Kiểm toán viên Việt Nam trong điều kiện hội nhập và phát triển thực trạng và giải pháp

Kiểm toán viên Việt Nam trong điều kiện hội nhập và phát triển thực trạng và giải pháp
TCKT cập nhật: 20/03/2010

Đứng trước xu thế tất yếu của quá trình hộp nhập kinh tế quốc tế, Đảng và
Nhà nước ta đã sớm nhận thức được và có chủ trương hội nhập với nền kinh tế thế
giới. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, các ngành dịch vụ
trong nước cũng phải được nâng cao để phù hợp với điều kiện này và đáp ứng được
yêu cầu quản lý. Kiểm toán và kế toán vừa là một nghề cung cấp dịch vụ (xét
trên khía cạnh kinh doanh) vừa là một công cụ quản lý kinh tế trong hệ công cụ
quản lý của Nhà nước (xét trên kía cạnh quản lý)…

Để có thể đạt được
những mục tiêu đó, ngoài việc thiết lập một cơ chế chính sách hợp lý, một chiến
lược phát triển phù hợp thì không thể bỏ qua yếu tố con người mà ở đây chính là
kiểm toán viên (KTV). Trong bài viết này sẽ chỉ đề cập đến yếu tố con người là
các KTV.

Kiểm toán viên và yêu cầu với kiểm toán viên trong công cuộc
quản lý kinh tế đất nước

Bản chất cũng như mục tiêu của kiểm toán là thẩm định và xác
nhận mức độ tin cậy của thông tin. KTV là chủ thể của một cuộc kiểm toán, thực
hiện tất cả các công việc trong một quy trình kiểm toán nhằm đặt được mục tiêu
trên đưa ra ý kiến xác nhận cho các thông tin được kiểm toán. Đồng thời KTV phải
chịu trách nhiệm cho ý kiến của mình về chất lượng thông tin được kiểm toán đối
với các đối tượng sử dụng thông tin đã kiểm toán. Do đó, KTV và yêu cầu với KTV
là một yếu tố quan trọng và không thể thay thế. KTV phải tuân thủ các nguyên
tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán như: Độc lập, chính trực, khách quan, có năng
lực chuyên môn và tính thận trọng, tính bí mật tư cách nghề nghiệp, tuân thủ
chuẩn mực chuyên môn. Đây là những nguyên tắc mang tính bắt buộc bởi nó ảnh
hưởng rất lớn đến chất lượng hiệu quả của cuộc kiểm toán cũng như uy tín của KTV,
công ty kiểm toán.

Vì vậy, KTV phải luôn phát huy tối đa vai trò và trách nhiệm
của mình trong các hoạt động kiểm toán cũng như các hoạt động khác liên quan. KTV
phải luôn thể hiện: là vị quan tòa công minh của quá khứ; là người dẫn dắt
thông thạo cho hiện tai; là người cố vấn sáng suốt cho tương lai.

Việt Nam
đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế theo xu hướng hội nhập toàn
cầu nên việc xây dựng một đội ngũ những người hành nghề kế toán, kiểm toán
chuyên nghiệp là nhân tố thiết yêu. Xuất phát từ đặc điểm trên, trong điều kiện
hoàn cảnh kinh tế xã hội hiện nay và xét đến xu hướng hội nhập và phát triển
trong tương lai, một KTV cần đảm bảo các yêu cầu sau:

Thứ nhất: Yêu cầu về đào tạo nghề nghiệp

KTV phải có một quá trình đào tạo tương đối bài bản về lý
luận kiểm toán cũng như thực hành kiểm toán. Quá trình đào tạo KTV phải được
thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình học trong Trường Đại học
đến quá trình hành nghề kiểm toán. Việc đào tạo phải hướng tới mục tiêu là: đào
tạo lý luận kiểm toán và hành nghề kiểm toán; đào tạo kỹ năng cần thiết cho
kiểm toán cũng như đạo đức, thái độ nghề nghiệp kiểm toán.

Thứ hai: Yêu cầu về tính độc lập

Độc lập ở mọi khía cạnh trong kiểm toán là nguyên tắc hành
nghề cơ bản của KTV. KTV phải thực sự không bị chi phối bởi bất kỳ lợi ích vật
chất hoặc tinh thần nào làm ảnh hưởng đến sự trung thực khách quan và độc lập
nghề nghiệp của mình. Mọi câu hỏi về tình hình kinh doanh hoặc các xử lý kiểm
toán trong các  giao dịch của doanh
nghiệp cần được trả lời đầy đủ và đảm bảo rằng KTV không bị rằng buộc, hạn chế
trong việc thu thập các bằng chứng kiểm toán và ý kiến nhận xét của mình.

Thứ ba: Yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp

Để đảm bảo có thể cung cấp các dịch vụ có chất lượng cao
nhất cho xã hội, KTV cần phải tuân thủ các yêu cầu có tính nguyên tắc về đạo
đức nghề nghiệp. KTV phải luôn duy trì được tính độc lập, trung thực, khách
quan trong quá trình kiểm toán. KTV phải có lương tâm nghề nghiệp, luôn làm
việc với sự thận trọng cao nhất với tinh thần làm việc chuyên cần. KTV phải tôn
trọng bí mật của những thông tin thu thập được trong quá trình kiểm toán. KTV phải
tôn trọng pháp luật phải chấp hành đúng các chế độ, thể lệ, nguyên tắc và luật
pháp của Nhà nước và những nguyên tắc, chuẩn mực kiểm toán được thừa nhận.

Thứ tư: Yêu cầu về năng lực nghiệp vụ

Nguyên tắc cơ bản chi phối cuộc kiểm toán yêu cầu KTV phải
thực hiện công việc với đầy đủ chuyên môn cần thiết. KTV phải có năng lực
chuyên môn về tổ chức cũng như việc thực hành các công  việc kiểm toán.

Thứ năm: Yêu cầu về thái độ nghề nghiệp:

Trong quá trình thực hiện kiểm toán, KTV luôn phải tỏ thái
độ lắng nghe, cầu thị và thận trọng trong công việc. Với thái độ nhã nhặn, ứng
xử khôn khéo tế nhị sẽ làm cho môi trường kiểm toán thoải mái, thân thiện đảm
bảo cho việc thu thập thông tin, bằng chứng kiểm toán để đưa ra kết luận phù
hợp. Cần tránh sự cứng nhắc, cố chấp, áp đặt trong kiểm toán.

Thứ sáu: Yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp

Ngoài năng lực chuyên môn cần có để đảm bảo cho yêu cầu kiểm
toán, KTV cần có các kỹ năng sau: Kỹ năng sử dụng thành thạo các phương tiện,
điều kiện phục vụ cho kiểm toán; Kỹ năng tự tổ chức công việc, đánh giá sự phù
hợp của các công việc cần thực hiện trong quá trình kiểm toán; Kỹ năng làm việc
theo nhóm; Kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề; Kỹ năng ứng xử, giao tiếp,
thỏa thuận các vấn đề; Kỹ năng thu thập thông tin; Kỹ năng thuyết trình vấn đề
bằng miệng và bằng văn bản; Kỹ năng vận dụng các kiến thức chuyên môn và chuẩn
mực chuyên môn cho công việc kiểm toán; Kỹ năng phân tích và tư duy lô gic; Kỹ
năng xét đoán nghề nghiệp; Kỹ năng về khả năng kiềm chế cảm xúc, nhạy cảm nghề
nghiệp… Các kỹ năng này là những yếu tố góp phần làm nên chất lượng và tính
kinh tế trong kiểm toán.

Thực trạng của kiểm toán viên trong điều kiện hiện nay

Năm 1991, Bộ Tài chính thành lập 2 công ty là DNNN làm kiểm
toán, đó là công ty kiểm toán Việt Nam (VACO) và Công ty Dịch vụ Tư vấn Tài
chính Kế toán và Kiểm toán (AASC). Đến nay (4/2008) đã có 195 công ty kiểm toán
độc lập với đủ mọi hình thức, gồm có: 130 công ty TNHH; 4 công ty 100% vốn đầu
tư nước ngoài; 11 công ty hợp danh và 14 công ty đang có sự thay đổi hoặc chưa
đủ điều kiện hành nghề kiểm toán. Như vậy đã vượt 60% chỉ tiêu đề ra tại Hội
nghị tổng kết 10 năm hoạt động kiểm toán độc lập năm 2001. Nếu trong năm 2001
có 3/34 công ty được công nhận là thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế,
thì nay đã có đến 17 công ty. Trong 159 công ty kiểm toán đặt 159 văn phòng
chính và 55 chi nhánh và văn phòng đại diện trên khắp cả nước.

