Công việc của kế toán trưởng, những điều kiện, trách nhiệm và kỹ năng ?

78 / 100

Kế toán trưởng là một trong những nghành nghề có sức ảnh hưởng to lớn và cũng là vị trí bắt buộc không thể thiếu trong các doanh nghiệp. Chính vì điều đó người làm nghành này cũng phải mang trong mình những kiến thức và kĩ năng phù hợp. Hãy cùng tham khảo qua bài viết dưới để có thể hiểu rõ hơn về nghành nghề này.

Kế toán trưởng là gì ?

Kế toán trưởng (Chief Accountant): là người đứng đầu trong bộ phận kế toán của công ty, người lãnh đạo trực tiếp của phòng kế toán và phải chịu trách nhiệm trước công ty (cơ quan, tổ chức, đơn vị) về tất cả hoạt động về tài chính kế toán doanh nghiệp.

Công việc của kế toán trưởng ?

Kế toán trưởng
  • Điều hành, tổ chức các hoạt động liên quan đến tài chính kế toán của công ty.
  • Quản lí và chịu trách nhiệm với mọi hoạt động của bộ phận kế toán.
  • Lập, trình bày báo cáo tài chính.
  • Đưa ra dự báo rủi ro về nguồn tài chính và tìm phương giải quyết với các ban lãnh đạo của công ty.
  • Kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ; kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản; phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán.
  • Quản lí và đào tạo các nhân viên bộ phận kế toán.
  • Tổ chức công tác kế toán và bộ máy kế toán phù hợp với tổ chức kinh doanh của công ty, không ngừng cải tiến tổ chức bộ máy.
  • Lập đầy đủ và giữ đúng hạn các báo cáo kế toán và quyết toán của công ty theo chế độ hiện hành.

Những điều kiện, tiêu chuẩn của kế toán trưởng

1) Tiêu chuẩn của người làm kế toán trưởng

  • Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật.
  • Có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán.
  • Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng.
  • Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng.
  • Riêng với kế toán trưởng của đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc, kế toán trưởng ở Tổng công ty nhà nước hoặc kế toán trưởng ở công ty mẹ cần có thời gian công tác thực tế ở lĩnh vực kế toán ít nhất năm năm trở lên.
  • Không thuộc các trường hợp không được làm kế toán.

2) Điều kiện của kế toán trưởng

Kế toán trưởng của các đơn vị kế toán sau đây phải có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên:

  1. Cơ quan có nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước các cấp.
  2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan thuộc Quốc hội, cơ quan khác của nhà nước ở trung ương và các đơn vị kế toán trực thuộc các cơ quan này.
  3. Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
  4. Cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương; các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc các cơ quan này.
  5. Cơ quan trung ương tổ chức theo ngành dọc đặt tại tỉnh.
  6. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở cấp trung ương, cấp tỉnh có sử dụng ngân sách nhà nước.
  7. Ban quản lý dự án đầu tư có tổ chức bộ máy kế toán riêng, có sử dụng ngân sách nhà nước thuộc dự án nhóm A và dự án quan trọng quốc gia.
  8. Đơn vị dự toán cấp 1 thuộc ngân sách cấp huyện.
  9. Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam có vốn nhà, có vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng.
  10. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên.
  11. Chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Kế toán trưởng của các đơn vị kế toán sau đây phải có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên:

  1. Cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có tổ chức bộ máy kế toán (trừ các đơn vị dự toán cấp 1 thuộc ngân sách cấp huyện).
  2. Cơ quan trung ương tổ chức theo ngành dọc đặt tại cấp huyện, cơ quan của tỉnh đặt tại cấp huyện.
  3. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở cấp huyện có sử dụng ngân sách nhà nước.
  4. Ban quản lý dự án đầu tư có tổ chức bộ máy kế toán riêng, có sử dụng ngân sách nhà nước trừ thuộc dự án nhóm B, nhóm C.
  5. Đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn.
  6. Đơn vị sự nghiệp công lập ngoài các đơn vị yêu cầu trình độ đại học trở lên.
  7. Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam không có vốn nhà nước, có vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng.
  8. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng.

Trách nhiệm và quyền hạn của kế toán trưởng

kế toán trưởng

1. Kế toán trưởng có trách nhiệm sau đây:

  • Thực hiện các quy định của pháp luật về kế toán, tài chính trong đơn vị kế toán.
  • Tổ chức điều hành bộ máy kế toán theo quy định của Luật này.
  • Lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.

2. Kế toán trưởng có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán.

3. Kế toán trưởng của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, ngoài các quyền quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật kế toán 2015 còn có các quyền sau đây:

  • Có ý kiến bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán về việc tuyển dụng, thuyên chuyển, tăng lương, khen thưởng, kỷ luật người làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ.
  • Yêu cầu các bộ phận liên quan trong đơn vị kế toán cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu liên quan đến công việc kế toán và giám sát tài chính của kế toán trưởng.
  • Bảo lưu ý kiến chuyên môn bằng văn bản khi có ý kiến khác với ý kiến của người ra quyết định.
  • Báo cáo bằng văn bản cho người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán trong đơn vị; trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó.

Kỹ năng cần phải biết

1.Kỹ năng chuyên môn cao

Đây là những yêu cầu khá cao và cần có trong doanh nghiệp, ngân hàng, hay tổ chức tài chính nên trước tiên hãy rèn luyện bản thân có năng lực chuyên môn cao. Trải qua quá trình học tập và đi làm tích lũy thêm, bạn sẽ có những kiến thức, kinh nghiệm, khả năng lập báo cáo và trình bày báo cáo kế toán, khả năng thống kê, phân tích tài chính…

2. Có tính cẩn thận và trung thực

Kế toán là một nghành nghề phức tạp gắn liền với những con số phức tạp vì vậy đức tính cẩn thận, trung thực sẽ giúp bạn dễ dàng và hoàn thành tốt những công việc được giao.

3. Am hiểu pháp luật

Sẽ là một thiếu sót vô cùng to lớn nếu bạn không có kỹ năng này trên cương vị là một kế toán trưởng. Bởi vì rủi ro về tuân thủ pháp luật mà nó mang lại ảnh hưởng rất lớn đến công tác kế toán và sự thành công của doanh nghiệp. Chính vì vậy, bạn phải am hiểu sâu và vận dụng tốt các luật như: Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, các luật về thuế, đất đai, hóa đơn, lao động, bảo hiểm, chứng khoán.

4. Chịu được áp lực công việc cao

Kế toán trưởng là vị trí mà bạn sẽ phải tận dụng trí não liên tục đồng thời phải thực hiện công tác quản lý đặc biệt là vào dịp cuối tháng, cuối năm. Chính vì vậy bạn sẽ cần có một sức khỏe tốt và tỉnh táo để đương đầu với những thời điểm quan trọng như này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *