Chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục biến động sát xu hướng thế giới?
Chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục biến động sát xu hướng thế giới? |
TCKT cập nhật: 22/09/2008 | |
Tăng trong phiên đầu tuần và cuối tuần nhưng lại giảm mạnh trong 3 phiên giữa tuần, cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM tuần qua lại phải ghi nhận tuần giảm giá thứ 2 liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index đứng ở mức 439,06 điểm, giảm 36,94 điểm so với tuần trước đó. Như vậy, cổ phiếu Việt Nam đã giảm bình quân 7,76% trong tuần qua. Còn nếu kể từ đầu tháng 9 đến nay thì chỉ số VN-Index đã mất đúng 100 điểm. Tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trong tuần đạt hơn 95 triệu đơn vị, tức bình quân 19 triệu đơn vị/ngày. Tổng giá trị giao dịch đạt 3.320 tỷ đồng, tức bình quân 664 tỷ đồng/ngày. Mức giao dịch này đã giảm so với tuần trước khi khối lượng giao dịch đạt 123,4 triệu đơn vị và giá trị giao dịch đạt 4.330 tỷ đồng. STB tiếp tục dẫn đầu thị trường về khối lượng giao dịch với 13,1 triệu cổ phiếu, tiếp đến là SSI và DPM đều với 4,4 triệu cổ phiếu, HPG với 3,6 triệu cổ phiếu, và SAM với 3,3 triệu cổ phiếu. Trong tổng số 160 mã cổ phiếu, kể cả 2 mà vừa niêm yết trong tuần, thì có đến 144 mã giảm giá, trong khi 16 mã tăng giá. Tất cả 4 mã chứng chỉ quỹ đều giảm giá. MCV là cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường với mức giảm 16,1%, tiếp đến là SZL giảm 15,9%, và SC5 giảm 14,4%. HT1, L10, PJT, SHC, VID là các cổ phiếu có cùng mức giảm 14,3%. Ngoài ra còn có 15 cổ phiếu khác giảm trong khoảng 14-14,2%. Cổ phiếu mới chào sàn trong tuần là Dược Cửu Long (DCL) cũng bị giảm từ mức 62.000đ xuống 59.000đ. Cũng vừa chào sàn nhưng cổ phiếu VSG của CTCP Container lại tăng, từ mức 20.000đ lên 21.000đ. SFC là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong tuần với mức tăng 20,3%. Các cổ phiếu tăng giá khác chỉ tăng nhẹ. Có thể thấy rõ, thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua gần như biến động theo xu hướng của thị trường thế giới. Liệu chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục biến động sát xu hướng thế giới? Ít nhiều cũng sẽ chịu ảnh hưởng, có thể là như vậy. Nhìn chung thị trường thế giới đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn, với vô vàn bất trắc ở phía trước, cho dù tạm thời đang khởi sắc nhờ những biện pháp “cấp cứu” khẩn trương. Về lâu về dài, thị trường thế giới sẽ còn phải căng mình chống đỡ với cơn khủng hoảng mới chỉ bắt đầu này, chưa kể tới vô vàn những hệ quả sau đó. Thị trường chứng khoán Việt Nam liệu có vượt lên được hoàn cảnh chung của thế giới trong thời gian tới hay tiếp tục bị ảnh hưởng vẫn là điều chưa thể trả lời ngay lúc này. Giai đoạn khó klhăn nhất của thị trường dường như đã qua khi các yếu tố về vĩ mô đang dần được cải thiện, song kỳ vọng về một sự thăng hoa với chứng khoán Việt Nam lúc này sẽ là quá lạc quan. Còn nhớ, cũng tầm này năm ngoái, khi dấu hiệu khủng hoảng tài chính lần đầu xuất hiện ở Mỹ, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ phản ứng theo vài phiên, rồi sau đó đi ngược lại thị trường một thời gian. Nhưng hơn nửa năm tiếp theo đó thì VN-Index đã liên tiếp phá hết đáy này tới đáy kia và tuột xuống tới đáy 366,02 điểm vào ngày 20/6, sau vô vàn những phiên giảm toàn sàn với tính thanh khoản cực thấp. Rõ ràng, nhân tố nội tại là chính yếu song tác động từ bên ngoài cũng không kém phần quan trọng…. Trung Nghĩa (ATPVietnam) |