Nội dung cơ bản của Dự thảo Luật thuế Thu nhập cá nhân

Nội dung cơ bản của Dự thảo Luật thuế Thu nhập cá nhân
TCKT cập nhật: 11/09/2006

Nguồn: Tổng cục Thuế

I. Sự cần thiết ban hành Luật:

Nghị quyết Đại hội Đảng IX và X đã xác định “Áp dụng thuế
thu nhập cá nhân thống nhất và thuận lợi cho mọi đối tượng chịu thuế, bảo đảm
công bằng xã hội và tạo động lực phát triển” và “Hoàn thiện hệ thống pháp luật
về thuế theo nguyên tắc công bằng, thống nhất và đồng bộ… Điều chỉnh chính
sách thuế theo hướng giảm và ổn định thuế suất, mở rộng đối tượng thu, điều tiết
hợp lý thu nhập”.
Cụ thể hóa nghị quyết của Đại hội Đảng, Bộ Chính trị đã
thông qua Chiến lược cải cách thuế đến năm 2010 trong đó đặt ra yêu cầu: “Cần
sớm xác định các bước đi thích hợp để tăng tỷ trọng các nguồn thu trong nước cho
phù hợp với tiến trình hội nhập. Mở rộng diện thuế trực thu và tăng tỷ lệ thu từ
thuế trực thu”. Thực hiện các Nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Quyết định
số 201/QĐ-TTg triển khai thực hiện Chiến lược cải cách thuế, trong đó thuế thu
nhập cá nhân được xác định ban hành vào năm 2007.

Hiện hành, việc động viên thuế đối với thu nhập của các cá nhân
được thực hiện thông qua 3 sắc thuế: Thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với
cá nhân kinh doanh; Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao áp dụng cho
người có thu nhập từ tiền lương, tiền công; Thuế chuyển quyền sử dụng đất áp
dụng đối với người có thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất. Việc áp dụng chính
sách thuế như trên trong thời gian qua là phù hợp, đã phát huy tác dụng trong
quản lý và thu ngân sách Nhà nước. Nhưng đến nay đã bộc lộ một số bất hợp lý:

– Chưa bình đẳng, công bằng về nghĩa vụ thuế: cùng là thu nhập
của cá nhân, nhưng thu nhập từ kinh doanh không được trừ khởi điểm mà nộp thuế
theo mức 28%; thu nhập từ tiền công, tiền lương trên mức khởi điểm 5 triệu đồng
mỗi tháng mới nộp thuế và áp dụng thuế suất lũy tiến từng phần từ 10% đến 40%;

– Áp dụng khởi điểm chịu thuế, biểu thuế khác nhau giữa người
Việt Nam và người nước ngoài.

– Chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hiện nay, hơn 180 nước đã áp dụng thuế thu nhập cá nhân. Theo xu
hướng phát triển của thế giới thì thuế thu nhập chiếm tỷ trọng ngày càng cao
trong tổng số thu ngân sách, đặc biệt là các nước phát triển như: Mỹ, Nhật, Anh,
Pháp, Đức có tỷ trọng thuế thu nhập chiếm khoảng 30-40% tổng thu ngân sách. Một
số nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Philippines, thuế thu nhập cá
nhân chiếm khoảng 13-14% tổng thu ngân sách Nhà nước, trong khi đó ở Việt Nam,
số thu từ thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng
thu ngân sách. Nếu tính cả số thu từ cá nhân, hộ kinh doanh và cá nhân chuyển
quyền sử dụng đất thì tổng số thu thuế thu nhập từ các đối tượng này cũng chỉ
chiếm khoảng 4% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Trong những năm tới, trước yêu cầu phát triển mạnh mẽ của các
thị trường và các thành phần kinh tế, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng
sâu, thu nhập của cá nhân sẽ ngày càng đa dạng, việc ban hành Luật thuế thu nhập
cá nhân trên cơ sở thống nhất 3 sắc thuế nêu trên sẽ góp phần tăng cường công
tác kiểm soát, phân phối thu nhập và điều tiết vĩ mô nền kinh tế – xã hội, nhằm
hoàn thiện hệ thống chính sách thuế để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã
hội và hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới, góp phần đảm bảo tính ổn
định và nguồn lực cho ngân sách Nhà nước.

