện nay: Có thể thấy việc cổ phần hóa các NHTMNN, mà khởi đầu là hai ngân hàng VCB và MHB đang diễn ra rất chậm. Việc chậm trễ trên xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu sau: Trước hết, do hoạt động ngân hàng có tính đặc thù nên trong quá trình cổ phần hóa, các NHTMNN có một số khó khăn; đặc biệt là khó khăn trong việc định giá NHTM (cả tài sản hữu hình và vô hình). Việc định giá tài sản của ngân hàng không những dựa vào giá trị sổ sách, mệnh giá, hay giá trị thị trường như hàng hóa thông thường mà còn dựa vào mức độ rủi ro, tính thanh khoản, mức sinh lời dự tính tài sản do chịu tác động tỷ giá (tiền trong hoạt động ngân hàng luôn tồn tại dưới hai trạng thái là ngoại tệ và đồng tiền VN). Hơn nữa, phần lớn tài sản của ngân hàng là các khoản tín dụng nên giá trị tài sản phụ thuộc nhiều vào chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp vay vốn. Đồng thời việc xác định giá trị thương hiệu của ngân hàng cũng là vấn đề khá phức tạp còn đang tranh cãi. Thứ hai, quá trình cổ phần hóa NHTMNN phải giải quyết triệt để các tranh chấp kinh tế, giải quyết nợ xấu, nợ tồn đọng… Giai đoạn này cần nhiều thời gian để xử lý nhất. Thứ ba, do hoạt động ngân hàng là lĩnh vực kinh tế nhạy cảm thường bị tác động của yếu tố tâm lý dẫn đến tác động xấu có tính dây chuyền nên trong quá trình thực hiện phải cẩn trọng ở các khía cạnh như: (i) Nhà nước nhất thiết phải nắm giữ cổ phiếu tối thiểu là 51% để kiểm soát hoạt động của NHTMNN sau khi cổ phần hóa, đồng thời nhằm mục đích triển khai chính sách tiền tệ. Có thể trước mắt chỉ phát hành cổ phiếu ưu đãi, các cổ đông không có quyền biểu quyết và điều hành, và cho phép tham gia cổ đông nước ngoài ở mức nhất định. (ii) Thành lập Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa gồm đại diện các cơ quan quản lý như Bộ tài chính, NHNN, NHTMNN được cổ phần hóa… để quyết định một số vấn đề liên quan đến công tác cổ phần hóa. Do đó, để đạt được sự thống nhất của các cơ quan hữu quan liên quan phải mất một khoảng thời gian nhất định. III. Các giải pháp 1. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước: (i) Hoàn thiện khung pháp lý chung về cổ phần hóa, đặc biệt là khung pháp luật cổ phần NHTMNN trên cơ sở nghiên cứu chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tế của VN. NHNN cần xây dựng và thực thi một khuôn khổ pháp lý đảm bảo lợi ích của cổ đông nhỏ khi cổ phần hóa các NHTMNN. (ii) Vấn đề định giá NHTMNN: Các văn bản chế độ hiện hành hướng dẫn việc phân loại đánh giá các khoản tín dụng cho vay chưa phản ánh đúng thực tế. Bên cạnh đó, các phương pháp định giá giá trị doanh nghiệp (phương pháp tài sản, phương pháp dòng tiền chiết khấu…) hiện nay chưa phản ánh được đầy đủ giá trị thương hiệu của ngân hàng. Việc định giá giá trị thương hiệu ngân hàng là vấn đề đang được quan tâm; do đó, NHNN cần bổ sung và sửa đổi các văn bản và các phương pháp định giá giá trị NHTM cho phù hợp với tình hình thực tế. (iii) Do việc cổ phần hóa NHTMNN cần đảm bảo yêu cầu không tạo nên sự bất ổn về tài chính tiền tệ và suy giảm lòng tin trên thị trường nên việc cổ phần từng bước và Nhà nước trước mắt vẫn nắm cổ phần chi phối là điều cần thiết. Tuy nhiên, Nhà nước cần có cơ chế chính sách cởi trói cho các NHTMNN để các ngân hàng này thực sự trở thành một ngân hàng cổ phần năng động, hiệu quả và có tính cạnh tranh cao. 2. Các NHTMNN cổ phần hóa: Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách… của Nhà nước như đã nêu, để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, các NHTMNN cần: (i) Nâng cao năng lực quản trị điều hành theo chuẩn mực quốc tế; (ii) Tăng vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ CAR (theo tiêu chuẩn Basel II); (iii) Đầu tư công nghệ hiện đại, tăng cường quản trị rủi ro; (iv) Đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực để đáp ứng được các yêu cầu công việc khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Theo Tạp chí KTPT |