Thuế TNCN đối với hộ kinh doanh: Doanh thu cao nhưng nghĩa vụ thuế giảm

Thuế TNCN đối với hộ kinh doanh: Doanh thu cao nhưng nghĩa vụ thuế giảm
TCKT cập nhật: 25/03/2009
124748_ho_kinh_doanh.jpgThuế
giá trị gia tăng (GTGT) là loại thuế gián thu, có diện điều chỉnh rộng
đối với tất cả các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh
khi bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ có phát sinh doanh thu. Theo đó,
các hộ kinh doanh đã thực hiện mở sổ sách kế toán (theo chế độ kế toán
đơn giản), sử dụng hóa đơn bán hàng, thực hiện nộp thuế theo kết quả
kinh doanh kê khai. Đối với các hộ kinh doanh chưa thực hiện chế độ kế
toán, hóa đơn chứng từ, áp dụng tính thuế GTGT và thuế thu nhập doanh
nghiệp (TNDN) ấn định trên doanh thu, còn gọi là thuế khoán và mức
khoán thường ổn định trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm.

Tuy nhiên, với thời gian, chính sách điều tiết thuế TNDN đối với hộ kinh doanh đã không còn phù hợp, phát sinh những nhược điểm không thể phủ nhận. Đầu tiên là các cá nhân có cùng một mức thu nhập, nhưng nếu là cá nhân kinh doanh thì thu nhập sau khi trừ chi phí liên quan đến kinh doanh phải nộp thuế TNDN với thuế suất toàn phần 28%; còn đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương áp dụng biểu thuế luỹ tiến từng phần với thuế suất thấp nhất 10%, thuế suất cao nhất 40%.

Bên cạnh đó, thu nhập của cá nhân kinh doanh phải nộp thuế ngay từ đồng đầu tiên, trong khi thu nhập từ tiền lương, tiền công chỉ chịu thuế đối với phần thu nhập vượt trên mức khởi điểm (5 triệu đồng đối với người Việt Nam hoặc 8 triệu đồng đối với người nước ngoài). Qui định này dẫn đến hệ quả là, với cùng mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng, cá nhân có thu nhập từ kinh doanh phải nộp thuế 28% trên thu nhập, tương đương 2,8 triệu đồng, cá nhân có thu nhập từ tiền lương nộp 0,5 triệu đồng tức là 5% trên thu nhập. Ngược lại, cá nhân có mức thu nhập đến 100 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương nộp thuế 31,5% trên thu nhập, người có thu nhập từ kinh doanh chỉ nộp 28% trên thu nhập. Do đó, nếu so sánh tương quan giữa các cá nhân kinh doanh thì thấy rõ mâu thuẫn phát sinh đó là, chính sách thuế đang điều tiết cao đối với người có thu nhập thấp, điều tiết thấp đối với người có thu nhập cao. Ngoài ra, với các hộ gia đình là thể nhân kinh doanh có qui mô nhỏ, không phải là doanh nghiệp (pháp nhân kinh doanh) nên việc động viên thu nhập như doanh nghiệp là không phù hợp. Chính bởi những bất cập này mà việc đưa cá nhân kinh doanh vào diện nộp thuế TNCN áp dụng thống nhất biểu thuế luỹ tiến từng phần, được giảm trừ gia cảnh, được trừ các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo như cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công, là hợp lý.

Kinh nghiệm của các nước khi xây dựng chính sách động viên về thuế đã cảnh báo rằng, “thuế suất cao là giấy mời cho sự trốn và lậu thuế”. Thật vậy, hộ kinh doanh ở Việt Nam là những hộ nhỏ, doanh thu thấp, nếu phải chịu thuế suất 28% như doanh nghiệp có doanh thu hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng là bất hợp lý, không công bằng và hậu quả là nhiều hộ kinh doanh đã đối phó với mức thuế suất cao bằng cách khai thấp doanh thu để đảm bảo vừa nộp được thuế, vừa có lãi. Thực tế ở Việt Nam cũng đã chứng minh, nếu mức điều tiết thuế hợp lý, thì các hộ kinh doanh sẽ tự giác kê khai và tăng cường tính tuân thủ hơn. Chẳng hạn, việc sửa đổi Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao năm 2004 với sự điều chỉnh nâng khởi điểm chịu thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao mức từ trên 3 triệu đồng/tháng lên trên 5 triệu đồng/tháng. Kết quả là số thu không giảm mà còn tăng (năm 2004 số thu thuế: 3.700 tỷ;  năm 2005: 4.400 tỷ đồng; năm 2008 trên 10.000 tỷ đồng). Tương tự, việc chuyển đổi hình thức thu từ thuế TNDN sang thuế thu nhập cá nhân (TNCN), nguồn thu sẽ chuyển biến theo hướng tổng số thu không đổi mà thay đổi cơ cấu nguồn thu, tức là sẽ tăng nguồn thu từ thuế GTGT và giảm nguồn thu từ thuế TNCN.

Ví dụ: Hộ kinh doanh đang thực hiện mức thuế khoán phải nộp số thuế hàng tháng trong năm 2008 là 1,44 triệu đồng (thuế GTGT là 0,6 triệu đồng; thuế TNDN là 0,84 triệu đồng), tương ứng với mức doanh thu khoán hàng tháng là 10 triệu đồng. Nay chuyển sang nộp thuế TNCN, hộ kinh doanh được trừ gia cảnh, áp dụng thuế luỹ tiến từng phần, nên động viên hộ khai đúng doanh thu hơn. Giả sử nâng doanh thu lên gấp đôi là 20 triệu đồng thì kết quả tính thuế như sau:

– Thuế GTGT là 20 triệu x 60% (tỷ lệ GTGT theo mức khoán) x 10% (thuế suất)  = 1,20 triệu đồng

– Thuế TNCN: Thu nhập chịu thuế là 20 triệu x 30% (tỷ lệ TNCT ấn định) = 6 triệu đồng. Giả sử hộ gia đình này có nuôi 1 người phụ thuộc thì được giảm trừ gia cảnh là 5,6 triệu đồng (4 triệu + 1,6 triệu), do đó số thuế TNCN phải nộp là (6 triệu – 5,6 triệu) x 5% =  0,02 triệu đồng.

Như vậy, tổng số thuế phải nộp của hộ này là 1,22 triệu đồng = 1,2 triệu đồng thuế GTGT + 0,02 triệu đồng thuế TNCN. Trường hợp hộ kinh doanh phải nuôi 2 người phụ thuộc thì được giảm trừ 7,2 triệu, trong khi đó thu nhập chịu thuế chỉ có 6 triệu nên chủ hộ kinh doanh này không phải nộp thuế TNCN.

Với ví dụ trên, tổng số thuế phải nộp tính theo chính sách thuế TNCN đối với hộ kinh doanh còn thấp hơn so với tính theo thuế TNDN. Theo đó, số thuế GTGT sẽ chuyển từ nộp 0,6 triệu lên nộp 1,2 triệu đồng, còn thuế TNDN nộp từ 0,84 triệu, xuống nộp thuế TNCN là 0,02 triệu đồng; nếu nuôi 2 người phụ thuộc thì không phải nộp thuế TNCN. Với việc chuyển đổi hình thức thu, nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh không thay đổi, đồng nghĩa với việc thay đổi chính sách thuế TNCN có thể không tăng nguồn thu ngân sách, nhưng đạt được ý nghĩa to lớn về nhiều mặt, vừa khuyến khích hộ cá thể tự giác kê khai doanh thu sát với thực tế kinh doanh, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan chức năng. Đó cũng là những tiêu chí xác đáng về tình hình hoạt động của lĩnh vực kinh tế ngoài quốc doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ trong việc quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô đạt hiệu quả./.

Theo Tạp Chí Thuế