II. Quan điểm, mục tiêu xây dựng Luật thuế thu nhập cá
nhân

– Thứ nhất, đảm bảo động viên một cách hợp lý thu nhập dân cư để
khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập
làm giàu chính đáng.

Thuế thu nhập cá nhân động viên phù hợp với khả năng thu nhập
của mỗi người: Không thu thuế đối với những người có thu nhập thấp; chỉ điều
tiết một phần thu nhập của cá nhân có thu nhập trên mức trung bình của xã hội,
phần thu nhập còn lại đảm bảo nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính
đáng, tăng tích lũy, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh để giải phóng mọi
nguồn lực của đất nước.

– Thứ hai, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của các
tầng lớp dân cư, tạo điều kiện cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ
đối với đất nước, góp phần hạn chế khoảng cách về thu nhập giữa các tầng lớp dân
cư trong xã hội.

Quan điểm này thể hiện Thuế thu nhập cá nhân phải đảm bảo công
bằng, về nghĩa vụ thuế giữa các cá nhân có thu nhập; người có thu nhập cao hơn
thì nộp thuế nhiều hơn; người có thu nhập như nhau nhưng có hoàn cảnh khác nhau
thì nộp thuế khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân thực hiện tốt
nghĩa vụ thuế.

– Thứ ba, việc ban hành và áp dụng thuế thu nhập cá nhân có tính
đến những bước đi phù hợp với tình hình nước ta và thông lệ quốc tế; kế thừa có
chọn lọc những quy định trong chính sách thuế hiện hành.

Để phù hợp với quá trình phát triển kinh tế xã hội và hội nhập
kinh tế quốc tế trong những năm tới, việc xây dựng, ban hành và áp dụng thuế thu
nhập cá nhân cần phải có lộ trình, bước đi thích hợp phù hợp với thực tiễn của
Việt Nam, thông lệ quốc tế và kế thừa có chọn lọc những quy định trong chính
sách thuế hiện hành.

– Thứ tư, đảm bảo huy động nguồn lực để Nhà nước giải quyết tốt
hơn các vấn đề xã hội.

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, sử dụng tiết kiệm,
hiệu quả ngân sách, nâng cao vai trò, hiệu lực quản lý của Nhà nước, tăng cường
chống thất thu thuế, việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân góp phần huy động thêm
nguồn lực, đảm bảo ổn định, tăng trưởng nguồn thu ngân sách để giải quyết tốt
hơn các mục tiêu kinh tế – xã hội của đất nước.

1. Về đối tượng nộp thuế:

Dự luật quy định đối tượng nộp thuế là cá nhân người Việt Nam,
người nước ngoài có thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công, tiền thù lao,
thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn và các khoản thu nhập bao gồm cả cá
nhân tự kinh doanh và chủ hộ gia đình hoặc người đại diện hộ gia đình sản xuất,
kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề.

Như vậy, điểm quy định mới về đối tượng nộp thuế là đưa cá nhân
kinh doanh và chủ hộ gia đình sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành
nghề hiện đang điều chỉnh tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp vào đối tượng điều
chỉnh của Luật thuế thu nhập cá nhân, vì:

– Thứ nhất, các đối tượng này không phải là doanh nghiệp nên
việc tiếp tục áp dụng Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không hợp lý, không phù
hợp với thông lệ quốc tế.

– Thứ hai, đảm bảo động viên bình đẳng về thuế thu nhập của cá
nhân không phân biệt thu nhập từ kinh doanh hoặc thu nhập từ tiền lương, tiền
công: áp dụng chung biểu thuế và cùng được giảm trừ gia cảnh.

– Thứ ba, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế là: Thuế thu nhập
doanh nghiệp điều tiết vào thu nhập của doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân điều
tiết vào các thu nhập của cá nhân, không phân biệt nguồn tạo ra thu nhập là từ
kinh doanh hay làm công ăn lương.

2. Về thu nhập thuộc diện chịu thuế:

Về cơ bản Dự luật quy định thu nhập chịu thuế trên cơ sở kế thừa
có chọn lọc những quy định hiện hành và được phân thành 6 loại gồm:

– Thu nhập chịu thuế từ kinh doanh.

– Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công, tiền thù lao, bao
gồm cả các khoản thu nhập từ giảng dạy, tư vấn, nghiên cứu khoa học, tiền nhuận
bút…
(Đối với hai khoản thu nhập trên được trừ các khoản đóng góp
BHXH, BHYT và giảm trừ gia cảnh trước khi tính thuế).

– Thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn gồm: lãi cho vay, lãi tiền
gửi tiết kiệm, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, lãi trái phiếu, tín phiếu, lợi
tức cổ phần, lợi tức từ các hình thức góp vốn kinh doanh.  

– Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn.  

– Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản.

– Thu nhập chịu thuế khác: phần thu nhập vượt trên 10 triệu
đồng/lần phát sinh từ trúng thưởng xổ số, trúng thưởng trong các hình thức
khuyến mại, trò chơi có thưởng, thu nhập từ tiền bản quyền, từ thừa kế, quà
tặng.

Điểm mới của Dự luật về thu nhập chịu thuế
là:

– Đưa thu nhập từ lợi tức cổ phần, lợi tức từ các hình thức góp
vốn kinh doanh, thu nhập từ chuyển nhượng vốn (bao gồm cả mua bán chứng khoán)
hiện tạm thời chưa thu vào diện chịu thuế. Vì những năm qua, số lượng các doanh
nghiệp cổ phần chưa nhiều, thị trường vốn chưa phát triển nên để khuyến khích
người dân đầu tư, chính sách thuế hiện hành chưa thu đối với khoản thu nhập này.
Thời gian tới cùng với sự phát triển nhanh chóng của các thị trường và trong
điều kiện hội nhập kinh tế – quốc tế, số lượng người đầu tư vào các thị trường
bao gồm cả cá nhân trong nước và nước ngoài tăng, đồng thời số lượng người nắm
giữ cổ phần của các doanh nghiệp cũng tăng lên. Vì vậy việc đưa vào thu thuế để
kiểm soát thu nhập của cá nhân đối với loại thu nhập này là cần thiết và thông
qua đó động viên một phần cho ngân sách Nhà nước và đảm bảo quyền đánh thuế của
nước ta đối với các cá nhân nước ngoài có thu nhập này phát sinh tại Việt
Nam.

– Đưa thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm hiện tạm thời chưa thu
vào diện chịu thuế. Tuy nhiên, những người có tiền gửi tiết kiệm thường là người
không có cơ hội kinh doanh, đầu tư; Do vậy, dự Luật dự kiến chỉ điều tiết thu
nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm có mức lãi từ trên 4-5 triệu đồng/tháng, tương
đương với mức giảm trừ cho người nộp thuế. Với dự kiến này thì số tiết kiệm có
tiền gửi khoảng 700-800 triệu đồng trở lên mới phải nộp thuế.

– Dự Luật dự kiến thu thuế đối với thu nhập từ thừa kế và quà
tặng. Chính sách thuế hiện hành chưa thu đối với các khoản thu nhập này. Nhưng
qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước cho thấy để vừa kiểm soát được sự chuyển
dịch tài sản, vừa đảm bảo công bằng xã hội, khuyến khích mọi người lao động tự
tạo ra thu nhập, không trông chờ, ỷ lại vào người khác, hầu hết các nước đều
đánh thuế và thậm chí còn đánh thuế rất cao đối với loại thu nhập này. Từ kinh
nghiệm trên, việc đưa thu nhập từ thừa kế, quà tặng vào thu nhập chịu thuế để
kiểm soát là cần thiết. Nhưng, để phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta trong
những năm tới đây, dự kiến chỉ đưa vào thu nhập chịu thuế đối với tài sản thừa
kế, quà tặng là cổ phiếu, trái phiếu, quyền sở hữu công ty. Riêng đối với tài
sản là nhà, đất chỉ đưa vào diện chịu thuế trong trường hợp người đã có nhà ở
nhưng được nhận thừa kế quyền sử dụng đất và nhà.

3. Các khoản thu nhập không thuộc diện chịu thuế, thu
nhập được miễn thuế, thu nhập chưa thu thuế bao gồm:

– Thu nhập được miễn thuế:

+ Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trong hạn mức diện tích đất
được giao của chủ hộ gia đình nông dân;

+ Thu nhập từ sản xuất muối của chủ hộ diêm dân;

+ Thu nhập từ trồng rừng của chủ hộ nông dân;

+ Thu nhập từ đánh bắt hải sản của chủ hộ ngư dân;

+ Thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp để canh tác;

+ Thu nhập từ chuyển nhượng, chuyển đổi (một lần) nhà ở, quyền
sử dụng đất ở của các đối tượng chính sách xã hội;

Việc miễn thuế đối với các khoản thu nhập nêu trên là kế thừa
chính sách hiện hành và để tiếp tục thực hiện chủ trương quan tâm, hỗ trợ của
Nhà nước đối với các tầng lớp dân cư trong các lĩnh vực nông lâm, ngư dân, diêm
nghiệp còn khó khăn, gặp rủi ro cao, thu nhập còn thấp và các đối tượng chính
sách xã hội.

– Thu nhập chưa thu thuế gồm các khoản sau:

Thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ, công trái, tín phiếu Kho
bạc Nhà nước; thu nhập từ chuyển nhượng, chuyển đổi bất động sản trên 10 năm.
Chưa thu thuế đối với các loại thu nhập này vì:

+ Kế thừa chính sách hiện hành, nhằm khuyến khích huy động vốn
trong dân cư để xây dựng đất nước, Dự luật quy định tạm thời chưa thu thuế đối
với thu nhập từ lãi công trái, trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc Nhà
nước.

+ Trong thực tế, việc chuyển nhượng bất động sản của cá nhân đã
có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bất động sản trên 10 năm thường ít mang tính
chất kinh doanh mà chủ yếu là chuyển đổi chỗ ở. Vì vậy, dự thảo luật quy định
thêm thu nhập chưa thu thuế bao gồm cả trường hợp thu nhập từ chuyển nhượng bất
động sản của cá nhân đã có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bất động sản đó trên
10 năm.

– Thu nhập không thuộc diện chịu thuế gồm các khoản:

Dự luật quy định rõ các khoản thu nhập mang tính chất đãi ngộ,
chính sách xã hội của Nhà nước thì không thuộc diện chịu thuế, quy định này cũng
là kế thừa chính sách thuế hiện hành, cụ thể gồm các khoản thu nhập sau:

+ Các khoản phụ cấp ưu đãi cho người có công, phụ cấp an ninh,
quốc phòng.

+ Các khoản trợ cấp cho các đối tượng được hưởng chính sách xã
hội, người có công, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp mất việc làm…

+ Các khoản tiền thưởng do phát minh, sáng chế, giải thưởng gắn
liền với danh hiệu được Nhà nước phong tặng; giải thưởng quốc gia, quốc tế.

+ Các khoản thu nhập từ học bổng; tiền bồi thường bảo hiểm nhân
thọ, phi nhân thọ.

+ Thu nhập trong các trường hợp không thuộc diện chịu thuế
chuyển quyền sử dụng đất theo quy định tại Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất
hiện hành.

4. Về giảm trừ gia
cảnh:

Giảm trừ gia cảnh là khoản tiền được trừ trước khi tính thuế đối
với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế. Dự Luật
quy định cá nhân được giảm trừ gia cảnh trước khi tính thuế đối với thu nhập từ
kinh doanh, từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế. Mức giảm trừ gia cảnh
gồm 2 phần, phần đối với người nộp thuế và phần đối với những người phụ thuộc mà
người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, như sau:

+ Phần đối với người nộp thuế (thực chất là ngưỡng thu nhập tính
thuế) để đảm bảo nguyên tắc chỉ điều tiết một phần thu nhập của những người có
thu nhập trên mức bình quân xã hội. Dự kiến có 2 phương án: 4 triệu đồng/tháng
(48 triệu đồng/năm) hoặc 5 triệu đồng/tháng (60 triệu đồng/năm).

+ Phần đối với những người phụ thuộc là có tính đến gia cảnh của
cá nhân người nộp thuế. Dự luật dự kiến mức trừ cho người phụ thuộc gồm 3 mức:
50% đối với mỗi người phụ thuộc là người tàn tật; 40% đối với mỗi người phụ
thuộc dưới 18 tuổi; 30% đối với mỗi người phụ thuộc khác (Theo kinh nghiệm của
các nước, mức giảm trừ của người phụ thuộc thường chỉ bằng 10% đến 50% mức trừ
của người nộp thuế).

* Phương án 4 triệu đồng/tháng: được xây dựng dựa trên số liệu
thống kê của Nhà nước và các kết quả điều tra xã hội học về thu nhập, chi tiêu
của các tầng lớp dân cư đã được công bố, dự báo theo chỉ số tăng trưởng đến năm
2009-2010.

Với mức giảm trừ 4 triệu đồng/tháng, trường hợp người nộp thuế
có hai người phụ thuộc phải nuôi dưỡng dưới 18 tuổi sẽ được giảm trừ là 7,2
triệu đồng/tháng (4 triệu cho bản thân và 3,2 triệu cho 2 người phụ thuộc),
trường hợp có thêm người nuôi dưỡng thì mức trừ còn nhiều hơn. Ví dụ, người có
thu nhập 10 triệu đồng/tháng nếu nuôi 2 người phụ thuộc dưới 18 tuổi thì thu
nhập tính thuế sẽ là 2,8 triệu đồng (10 triệu đồng trừ 7,2 triệu đồng), với biểu
thuế như dự kiến thì số tiền thuế phải nộp chỉ là 180.000 đồng/tháng (theo quy
định hiện hành thì phải nộp 500.000 đồng/tháng). Như vậy, phần để chi dùng của
người nộp thuế bao gồm cả mức giảm trừ gia cảnh và phần thu nhập còn lại sau khi
nộp thuế là 9,820 triệu đồng/tháng.

Theo phương án này, ngưỡng chưa thu thuế cho người nộp thuế có 2
người phụ thuộc dưới 18 tuổi cao hơn so với hiện hành (7,2 triệu đồng so với 5
triệu đồng) nhưng đối với người độc thân thì thấp hơn song cũng là hợp lý vì quy
định như vậy sẽ đảm bảo tính công bằng của thuế thu nhập cá nhân, khắc phục
nhược điểm bình quân của Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao
hiện hành.

* Phương án 5 triệu đồng/tháng: Theo phương án này nếu người nộp
thuế có thu nhập 10 triệu đồng/tháng và có 2 người phụ thuộc dưới 18 tuổi chỉ
nộp thuế 50.000 đồng/tháng; thu nhập còn lại sau thuế là 9,950 triệu đồng.
Phương án này sẽ dễ tạo sự đồng thuận nhưng số thu giảm nhiều và mức trừ này
cũng là cao hơn so với các nước trên thế giới. (Việt Nam 60 triệu đồng/năm tương
đương 3.750 USD, Trung Quốc 726 USD, Malaysia 2.105 USD, Thái Lan: 2.268
USD).

Về người phụ thuộc, có ý kiến cho rằng nên khống chế tối đa số
người phụ thuộc được tính giảm trừ gia cảnh. Dự luật dự kiến mức trừ cho những
người phụ thuộc không quá 10 triệu đồng/tháng (tương đương với trường hợp người
nộp thuế nuôi từ 5 đến 7 người). Riêng đối với người phụ thuộc có mức thu nhập
thấp hơn mức được giảm trừ gia cảnh, ví dụ như người phụ thuộc có lương hưu
700.000 đồng/tháng thì người nộp thuế được trừ thêm để đảm bảo đủ mức giảm trừ
cho người phụ thuộc.

Việc kê khai mức giảm trừ gia cảnh cho những người phụ thuộc
(con, bố, mẹ…), người nộp thuế căn cứ vào thu nhập của bản thân và những người
nộp thuế khác trong gia đình để lựa chọn hình thức kê khai mức giảm trừ cho
người phụ thuộc nhưng đảm bảo nguyên tắc những người nộp thuế trong một gia đình
không kê khai trùng người phụ thuộc của gia đình đó. Để kiểm soát được vấn đề
này thì không chỉ người nộp thuế mà cả những người phụ thuộc cũng cần có mã số
thuế riêng.

5. Biểu thuế

Dự Luật thuế thu nhập cá nhân quy định hai biểu thuế: Biểu thuế
lũy tiến từng phần và Biểu thuế suất toàn phần.

a. Biểu thuế lũy tiến từng phần:

Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện hành
đang áp dụng 2 biểu thuế lũy tiến từng phần cho người Việt Nam và người nước
ngoài với mức thuế suất thấp nhất là 10%, thuế suất cao nhất là 40%. Mức khởi
điểm chịu thuế đối với người Việt Nam là trên 5 triệu đồng/tháng và người nước
ngoài là trên 8 triệu đồng/tháng.

Biểu thuế lũy tiến từng phần dự kiến theo Luật thuế thu nhập cá
nhân áp dụng thống nhất cho cả người Việt Nam và người nước ngoài, và áp dụng
đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công do đây là khoản thu
nhập có tính chất phổ biến, thường xuyên, ổn định của cá nhân trong năm nên mức
thu nhập tính thuế được tính theo năm và tạm thu theo tháng.

Biểu thuế gồm 8 bậc: Khoảng cách về thuế suất giữa các bậc là
5%, bậc 1 là thuế suất 0%, thuế suất thấp nhất là 5% và cao nhất là 35%, cụ thể
như sau:

Đơn vị tính: Triệu đồng

Như phân tích ở trên, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân được coi
là ngưỡng chịu thuế nên biểu thuế được thiết kế thuế suất 0% tương ứng với
ngưỡng giảm trừ của người nộp thuế. Khoản giảm trừ cho người phụ thuộc sẽ được
trừ trước khi xác định thu nhập tính thuế.

Việc chọn biểu thuế lũy tiến từng phần với mức thuế suất như
trên là để đảm bảo tỷ lệ điều tiết hợp lý so với thuế thu nhập doanh nghiệp đồng
thời mức thuế suất cao nhất 35% cũng tương đương với mức thuế suất cao nhất của
một số nước trong khu vực (Malaysia 34%, Thái Lan 37%, Indonesia 35%, Trung Quốc
45%).

b. Biểu thuế suất toàn phần: Biểu thuế suất toàn phần áp dụng
đối với các loại thu nhập từ đầu tư (lãi tiền cho vay, lãi tiền gửi tiết kiệm,
lợi tức cổ phần), thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập từ chuyển nhượng bất
động sản và các khoản thu nhập khác (tiền bản quyền, trúng thưởng xổ số, khuyến
mại, trò chơi có thưởng, thừa kế, quà tặng). Thuế thu nhập được tính và thu theo
từng lần phát sinh thu nhập.

Biểu thuế dự kiến như sau:

Việc áp dụng các mức thuế suất như trên là vì lý
do sau:

– Đối với thu nhập từ đầu tư vốn hiện nay tạm thời chưa thu,
Luật dự kiến đưa vào diện chịu thuế để đảm bảo kiểm soát thu nhập này và động
viên một phần vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên để khuyến khích phát triển thị
trường vốn thì mức động viên 5% là hợp lý. Mức thuế suất này thấp hơn so với các
nước (hầu hết các nước áp dụng thuế suất 15%-20%)

– Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn, hiện hành cá nhân
kinh doanh nộp thuế là 28%, cá nhân không kinh doanh chưa nộp thuế đối với loại
thu nhập này. Tuy nhiên, Dự luật dự kiến quy định thu thuế đối với cá nhân có
thu nhập từ chuyển nhượng vốn bất kể là kinh doanh hay không kinh doanh và áp
dụng một mức thuế suất chung là 25%. Mức thuế suất này cũng là hợp lý và phù hợp
với thông lệ quốc tế.

Trong thực tiễn không phải mọi trường hợp đều có thể xác định
được thu nhập ròng nên đối với trường hợp không xác định được thu nhập ròng thì
Dự luật quy định thuế được tính bằng 0,1% trên giá chuyển nhượng, trên cơ sở xác
định thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bằng 0,4% trên giá chuyển nhượng nhân
với thuế suất 25%.

– Đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, hiện thu thuế
trên giá chuyển nhượng với thuế suất là 2% đối với đất nông nghiệp và 4% đối với
đất khác. Dự luật dự kiến quy định thu một mức thuế suất thống nhất là 25% trên
thu nhập ròng của loại thu nhập này để đảm bảo động viên bình đẳng.

Trường hợp không xác định được thu nhập ròng thì Dự luật quy
định thuế được tính bằng 2% trên giá chuyển nhượng, trên cơ sở xác định thu nhập
chịu thuế từ chuyển nhượng bằng 8% trên giá chuyển nhượng nhân với thuế suất
25%.

– Đối với thu nhập từ tiền bản quyền áp dụng thuế suất 5%, thu
nhập từ trúng thưởng xổ số áp dụng thuế suất 10% như hiện hành. Tuy nhiên, để
đảm bảo công bằng giữa người có thu nhập đến ngưỡng chịu thuế và người có thu
nhập dưới ngưỡng chịu thuế, thuế chỉ tính trên phần vượt ngưỡng chịu thuế thay
vì tính trên toàn bộ thu nhập như hiện hành.

– Đối với thu nhập từ thừa kế, quà tặng hiện chưa thu đối với
loại thu nhập này. Để kiểm soát thu nhập và động viên một phần cho ngân sách nhà
nước, Dự luật quy định áp dụng là 10% trên phần thu nhập vượt ngưỡng là 10 triệu
đồng.

6. Về kê khai, thu nộp:

Trong 6 khoản thu nhập thuộc diện chịu thuế thì chỉ có 2 khoản
thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất là cá nhân tự kê
khai, tự tính thuế và tự nộp thuế, cơ quan thuế thực hiện kiểm tra, kiểm soát.
Đối với tất cả các khoản thu nhập còn lại áp dụng phương pháp thu thuế khấu trừ
tại nguồn. Theo phương pháp này, khi chi trả thu nhập cho người nộp thuế, cơ
quan chi trả thu nhập thực hiện khấu trừ và nộp tiền thuế vào ngân sách; cuối
năm cá nhân tổng hợp các khoản thu nhập thực hiện quyết toán nếu có số thuế nộp
thừa thì được thoái trả tiền thuế.

Pháp lệnh thuế