Tháng 10/1994, lần đầu tiên Bộ Tài chính tổ chức thi tuyển
và cấp chứng chỉ đặc cách cho 49 người đủ điều kiện, tiêu chuẩn KTV chuyên
nghiệp. Đến 31/1/2007, Bộ Tài chính đã tổ chức 13 kỳ thi tuyển KTV cho người
Việt Nam và kỳ thi sát hạch cho người nước ngoài và cấp 1.304 chứng chỉ KTV cho
những người đạt kết quả thi. Đến 31/3/2008, cả nước có 5.864 nhân viên làm việc
trong 159 công ty kiểm toán trong đó có 4.676 nhân viên chuyên nghiệp, có 949 KTV
gồm: 88 người vừa có chứng chỉ KTV Việt Nam, vừa có chứng chỉ KTV nước ngoài;
827 người có chứng chỉ KTV Việt Nam; 34 người có chứng chỉ KTV nước ngoài

Như vậy, thời điểm hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 7.000
người làm việc trong các loại hình kiểm toán: kiểm toán độc lập, kiểm toán Nhà
nước và kiểm toán nội bộ; khoảng gần 1.500 KTV; khoảng 230 các văn phòng, chi
nhánh của các tổ chức kiểm toán (số liệu ước tính của tác giả).

Với số lượng KTV và các tổ chức kiểm toán như hiện nay không
thể phủ nhận sự phát triển của lĩnh vực kiểm toán, song sự phát triển đó vẫn
chưa tương xứng với nhu câu hiện tại và vai trò, chức năng của lĩnh vực (nghề)
kiểm toán. Chất lượng dịch vụ của các công ty kiểm toán cung cấp là tương đối
tốt nhưng do môi trường tài chính Việt Nam chưa chuyên nghiệp và minh bạch
nên cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Trình độ năng lực chuyên môn cũng
như đạo đức nghề nghiệp của KTV ngày càng được nâng cao như so với các nước
tiên tiến trên thế giới vẫn có một khoảng cách khá xa. Thực trạng trên xuất
phát từ một số nguyên nhân sau:

Hoạt động kiểm toán ở nước ta còn rất mới, chưa được phổ
biến và coi trọng. Nền kinh tế nước ta chưa đạt đến mức độ nền kinh tế thị
trường đầy đủ, nên hoạt động kiểm toán không phải lúc nào cũng được coi là một
yêu cầu bức thiết. VIệc mời các công ty kiểm toán cung cấp dịch vụ kiểm toán BCTC
thường theo những mục tiêu riêng của mỗi đơn vị. Do đó việc yêu cầu cung cấp
dịch vụ kiểm toán bao giờ cũng đi kém các điều kiện nhằm đặt được mục tiêu đó.

Hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến hoạt động kiểm
toán độc lập chưa được ban hành, hướng dẫn đầy đủ và thống nhất. Các công ty
kiểm toán có thể tiến hành các công việc kiểm toán dựa trên các quyết định,
nguyên tắc trong các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam hay quốc tế.

Sự trợ giúp về chuyên môn và kỹ thuật của các hiệp hội và tổ
chức nghề nghiệp chưa có tác dụng nhiều trong hoạt động của các công ty kiểm
toán.

Việc cung cấp dịch vụ còn chịu tác động của quy luật cung
cầu, cạnh tranh. Do vây, giá phí kiểm toán thấp (đặc biệt đối với các công ty
kiểm toán nhỏ) đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện đúng đắn, đầy đủ các
công việc kiểm toán.

Việc đào tạo KTV ở Học viện, Trường Đại học chỉ mang tính
chất lý luận, chưa sát với thực tế. Ngoài ra, việc đào tạo KTV ở các công ty
kiểm toán thường mang tính chất kinh nghiệm chưa vận dụng lý luận kiểm toán,
hoặc việc đào tạo KTV theo tiêu chuẩn quốc tế ở các hãng kiểm toán. Do đó, việc
vận dụng kiến thức vào hoạt động kiểm toán thực tế thường không phù hợp. ngoài ra,
do KTV ở mỗi công ty kiểm toán thường xuyên có sự biến động, nên việc trang bị
chuyên môn nghề nghiệp kiểm toán thường không tác động đến hoạt động của công
ty kiểm toán.

Chưa có một cơ chế quản lý, kiểm soát cụ thể đối với chất
lượng của các cuộc kiểm toán cũng như kết quả của nó.

Các nhu cầu về công khai thông tin kế toán tài chính chưa
trở thành thói quen, vì vậy kết quả kiểm toán chưa thực sự quan trọng đối với
các đối tượng sử dụng thông tin.

Nội dung môn thi để cấp chứng chỉ KTV chủ yếu vẫn như chương
trình học đại học, có hệ thống lại và cập nhật cơ chế chính sách mới. Nội dung
ôn thi chủ yếu vẫn là kiến thức lý thuyết, hầu như ít kinh nghiệm thực tế. Với
cách thi này, nhiều trường hợp có chứng chỉ KTV phải thêm vài ba năm kinh
nghiệm thực tế nữa mơi hành nghề được.

Lĩnh vực kiểm toán ở Việt Nam đối với nhiều người còn mới mẻ
nhưng trên thế giới thì kiểm toán thực sự là một nghề rất phổ biến và đã có một
quá trình phát triển lâu dài. Việc đào tạo KTV được các nước rất quan tâm, như
Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản,… các KTV của những nước này nhiều về số lượng, tốt về
chất lượng, giàu kinh nghiệm có khả năng đáp ứng yêu cầu công việc và tính linh
hoạt, nhạy bén cao

Giải pháp nâng cao năng lực và phẩm chất của kiểm toán viên

Về phía Nhà nước:

– sớm thiết lập môi trường pháp lý hoạt động kiểm toán trong
điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay. Ban hành đầy đủ các văn bản pháp quy
về kiểm toán trong đó có nhấn mạnh vai trò quyên hạn và trách nhiệm đối với các
KTV, các tổ chức và hội nghề nghiệp.

– Phải xây dựng, quy hoạch và có chiến lược đào tạo bồi
dưỡng KTV theo các giai đoạn 5, 10, 15 năm và chiến lược lâu hơn nữa. Bên cạnh
đó phải xây dựng nội dung chương trình đào tạo kiến thức cho phù hợp trong từng
thời kỳ, từng đối tượng, theo tường mục tiêu kiểm toán hay tổ chức kiểm toán.

– Nhà nước cần mở rộng tăng cường năng lực và vai trò hoạt
động của các tổ chức nghề nghiệp, tăng cường chất lượng hoạt động của Hội nghề
nghiệp kế toán kiểm toán, Hội đồng Quốc gia về kế toán, các chuyên gia kế toán,
kiểm toán, các KTV hành nghề.

– Nhà nước cần phải đảm bảo cho các công ty kiểm toán cũng
như các KTV có được sự cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật, nâng cao năng lực
và thế mạnh của các công ty kiểm toán trong nước nhằm phát huy vai trò chủ đạo
của kinh tế Nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán. Nhà nước cũng cần nhanh chóng
thừa nhận một chức danh nghề nghiệp của chuyên gia kiểm toán nếu không muốn
nghề nghiệp kiểm toán bị tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới

 
Về phía và trường và các tổ chức đào tạo

– Nhà trường phải có kế hoạch tuyển chọn phù hợp với nhu
cầu, chất lượng đầu vào cao, số lượng hợp lý. Trong quá trình đào tạo phải xác
định học sinh, sinh viên là trung tâm với phương pháp chủ động trong trong lĩnh
hội kiến thức.

– Nhà trường cần phải xác định rõ mục tiêu đào tạo là. Đào
tạo chuyên môn kiểm toán trên cả hai phương diện khoa học kiểm toán và hành
nghề kiểm toán. Đồng thời phải xây dựng một chương trình đào tạo phù hợp và có
tình lô gic từ số lượng môn, tính kế tiếp giữa các môn, nội dung giảng từng môn
học đến khâu đánh giá kết quả học tập. Riêng đối với nội dung giảng dạy kiểm
toán cần được xây dựng theo từng lĩnh vực hoạt động kế toán của đất nước. Quá
trình đào tạo phải đảm bảo gắn kết giữa lý thuyết với thực tế để sinh viên khi
ra trường có thể đảm nhận một số công việc và có thể giảm thiểu thời gian công
sức đào tạo lại. Mặt khác, nội dung đào tạo cần phải tạo cho sinh viên hình
thành và phát huy những kỹ năng cần thiết khác cho công việc kiểm toán sau này
(kỹ năng đã được đề cập ở trên). Thêm nữa, đạo đức, tác phong và tư cách nghề
nghiệp cũng cần phải được đề cập và phổ biến trong quá trình đào tạo KTV.

– Nhà trường cần trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cần thiết
cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giáo viên và sinh viên bởi đây
là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

– Giáo viên phải là người chủ đạo trong quá trình dạy học,
đồng thời phải là người có trình độ khoa học và nghiệp vụ cao với những phẩm
chất tốt đẹp của một nhà giáo. Muốn vậy các Học viên, các trường đại học phải
làm tốt khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng người giáo viên “vừa hồng vừa chuyên”,
đảm bảo khả năng sư phạm. có tâm huyết với nghề, với thế hệ trẻ. Cần nói thêm
rằng lĩnh vực kiểm toán có liên quan đến rất nhiều kiến thức ở nhiều môn học,
lĩnh vực khác nên đòi hỏi phải có sự bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho giáo
viên kiểm toán. Đồng thời phải dành những khoảng thời gian nhất định cho giáo
viên tham gia thực tế để phục vụ cho việc giảng dạy được thuyết phục và phong
phú hơn.

– Nhà trường cần xác định và từng bước xây dựng một trung
tâm đào tạo KTV riêng biệt và chuyên nghiệp để có thể nâng cao chát lượng KTV.
Cần phải phát huy vai trò của hội tổ chức nghề nghiệp trong công tác bồi dưỡng,
đào tạo nguồn nhân lực cho kiểm toán.

Về phía các tổ chức, công ty kiểm toán:

– Cần xây dựng chế độ và phương pháp quản lý đối với KTV.
Một chế độ, phương pháp quản lý tốt và môi trường kiểm toán chuyên nghiệp là
những yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ đến chất lượng KTV, để họ có thể yên
tâm công tác, cống hiến và có điều kiện nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ.

– Cần có sự liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng với các
cơ sở đào tạo KTV, các tổ chức nghề nghiệp. Các công ty có thể nhận sinh viên
năm cuối đến tham gia vào hoạt động của công ty, giúp sinh viên tiếp cận sớm
với thực tế kiểm toán và môi trường nghề nghiệp. Việc làm này tạo điều kiện cho
các sinh viên và công ty có thể trao đổi, ứng dụng, kiểm tra về các lý luận
chuyên môn được học trong nhà trường vào hoạt động kiểm toán của công ty. Qua
đó sẽ có những thông tin phản hồi để nhà trường và các công ty kiểm toán có sự điều
chỉnh cho phù hợp, đảm bảo sự sáng tỏ của lý thuyết và khoa học của hoạt động
thực tiễn.

– Cần có sự tham gia vào các hoạt động dạy và học ở trong
nhà trường: tham gia ý kiến vào việc xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực
kiểm toán; tham gia viết bài chuyên môn trên giác độ thực tế hoạt động kiểm
toán; tham gia báo cáo thực tế kiểm toán cũng như trả lời và cung cấp thông tin
cập nhật về hoạt động nghề nghiệp cho sinh viên; tham gia giảng dạy cho các lớp
chuyên ngành kiểm toán.

Về phía kiểm toán viên:

– Cần phải có kiến thức và sự hiểu biết tương đối rộng và
toàn diện ở nhiều lĩnh vực và khía cạnh liên quan đến kiểm toán. Chủ động tiếp
cận với thực tế hoạt động nghề nghiệp kế toán, kiểm toán để hình thành kiến
thức kiểm toán trên phương diện lý luận và thực tiễn.

– không ngừng nâng cao phát triển chuyên môn nghiệp vụ bằng
việc tham gia các khóa học nâng cao nghiệp vụ. Đồng thời phải rèn luyện khả năng
sáng tọa riêng của mình cũng như học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng
nghiệp. Thời đại ngày nay là thời đại của thông tin vì vậy các KTV không chỉ
trau dồi kiến thức chuyên môn mà còn phải luôn luôn cập nhật các thông tin về
tin học, về ngoại ngữ và về các lĩnh vực khoa học kỹ thuật cũng như xã hội
khác.

– Cần phải thường xuyên tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất của
một cán bộ kiểm toán, rèn luyện cho mình thính trực quan, độc lập, vô tư, công
bằng, cẩn thận, siêng năng, có tinh thần trách nhiệm. Luôn có thái độ cầu thị,
học hỏi và đúc rút kinh nghiệm thực tế kiểm toán. Việc làm này góp phần giúp KTV
hình thành kỹ năng kiểm toán cho mìn cũng như tố chất để trở thành một KTV chuyên
nghiệp.

Trong điều kiện hiện nay, việc sẵn có một hệ thống lý luận
khoa học nói chung cũng như khoa học kế toán, kiểm toán nói riêng là một sự cần
thiết. tuy nhiên, để trở thành một KTV thực thụ và chuyên nghiệp thì kiến thức
thực tế, kinh nghiệm nghề nghiệp là một yếu tố không thể thiếu. Việc vận dụng
lý luận khoa học trong kiểm toán kết hợp với kiến thức và kinh nghiệm thực tế
sẽ đem lại những bài học quý giá cho KTV trong tương lai. Muốn lĩnh vực kiểm
toán phát triển thì yếu tố then chốt là phải phát triển nguồn nhân lực cho kiểm
toán. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực cho kiểm toán và bồi dưỡng nâng cao
kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, tư chất và kỹ năng cho KTV là một việc làm cần
thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay và mai sau.

                Theo THS. PHẠM TIẾN HƯNG – TC Kiểm toán