Những điểm mới khi thực hiện Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp theo Thông tư 134/2007/TT-BTC

9 / 100

Ngày 23/11/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 134/2007/TT-BTC (Gọi tắt là Thông tư 134) hướng dẫn thi hành Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Thông tư 134 đã tạo nên một số thay đổi khi thực hiện thuế TNDN tại các doanh nghiệp.

          Những điểm mới trong quy định về thuế TNDN
         
          Các khoản chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế (TNCT)

          Một trong những tiến bộ của quy định Thuế TNDN theo Thông tư 134 so với Thông tư số 128/2003/TT-BTC và 88/2004/TT-BTC đã quy định rõ nguyên tắc xác định các khoản chi phí không hợp lí khi xác định TNCT. Hơn nữa, hướng dẫn thuế cũng không đi vào liệt kê chi tiết các khoản chi phí hợp lí khi xác định TNCT, thuận lợi hơn cho việc kê khai và quyết toán thuế của các doanh nghiệp và cả cơ quan thuế. Trước đây, việc quy định cụ thể chi phí hợp lí cũng như không hợp lí dẫn đến trường hợp có những khoản chi phí phát sinh tại doanh nghiệp không nằm trong cả hai phần qui định trên, khiến doanh nghiệp và cơ quan thuế gặp những khó khăn khi xác định tính hợp lí của chi phí.

          Theo Thông tư 134/TT-BTC, nguyên tắc xác định một khoản chi phí không hợp lý là: các khoản chi không có đầy đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định hoặc hoá đơn, chứng từ không hợp pháp; các khoản chi không liên quan đến việc tạo ra doanh thu, TNCT trong kỳ tính thuế; các khoản chi do nguồn kinh phí khác đài thọ.

          Đối với chi phí khấu hao tài sản cố đinh, quy định mới cũng cho phép tính khấu hao vào chi phí hợp lí của một số tài sản cố định không dùng cho trực tiếp sản xuất kinh doanh hàng hoá dịch vụ, cụ thể là khấu hao của nhà nghỉ giữa ca; nhà ăn giữa ca; nhà thay quần áo; nhà vệ sinh; bể chức nước sạch; nhà để xe; phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh; xe đưa đón người lao động; cơ sở đào tạo dạy nghề; nhà ở cho người lao động do cơ sở kinh doanh (CSKD) đầu tư xây dựng.

          Về chi phí tiền lương, tiền công, quy định mới cũng không yêu cầu các CSKD hàng năm phải tiến hành đăng ký với cơ quan thuế tổng quỹ lương phải trả trong năm; căn cứ vào phưpưng pháp xây dựng tổng quỹ lương (theo mẫu số 02A/TNDN của Thông tư 128/2003/TT-BTC trước đây). điều này hợp lý, bởi lẽ chắc chắn tiền lương thực tế phát sinh tại các doanh nghiệp không bao giờ khớp với tiền lương kế hoạch đã đăng kí với cơ quan thuế.

          Quy định mới cũng không chấp nhận tính hợp lý của các khoản tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động thực tế chưa chi tính đến hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm. Có thể thấy rõ, quy định này có phần bảo vệ quyền lợi của người lao động trước tình trạng nợ lương kéo dài tại một số doanh nghiệp.

          Đối với các khoản chi không có đầy đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định hoặc hoá đơn, chứng từ không hợp pháp, nhìn chung, cũng không cho phép tính vào chi phí hợp lí. Tuy nhiên, Thông tư 134/2007/TT-BTC  đã liệt kê rõ những trường hợp mua hàng hoá, dịch vụ tuy không có hoá đơn chứng từ những vẫn được phải tính vào chi phí hợp lí: CSKD mua sản phẩm làm bằng mây, tre, cói, dừa, cọ của người nông dân trực tiếp làm ra; mua sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các nghệ nhân không kinh doanh; mua đất, đá, cát, sỏi của người dân tự khai thác; mua nông, lâm, thuỷ sản của người sản xuất, đánh bát bán ra; mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt, mua đồ dùng, tài sản của hộ gia đình, cá nhân đã qua sử dụng trực tiếp bán ra và một số dịch vụ mua của cá nhân không kinh doanh. Quy định này làm tăng tính rõ ràng và minh bạch khi thực hiện khai báo và quyết toán thuế cũng như không làm các CSKD và cơ quan thuế phải mất nhiều thời gian vì ohải tra cứu nhiều văn bản hướng dẫn như trước đây.

          Trường hợp CSKD thuê địa điểm SXKD trực tiếp thanh toán tiền điện, nước, với chủ sở hữu cho thuê địa điểm kinh doanh: quy định cũng hướng dẫn rõ CSKD càn phải lập Bảng kê thanh toán tiền điện, nước (theo mẫu 03/TNDN) kèm theo chứng từ thanh toàn tiền điện, nước đối với người cho thuê địa điểm SXKD và hợp đồng thuê địa điểm SXKD thì phần tiêu hao điện nước hợp lý cũng được phép tính vào chi phí hợp lí của cơ sở SXKD. Quy định mới này phù hợp với tình hình thực tế SXKD của các doanh nghiệp hiện nay, bởi lẽ, khi thuê địa điểm SXKD, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện khai báo với cơ quan cung cấp điện, nước, vì vậy, các cơ sở SXKD này không thể có được hóa đơn tiền điện nước được xem là hợp pháp.

          Đối với các khoản chi phí không liên quan đến hoạt động tạo ra doanh thu của CSKD: Nhìn chung, các khoản chi này không được phép tính trừ vào chi phí hợp lí. Riêng các khoản chi tài trợ giáo dục, quy định mới cho phép CSKD được tính vào chi phí hợp lí khi khai báo thuế các khoản tài trợ cho việc mở rộng trường học theo các hình thức công lập, dân lập và tư thục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; tài trợ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập và hoạt động của trường học; tài trợ học bổng cho học sinh sinh viên; tài trợ cho các cuộc thi trong trường học mà đối tượng tham gia dự thi là người học. Bên cạnh đó, quy định cũng đã hướng dẫn cụ thể cách lập hồ sơ để kê khai các khoản tài trợ (mẫu số 02/TNDN). Đây là một quan điểm mới cho thấy được sự chia sẻ và khuyến khích Nhà nước đối với các hoạt động khuyến học được tài trợ.

          Phần chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, (không bao gồm tiền đi, lại, và tiền ở) bị khống chế ở mức không vượt quá hai lần mức quy định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với cán bộ công chức nhà nước (Thông tư 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007). Quy định trước đây không đề ra mức khống chế đối với khoản chi này.

          Khoản chi bồi dưỡng cho lao động nữ sau khi sinh con lần thứ nhất hoặc lần thứ hai: không vượt quá 1,5 lần tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. So với quy định trước đây (không quá 300.000 đồng đối với CSKD đóng trên địa bàn thành phố, thị trấn, thị xã và không quá 500.000 đồng đối với CSKD đóng trên địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn), mức khống chế mới này hợp lí hơn vì sẽ loại bỏ được yếu tố trượt giá.

          Mức chi trang phục cho người lao động, khống chế ở mức 1.000.000 đồng/người/năm so với quy định trước đây là 500.000 đồng/người/năm.

          Thông tư 134 cũng quy định rõ các khoản chi phí không được xem là khoản chi phí quảng cáo, giao dịch, đối ngoại, khánh tiết,…và do đó, không bị khống chế 10 % tổng chi phí hợp lí phát sinh tại đơn vị như chi phí nghiên cứu thị trường (thăm dò, khảo sát, phỏng vấn, thu thập, phân tích và đánh giá thông tin; chi phí phát triển và hỗ trợ nghiên cứu thị trường; chi phí thuê tư vấn thực hiện công việc nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ nghiên cứu thị trường); chi phí trưng bày giới thiệu sản phẩm và tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại như chi phí mở phòng hoặc gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chi phí thuê không gian để trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chi phí vật liệu, công cụ hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chi phí vận chuyển sản phẩm trưng bày giới thiệu.

          Các khoản doanh thu, TNCT.

          Thông tư 134 cũng quy định thêm phương pháp xác định doanh thu và TNCT cho các trường hợp.

          TNCT từ chuyển nhượng vốn đầu tư vào CSKD được xác định:
Thu nhập chịu thuế = Giá chuyển nhượng – Giá vốn của phần vốn chuyển nhượng – Chi phí chuyển nhượng.

          Doanh thu chịu thuế đối với hoạt động kinh doanh theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh:

– Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng doanh thu thì doanh thu để tính thuế TNDN của từng bên là số tiền bán hàng hoá, dịch vụ của từng bên được chia theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.

– Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng sản phẩm thì doanh thu để tính thuế TNDN của từng bên là số tiền bán sản phẩm đó.

– Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng lợi nhuận thì doanh thu để tính thuế TNDN là số tiền bán hàng hoá, dịch vụ của hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh cử ra một bên làm đại diện, xuất hoá đơn, ghi nhận doanh thu và kê khai nộp thuế TNDN thay cho các bên còn lại tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh.

