Thu thuế nội địa 6 tháng đầu năm 2008 – Tăng nhưng chưa vững

4 / 100

Vậy là một nửa chặng đường của năm 2008 đã khép lại với nhiều biến động như: Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao; nhập siêu lớn; kinh tế tăng trưởng chậm lại, giá cả nhiều vật tư, hàng hoá nhập khẩu và sản xuất trong nước tăng mạnh; lãi suất huy động và cho vay ở mức cao làm giảm hiệu quả kinh doanh của nhiều DN; thị trường chứng khoán và bất động sản ảm đạm… đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến thu ngân sách ở nhiều địa phương. Song nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, của các ngành, các cấp, các DN và sự phấn đấu của ngành thuế cả nước, công tác thu ngân sách 6 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tính đến 31/6, tổng thu nội địa đạt 149.510 tỷ đồng, bằng 58,7% dự toán pháp lệnh; 56,3% dự toán phấn đấu và tăng 37,8% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ dầu thô đạt 42.210 tỷ đồng, bằng 64,3% dự toán và tăng 35,1% so với cùng kỳ; thu nội địa trừ dầu đạt 107.300 tỷ đồng, bằng 56,7% dự toán pháp lệnh, 53,7% dự toán phấn đấu và tăng 38,9% so với cùng kỳ. Nếu trừ cả dầu và đất, thuế nội địa đạt 93.940 tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán pháp lệnh, 52,2% dự toán phấn đấu và tăng 34,7% so với cùng kỳ.

Trong số 15 khoản thu, sắc thuế, có 11 khoản đạt trên 50% dự toán pháp lệnh; 10/15 khoản thu, sắc thuế đạt trên 50% dự toán phấn đấu; 11/15 khoản thu, sắc thuế tăng trưởng so với cùng kỳ.Trong đó, số thu từ khu vực DN, sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ trọng cao (chiếm 72,8% dự toán thu nội địa trừ dầu), 6 tháng đầu năm thu ước đạt 50,8% dự toán phấn đấu. Đối với các địa phương, tuy có gặp khó khăn, song hầu hết đều hoàn thành nhiệm vụ thu, có 54/64 cục thuế thu đạt 50% dự toán pháp lệnh; 37/64 cục thuế thu đạt 50% dự toán phấn đấu; và 46/64 cục thuế tăng thu trên 30% so cùng kỳ. Một số cục thuế thu đạt khá như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, TP.HCM, An Giang, Bình Dương…

Những con số biết nói trên cho thấy, mặc dù 6 tháng đầu năm có nhiều biến động, song hầu hết các khoản thu, sắc thuế đều đã hoàn thành và vượt mức đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã xuất hiện những yếu tố không thuận cho những tháng còn lại như: Diễn biến thu nội địa đang có chiều hướng giảm dần, số thu bình quân 4 tháng đầu năm là 21.303 tỷ đồng thì tháng 5 chỉ còn 16.464 tỷ đồng và tháng 6 là 16.903 tỷ đồng, bằng 76% số thu bình quân 4 tháng đầu năm, trong đó khoản thu từ các cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ bằng 74% bình quân 4 tháng đầu năm. Nhiều khoản thu, sắc thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất, tiền sử dụng đất… đều có chiều hướng giảm.

Nếu loại trừ khoản thu tiền sử dụng đất thì chỉ có 37 cục thuế thu đạt trên 50% dự toán pháp lệnh, 27 cục thuế thu dưới mức nói trên, trong đó đáng lưu ý có 9 cục thuế thu đạt thấp là Bến Tre, Hà Nam, Bà Rịa Vũng Tàu, Trà Vinh, Quảng Trị, Cao Bằng, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Hậu Giang đạt dưới 47%. Bên cạnh đó, tỷ lệ nộp tờ khai thuế giá trị gia tăngở một số cục thuế đạt thấp. Nguyên do là việc kiểm tra, đôn đốc một số nơi chưa thường xuyên, quyết liệt. Ngoài ra, số nợ thuế chờ xử lý (chiếm 20,5% tổng số nợ thuế) tăng 62% và số nợ thuế thông thường (chiếm 66,5% tổng số nợ thuế) tăng 29% so với thời điểm 31/12/2007.

Công tác thanh tra, kiểm tra tuy đã được tăng cường, nhưng mới chủ yếu tập trung vào các DN nhỏ và vừa, hộ cá thể; chưa thanh tra các tập đoàn, tổng công ty, các DN lớn. Việc đôn đốc, xử lý các khoản truy thu sau thanh tra, kiểm tra còn chậm, trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 13,2% tổng số ghi thu theo các biên bản thanh tra, kiểm tra.

Trước nhiều yếu tố tác động không thuận đến thu ngân sách nhà nước, để hoàn thành nhiệm vụ công tác thuế 2008, Tổng cục Thuế yêu cầu: Các cục thuế cần phân tích, đánh giá, làm rõ các nguyên nhân có nguy cơ tác động đến kết quả thu ngân sách như quản lý kê khai thuế, đôn đốc thu và cưỡng chế nợ thuế, các vi phạm về thuế; Phân tích, đánh giá tình trạng nợ đọng thuế, nhất là các địa phương có nợ đọng tăng, để từ đó đôn đốc thu ngay vào ngân sách nhà nước các khoản nợ có khả năng thu, kiên quyết xử phạt chậm nộp theo quy định của pháp luật.

Đối với thanh tra, kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế yêu cầu các địa phương cần tập trung chủ yếu vào các DN có quy mô kinh doanh lớn, các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty có rủi ro thuế cao, đặc biệt là các trường hợp tăng giá đột biến và đứng ở mức cao, có biểu hiện đầu cơ trục lợi. Đặc biệt, cần lưu ý hiện nay mức phạt nộp chậm thấp hơn lãi vay ở các ngân hàng thương mại, các DN có thể lợi dụng kẽ hở này chiếm dụng các khoản phải nộp ngân sách nhà nước để làm vốn kinh doanh. Phối hợp với cơ quan pháp luật đề phòng các hành vi tội phạm trong lĩnh vực thuế, đặc biệt là loại tội phạm buôn bán, tàng trữ và sử dụng hoá đơn bất hợp pháp để trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước, truy thu kịp thời các khoản thu bị thất thoát cho ngân sách nhà nước./.

Theo Minh Đức (Báo Kinh tế VN Online)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *