Kiểm toán môi trường và những thách thức đặt ra đối với kiểm toán nhà nước Việt Nam

12 / 100

Môi trường và sự phát triển bền vững hiện nay không chỉ là vấn đề riêng của mỗi quốc gia mà nó đã trở thành vấn đề toàn cầu đang được thế giới đặc biệt quan tâm. Không phải ngẫu nhiên mà các hội nghị quốc tế về môi trường tổ chức tại Bali lại thu hút sự chú ý theo dõi của tòan cầu bởi vì nó không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia mà nó còn ảnh hưởng tới sự tồn tại của chúng ta hiện nay và các thế hệ tương lai. Môi trường và sự phát triển kinh tế của các quốc gia luôn có mối quan hệ ngược chiều. Nếu đặt mục tiêu phát triển kinh tế cao khả năng phải sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, khả năng xảy ra sự ô nhiễm từ các chất thải công nghiệp là rất lớn, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của môi trường và ngược lại. Do đó, các quốc gia cần phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Với quan niệm rằng tất cả những gì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người và làm hủy hoại đến môi trường đều được coi là ô nhiễm môi trường do đó ô nhiễm môi trường có thể được chia thành các loại sau:

– Ô nhiễm nguồn nước;
– Ô nhiễm không khí;
– Ô nhiễm về tiếng ồn;
– Ô nhiễm từ các chất thải độc hại;
– Ô nhiễm từ sự ảnh hưởng của quá trình phát triển xã hội: ví dụ quá trình đô thị hóa phát triển quá nhanh rất nhiều người không có công ăn việc làm do đó họ vào rừng chặt phá để duy trì cuộc sống. Lượng cây xanh mất đi đồng nghĩa chúng ta có ít O2 hơn để thở, dẫn tới môi trường sẽ bị ô nhiễm, hạn hán, lụt lội thường xuyên xảy ra…

Có thể nhận thấy rằng việc ô nhiễm môi trường chính là nguyên nhân của hiện tượng nóng lên của khí hậu toàn cầu mà các nước trên thế giới đang phải đối mặt. Theo thống kê của các nhà khoa học thì từ năm 1885-1940 trái đất của chúng ta đã tăng lên 0.5oC và nếu không có các biện pháp kịp thời khắc phục hiện tượng này (hiệu ứng nhà kính) thì đến năm 2050 trái đất của chúng ta sẽ nóng lên từ 1,5-4,5oC khi đó phần lớn các khu vực thấp, đầm lầy, đảo nhỏ có thể bị chìm trong nước biển và diện tích đất liền ngày càng bị thu hẹp. Có 05 nguy cơ mà các nước sẽ phải đối mặt với sự biến đổi của khí hậu, đó là:

– Năng suất đất nông nghiệp bị giảm;
– Gia tăng tình trạng thiếu nước;
– Thời tiết ngày một khắc nghiệt (hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra);
– Các hệ sinh thái mất cân bằng;
– Gia tăng bệnh tật.

Như vậy có thể thấy môi trường có vị trí và vai trò vô cùng to lớn đối với sự tồn tại và phát triển của loài người, do đó vấn đề là làm sao để duy trì, bảo vệ và phát triển môi trường một cách bền vững? Cơ quan, tổ chức, cá nhân nào thực hiện công việc đó? Trên thế giới, một số nước đã có thể giải đáp các câu hỏi trên đó chính là các cơ quan kiểm toán tối cao có tiến hành hoạt động kiểm toán môi trường.

Khái niệm kiểm toán môi trường bắt đầu xuất hiện vào những năm đầu của thập kỉ 80 sau hàng loạt các thảm họa môi trường xảy ra tại Anh và Mỹ: “Kiểm toán môi trường là công cụ quản lý bao gồm một quá trình đánh giá có tính hệ thống, định kỳ và khách quan được văn bản hóa về việc làm thế nào để thực hiện tổ chức môi trường, quản lý môi trường và trang thiết bị môi trường đó hoạt động tốt”.

Trong các loại hình kiểm toán thì kiểm toán môi trường được coi là một loại hình kiểm toán đặc biệt bởi các lý do sau:

– Môi trường hiện nay là một vấn đề mang tính toàn cầu và nó ảnh hưởng tới tất cả các nước trên thế giới;
– Môi trường cung cấp các nguyên liệu cần thiết cho sự tồn tại của con người và sự phát triển của các nền kinh tế như: gỗ, nước, không khí, các tài nguyên khoáng sản…;
– Có rất nhiều đối tượng khác nhau tham gia vào hoạt động môi trường;
– Có rất nhiều tổ chức cùng tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường;
– Kiểm toán môi trường đòi hỏi kiến thức rất rộng về các môn khoa học khác nhau: địa lý, hóa học, kiểm toán…

Kiểm toán môi trường phải trả lời được câu hỏi do các nhà quản lý đưa ra:

– Chúng tôi đang làm gì? Có phải tuân thủ các luật, quy định về môi trường của Chính phủ hay không?
– Chúng tôi có thể làm tốt hơn được không? Ở những khu vực không được quy định, các hoạt động có cần được tăng cường để giảm thiểu tác động môi trường hay không?
– Chúng tôi có thể sử dụng các nguyên vật liệu đầu vào khác với chi phí rẻ hơn để thay thế không? Quy trình sản xuất đã là tối ưu chưa?
– Chúng tôi có thể giảm thiểu các sản phẩm hỏng trong quá trình sản xuất không? Nếu có bằng cách nào? Sản phẩm của chúng tôi có thân thiện với môi trường không?
– Chúng tôi có thể giảm thiểu các chất thải độc hại thải ra trong quá trình sản xuất không? Chúng tôi có thể giảm thiểu các chi phí xử lý môi trường nhưng vẫn tuân thủ các quy định về môi trường của pháp luật hay không? Nếu có bằng cách nào?

Chính bởi tính phức tạp của hoạt động kiểm toán môi trường do đó khi tiến hành kiểm toán, kiểm toán viên phải tiến hành cả 03 loại hình kiểm toán đó là: kiểm toán tài chính; kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.

– Kiểm toán tài chính: kiểm toán viên phải đi sâu vào xem xét việc chi tiêu quản lý quỹ cho hoạt động bảo vệ môi trường của Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ có đúng mục đích và đúng quy định hay không? Chi phí DN bỏ ra cho việc xử lý môi trường, nghiên cứu cải tiến thay đổi các nguyên vật liệu đầu vào, chi phí cho việc nộp phạt vi phạm môi trường…được thể hiện đúng và đủ trên các báo cáo tài chính của DN hay chưa? Việc chi tiêu theo các khoản chi phí đó có đúng theo quy định hay không?

– Kiểm toán tuân thủ: kiểm toán viên đi sâu vào xem xét việc tuân thủ các cam kết quốc tế về môi trường của các quốc gia như các Nghị định thư; Công ước quốc tế; Chủ trương của Liên Hợp Quốc; Chương trình nghị sự; Các hướng dẫn…đồng thời kiểm toán viên cũng cần đi sâu xem xét việc tuân thủ các chính sách pháp luật của Nhà nước về môi trường của các DN, đôi khi cũng phải xem xét các quy định riêng của từng địa phwng về môi trường (nếu có)…

– Kiểm toán hoạt động: Nói đến kiểm toán hoạt động tất cả mọi người đều nghĩ đến việc đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực (3Es) tuy nhiên hoạt động kiểm toán môi trường còn được mọi người biết đến với 6Es cụ thể:

Tính kinh tế (Economic): là việc tối thiểu hóa các nguồn lực đầu vào (con người, nguyên vật liệu, các nguồn lực tài chính) cho một hoạt động sản xuất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm là tương đương. Do đó, khi tiến hành kiểm toán các kiểm toán viên phải trả lời được các câu hỏi sau:

DN đã sử dụng các nguyên vật liệu đầu vào một cách thực sự tiết kiệm chưa? Có giải pháp nào tối ưu hơn không?

Vấn đề nguồn lực con người đã được sử dụng một cách kinh tế chưa? DN có thể sử dụng ít công nhân hơn để sản xuất sản phẩm cùng loại đó mà vẫn giữ nguyên chất lượng và tiến độ thời gian không?

Các nguồn lực tài chính (chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm…) đã sử dụng tiết kiệm hơn không? Có phương án nào tối ưu hơn không?

DN đã sử dụng đồng tiền một cách ít nhất hay chưa?

Đối với tính hiệu quả (Efficiency): là mối quan hệ giữa yếu tốt đầu ra (có thể là hàng hóa hoặc dịch vụ…) với các nguồn lực đầu vào để sản xuất ra chúng, tính hiệu quả được thể hiện là việc tối đa hóa các sản phẩm đầu ra với cùng một nguồn lực đầu vào. Hay nói cách khác kiểm toán viên phải trả lời được câu hỏi DN đã sử dụng đồng tiền một cách tốt nhất hay chưa? Khi tiến hành đánh giá KTV có thể so sánh các hoạt động tương đương trong cùng một thời kỳ với cùng một tiêu chuẩn để tìm ra phương án hiệu quả. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực phức tạp như môi trường đôi khi có những vấn đề chưa có chuẩn mực nhất định thì kiểm toán cần phải dựa vào những thông tin tối ưu nhất để phân tích đánh giá đồng thời cũng cần có sự trưng cầu ý kiến đánh giá của các chuyên gia môi trường để có thể đưa ý kiến phù hợp nhất.

Đối với tính hiệu lực (Effectiveness): Là mối tương quan giữa mục tiêu đề ra trong kế hoạch với kết quả đạt được. KTV phải đánh giá được mức độ hoàn thành so với kế hoạch đặt ra có phù hợp và thống nhất hay không? Tóm lại, KTV cần trả lời câu hỏi DN đã sử dụng đồng tiền một cách thực sự không ngoan hay chưa?

Tính đạo đức (Ethic): ở đây đề cập đến đạo đức của những người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động môi trường. Cụ thể, khi tiến hành kiểm toán, KTV cần trả lời được các câu hỏi sau:

Có sự thất thoát lãng phí, tham nhũng trong quá trình chi tiêu hay từ các quỹ môi trường hay không?

Có sự sai phạm về đạo đức của những người đứng đầu các tổ chức tham gia vào hoạt động môi trường hay không? Ví dụ: khi tiến hành một dự án xây dựng mà một làng mất đi diện tích sản xuất (làng này chỉ có sản xuất nông nghiệp không có một nghề nào khác) thì ngoài việc đền bù số đất sản xuất đã lấy đi từ họ thì vấn đề công ăn việc làm của họ sau này sẽ được giải quyết vấn đề đạo đức của người đứng đầu thực hiện dự án sẽ được xem xét thế nào? Hay một nhà máy xi măng được xây dựng gần một khu dân cư sau vài năm đi vào hoạt động số người dân sống ở các khu vực xung quanh bị ung thư là rất cao do môi trường bị ô nhiễm trầm trọng thì vấn đề điều trị bệnh cho những người dân có được nhà máy giải quyết hay không? Chính quyền địa phương có những hành động gì để giảm thiểu ô nhiễm từ nhà máy kia hay không? Nếu không tính “đạo đức” của Ban lãnh đạo nhà máy, chính quyền địa phương sẽ được xem xét như thế nào?

Tính công bằng (Equity): KTV cần trả lời được câu hỏi sau:

Mục tiêu phát triển kinh tế và việc bảo vệ sự phát triển bền vững của môi trường đã được xem xét đến hay chưa?

Các quỹ, nguồn lực tài chính được phân bổ cho các địa phương có được phân bổ một cách công bằng (đã thực sự phù hợp) hay chưa? Có gì khuất tất trong việc phân bổ các quỹ hay không? Ví dụ: Các quỹ bảo vệ môi trường phân bổ về cho các địa phương thì tiêu chí để phân bổ phải là mức độ ô nhiễm và hiệu quả trong việc sử dụng quỹ của từng địa phương; nếu dựa trên tiêu chí là diện tích địa phương hay sử dụng phương pháp bình quân thì tính “công bằng” cần được KTV phải đưa ra trong báo cáo kiểm toán.

+ Tính môi trường (Environment): Kiểm soát viên phải trả lời các câu hỏi sau:
 
Việc thực hiện các giải pháp đề ra mang lại một môi trường sống như thế nào? Có đạt được mục tiêu đề ra hay không?

Môi trường hiện tại đã được cải thiện tốt hơn trước chưa? Các vấn đề còn tồn tại của môi trường hiện nay?

Liệu còn có giải pháp nào tối ưu và đồng bộ hơn để mang lại một môi trường tốt đẹp hơn không?

Khi tiến hành kiểm toán, KTV có thể tiến hành kiểm toán theo các nhân tố cấu thành nên ô nhiễm môi trường hoặc cũng có thể tiến hành theo các chuyên đề như kiểm toán năng lượng; kiểm toán các chất thải bệnh viện; kiểm toán các chương trình về môi trường của quốc gia…

Theo bản báo cáo về phát triển con người năm 2007-2008 của UNDP thì trong số các nước đang phát triển thì Việt Nam là một trong những nước bị đe dọa nhiều nhất bởi hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Nếu nhiệt độ trái đất tăng lên 2oC thì khoảng 2 triệu người Việt Nam sẽ bị mất nhà và 45% diện tích đất nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị chìm trong nước biển. Do đó, vấn đề phát triển bền vững và bảo vệ môi trường cũng được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ Việt Nam đã xác định phải giải quyết trong Kế hoạch hành động năm 2008. Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường: Các tổ chức bảo vệ môi trường, thanh tra môi trường, công an môi trường…tuy nhiên hoạt động của các tổ chức này mới chỉ dừng lại ở hình thức xử lý sự vụ (sự kiện đã xảy ra mới xử lý) chưa có các kiến nghị cụ thể về công tác phòng chống ô nhiễm cũng như đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong việc sử dụng các nguồn kinh phí môi trường của Chính phủ cũng như của DN.

Vấn đề trên sẽ được giải quyết khi Kiểm toán Nhà nước Việt Nam có các KTV môi trường được đào tạo một cách bài bản và chuyên nghiệp, tuy nhiên đây cũng có thể coi là những thách thức không nhỏ đối với cơ quan Kiểm toán nhà nước Việt Nam bởi các lí do sau:

– Chúng ta chưa có một văn bản pháp lý nào quy định Kiểm toán nhà nước Việt Nam có chức năng kiểm toán môi trường.

– Đứng trên phương diện khoa học kiểm toán thì kiểm toán môi trường là sự kết hộ giữa kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động; kiểm toán môi trường là bước phát triển cao hơn của kiểm toán hoạt động. Từ khi thành lập ngành đến nay chúng ta mới chỉ tiến hành một cuộc kiểm toán hoạt động duy nhất đó là cuộc kiểm toán quản lý và sử dụng phí đường bộ; đồng thời đến nay chúng ta vẫn chưa ban hành quy trình hướng dẫn đối với kiểm toán hoạt động.
– Chúng ta chưa xây dựng được một ngân hàng dữ liệu về môi trường của quốc gia (thông tin về số tài nguyên mà quốc gia đã có; số tài nguyên đã sử dụng từng năm; các công nghệ xử lý chất thải; danh sách các công ty vi phạm về môi trường…) đây là kênh thông tin hết sức quan trọng có thể hỗ trợ các KTV rất nhiều trong hoạt động kiểm toán, ví dụ như các KTV có thể đưa ra những khuyến cáo của mình trong việc sử dụng khai thác các tài nguyên, hướng giải quyết, xử lý, sử dụng trong các năm tiếp theo.

– Công tác đào tạo cán bộ các kiến thức về kiểm toán môi trường của kiểm toán Nhà nước Việt Nam còn rất hạn chế do đó chúng ta chưa xây dựng được một đội ngũ KTV môi trường chuyện nghiệp.

– Chúng ta chưa xây dựng được một quy trình, phương pháp riêng đối với hoạt động kiểm toán môi trường.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng vô cùng to lớn của môi trường không chỉ đối với cuộc sống của chúng ta mà với cả nền kinh tế Việt Nam thì có thể nói hoạt động kiểm toán môi trường sẽ tất yếu xuất hiện trong hoạt động kiểm toán của cơ quan Kiểm toán Nhà nước Việt Nam. Với hi vọng trong tương lai gần, khi mà chúng ta có những quy định pháp lý cụ thể cho hoạt động kiểm toán môi trường, các KTV của chúng ta được đào tạo đầy đủ và chuyện nghiệp…thì cơ quan Kiểm toán nhà nước Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố tích cực không những góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước mà còn góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.

Nguyễn Tuấn Trung (Tạp chí NC Khoa học kiểm toán)
Tapchiketoan.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *