Thuế gián thu trong điều kiện hội nhập
Trong bối cảnh tự do hoá thương mại toàn cầu ngày càng sâu rộng như hiện nay thì việc xây dựng một chính sách thuế gián thu cạnh tranh luôn là một trong những vấn đề trọng tâm trong chính sách thuế.
Trong 2 ngày 19, 20/4 tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn thuế Châu Á lần thứ 4 do Bộ Tài chính Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu khoa học về thuế, chuyên gia chính sách thuế, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Chủ đề chính được các đại biểu tập trung thảo luận về các đối tượng quan trọng nhất của thuế gián thu là rượu bia, thuốc lá, xăng dầu và hàng hoá xa xỉ trên cả 3 phương diện chính sách, quản lý và chi phí thuế trong điều kiện tự do hoá thương mại toàn cầu. Trên cơ sở đó, mỗi quốc gia có thể đưa ra một chính sách thuế cạnh tranh vừa nhằm tăng nguồn thu cho Nhà nước mà vẫn không quá cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Chúng tôi tổng hợp một số ý kiến của các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp về vấn đề này.
Các nhà nghiên cứu khoa học và chuyên gia chính sách thuế đều cho rằng, trong bối cảnh tự do hoá thương mại toàn cầu ngày càng sâu rộng như hiện nay thì việc xây dựng một chính sách thuế gián thu cạnh tranh luôn là một trong những vấn đề trọng tâm trong chính sách thuế. Thu ngân sách từ thuế gián thu bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu luôn chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách Nhà nước. Trong đó, tỷ trọng số thu thuế từ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng có xu hướng tăng nhanh hơn so với thu từ thuế xuất nhập khẩu, do các nước phải thực hiện cam kết cắt giảm thuế xuất nhập khẩu theo lộ trình hội nhập.
Theo ông John Norregaard – Chuyên gia kinh tế cao cấp, Vụ chính sách thuế – Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Wasington – Mỹ, việc giảm thu từ thuế nhập khẩu có thể được bù trừ một phần bởi số tăng thu từ thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hoá nhập khẩu và các nguồn thu nội địa khác. Mức độ bù trừ này phục thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế và chính sách thuế của mỗi quốc gia. Về một số điểm cần lưu ý khi xây dựng chính sách thuế gián thu của Việt Nam, ông John Norregaard, cho biết: “Khi đã tham gia vào WTO thì các bạn cần có những cải cách về hệ thống thuế nội địa. Trong đó chú trọng vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thuế nhằm tạo ra một cải cách tổng thể hệ thống thuế. Ví dụ như mối quan hệ giữa việc giảm thuế nhập khẩu với các thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt …, và một số quốc gia cũng đã quyết định điều chỉnh tăng các mức thuế thu nhập cá nhân để bù đắp lại thâm hụt do giảm thuế nhập khẩu. Theo kết quả nghiên cứu của tôi, nếu một quốc gia nghèo cải cách tổng thể thuế gián thu thì bình quân họ sẽ bù được ít nhất 30% thâm hụt do cắt giảm thuế nhập khẩu, còn đối với những nước phát triển thì con số này có thể lên tới 100%”.
Trước áp lực hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã cam kết ràng buộc toàn bộ Biểu thuế nhập khẩu gồm 10.689 dòng thuế, mức giảm bình quân từ 17,4% xuống còn 13,4% với lộ trình thực hiện sau 5 đến 7 năm. Đến thời điểm đầu tháng 1 vừa rồi, Việt nam đã thực hiện cắt giảm 1.800 đồng thuế, đạt khoảng 17% kế hoạch. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu – một trong những loại hình thuế gián thu quan trọng, đang đặt ra những thách thức mới cho việc xây dựng chính sách thuế gián thu, đó là làm sao tiếp tục bảo hộ sản xuất trong nước, tối đa hoá nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, không quá ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Ông Roberto De Ocampo, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Philippines, chia sẻ kinh nghiệm: “Trước các điều kiện mới của WTO, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu một biểu thuế giá trị gia tăng – VAT mới cho phù hợp với các cam kết của tổ chức này. Một trong những điểm quan trọng nhất trong thuế VAT này là tăng từ 10% lên mức 12%. Tôi cho rằng nhiều quốc gia đang phát triển đang rất quan tâm tới việc xây dựng một chính sách thuế gián thu cạnh tranh. Kết quả điều chỉnh tăng thuế này là tích cực, vừa đảm bảo tăng nguồn thu ngân sách nhưng vẫn duy trì được mức tiêu dùng của người dân và sự phát triển của doanh nghiệp”.
Để góp phần giảm thiểu tác động của việc cắt giảm thuế nhập khẩu tới nguồn thu ngân sách, hệ thống thuế của nước ta sẽ tiếp tục sửa đổi, điều chỉnh. Trong đó, thuế giá trị gia tăng sửa đổi theo hướng thu hẹp dần đối tượng chịu thuế trên cơ sở đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, điều kiện kinh tế và thực trạng công tác quản lý; Thống nhất một mức thuế để đảm bảo đơn gian trong quản lý. Còn đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, việc sửa đổi cần tập trung vào mở rộng phạm vi áp dụng; áp dụng mức thuế suất hợp lý và phù hợp với lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng, đồng thời nghiên cứu việc áp dụng thuế tuyệt đối để đảm bảo tính đơn giản và hữu hiệu trong việc chống gian lận thương mai và trốn thuế. Ông Phan Trần Minh Quang – Giám đốc thuế, Công ty hoạt động thăm dò Dầu khí BP, có ý kiến: “Đó là định hướng tốt trong xu hướng chung khi điều chỉnh lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt đánh lên xăng dầu. Việt nam đã gia nhập WTO, việc cắt giảm thuế nhập khẩu là chuyện tất yếu.
Để có thể cân bằng được nguồn thu cho ngân sách chính phủ sẽ có những động thái cần thiết để điều chỉnh lại những mức thuế tiêu thụ đặc biệt. Các doanh nghiệp cũng cần phải có cái nhìn tổng thể chi tiết hơn về định hướng sắp tới trong việc mở rộng thị trường xăng dầu cho các nhà đầu tư nước ngoài như thế nào”./.
Theo VOV