Hãng kiểm toán hàng đầu thế giới PricewaterhouseCoopers (PwC) vừa đưa
ra dự báo cho rằng cùng với sự tăng trưởng dần dần về khả năng kinh tế
của các quốc gia mới nổi, nhóm “7 nền kinh tế mới nổi” (E7) gồm
Bra-xin, Ấn Độ, Nga, Mê-hi-cô, In-đô-nê-xi-a, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc
sẽ thay thế nhóm các nước công nghiệp phát triển của phương Tây G7 để
trở thành đầu tàu dẫn dắt kinh tế thế giới phát triển.
Báo
cáo của PwC được đưa hồi giữa tuần trước cho biết quy mô kinh tế của
nhóm E7 sẽ đuổi kịp nhóm G7 với đại diện là Mỹ, Anh, Nhật Bản, Pháp,
Đức, Ca-na-đa và I-ta-li-a vào năm 2019. Và đến năm 2030, toàn bộ quy
mô kinh tế của nhóm E7 sẽ vượt hơn 30% thực lực kinh tế của cả nhóm G7.
“Thực lực kinh tế của nhóm E7 nhanh nhất vào năm 2020 sẽ vượt nhóm G7”,
nhà phân tích Giôn Hoóc-xơ-uốt của PwC nói.
Theo
hãng tin tài chính Bloomberg, bản báo cáo này là dấu hiệu mới nhất cho
thấy vai trò của các quốc gia có nền kinh tế mới nổi đối với tăng
trưởng kinh tế của thế giới. Nói một cách chính xác, theo chuyên gia
của hãng tin này, thì việc các nền kinh tế mới nổi sẽ dẫn trước về tăng
trưởng là điều có thể nhìn thấy được từ bây giờ. Từ khi khủng hoảng tài
chính toàn cầu bùng phát vào năm 2008 đến nay, vai trò của các nước mới
nổi với đại diện là nhóm BRIC đã ngày càng lớn mạnh hơn trong phương
diện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới. Cũng theo báo cáo của PwC,
trong năm 2000, toàn bộ quy mô kinh tế của nhóm G7 gấp 2 lần quy mô
kinh tế của nhóm E7.
Tuy
nhiên, đến năm 2009, quy mô kinh tế của nhóm G7 dẫn trước E7 đã thu hẹp
xuống còn 35%. “Vấn đề hiện nay không phải là liệu nhóm 7 nước mới nổi
có vượt qua được nhóm G7 hay không, mà là khi nào 7 nước mới nổi sẽ
vượt qua được nhóm G7”, ông Giôn nhấn mạnh. Ông Giôn cũng đưa ra dự
đoán, đến năm 2030, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất toàn
cầu, Mỹ sẽ theo sau, vị trí tiếp theo là Ấn Độ, Bra-xin, Nga, Đức,
Mê-hi-cô, Pháp và Anh.
Theo Quân Đội Nhân Dân
|