          Và đôi điều cần bàn

          Quy định hướng dẫn thi hành thuế TNDN theo Thông tư 134 đã có nhiều điểm đổi mới và tiến bộ hơn về hình thức cũng như nội dung. Một số nội dung phù hợp hơn với tình hình thực tế hướng đến việc chia sẻ một phần trách nhiệm của nhà nước đối với một số hoạt động xã hội. Tuy nhiên, để Luật thuế TNDN đi vào cuộc sống, cần xem xét một số vấn đề sau:

          Chi phí tiền lương tiền công

Quy định mới không cho phép các khoản tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động thực tế chưa chi tính đến hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm được tính vào chi phí hợp lí. Tuy nhiên, quy định chưa nêu rõ là nếu khoản tiền lương này được chi trả vào kỳ quyết toán thuế những năm sau thì có được phép tính vào chi phí hợp lí khi khai báo thuế cho những năm sau hay không?

          Quy định về thuế TNDN chưa xem khoản tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ hộ cá thể SXKD là khoản chi phí hợp lí được tính trừ khi xác định TNCT. Tuy nhiên, nếu xét về nguyên tắc xác định một khoản chi được xem là không hợp lí trình bày ở phần B, mục III/1 của Thông tư 134/2007/TT-BTC thì các khoản chi tiền lương, tiền công nêu trên đều là khoản thù lao phải trả cho sức lao động mà người chủ sở hữu bỏ ra để điều hành, quản lý doanh nghiệp và góp phần tạo ra thu nhập cho doanh nghiệp. Vì vậy, để đảm bảo công bằng và khuyến khích sự phát triển của mọi loại hình doanh nghiệp thì nên cho phép tính vào chi phí hợp lí khoản chi này khi xác định thuế TNDN phải nộp. Tuy nhiên, để tránh trường hợp chủ doanh nghiệp khai báo mức lương quá cao nhằm mục tiêu giảm thuế, Nhà nước nên quy định mức khống chế khoản chi phí này.

          Đối với các khoản tiền thưởng cho người lao động không mang tính chất tiền lương, doanh nghiệp chỉ được phép tính vào chi phí hợp lí nếu các khoản này được ghi trong hợp đồng lao động hoặc thoả ước lao động tập thể. Tuy nhiên, thông thường các khoản tiền thưởng này thường dựa vào kết quả SXKD của từng năm, vì vậy, thường không đủ cơ sở để quy định trong hợp đồng lao động.

          Các khoản chi không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của thuế

          Phần B, mục III/2.4 quy định trường hợp mua một số dịch vụ của cá nhân không kinh doanh cũng được phép lập bảng kê theo mẫu số 01/TNDN để tính vào chi phí hợp lí. Tuy nhiên, để quy định này dễ dàng đi vào thực hiện, cần phải quy định cụ thể hơn các loại dịch vụ thuộc nhóm này.

          Đối với các khoản trích lập dự phòng

          Phần B, mục III/2.17 quy định các khoản trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi và dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hoá, cong trình xây lắp theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính (theo Thông tư 13/2006/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành 27/2/2006) được phép tính vào chi phí hợp lí. Tuy nhiên, phần B, mục IV/8 của Thông tư này lại quy định rằng kết dư cuối năm các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ khó đòi phải được hạch toán vào TNCT. Quy định này mâu thuẫn với nội dung trước bởi lẽ, một khi các khoản dự phòng đã lập này sẽ được kết dư sang năm sau. Dự phòng được phép tính vào chi phí hợp lí, tuy nhiên, kết dư các khoản dự phòng lại phải đưa vào TNCT. Như vậy, quy định thuế có thực sự cho phép các đơn vị kinh doanh tiến hành lập dự phòng hay không?

          Đối với các khoản chi không liên quan đến việc tạo ra doanh thu tại đơn vị, quy định mới chỉ cho phép đưa các khoản chi tài trợ cho giáo dục được phép tính vào chi phí hợp lí. Tuy nhiên, để khuyến khích các CSKD thực hiện tốt các công việc trợ giúp xã hội và cũng để san sẻ một phần trách nhiệm của nhà nước đối với các hoạt động này của các doanh nghiệp, quy định thuế nên cho phép đưa các khoản chi ủng hộ lũ lụt và chỉ cho các hoạt động từ thiện khác theo kêy gọi của Nhà nước được phép tính vào chi phí hợp lí.

          Các khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, tiếp tân, khánh tiết, hoa hồng môi giới bị khống chế không vượt quá 10% tổng số các khoản chi phí hợp lí phát sinh tại đơn vị. Tuy nhiên, thực tế tại các doanh nghiệp, chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, khánh tiết,…không nhất thiết phải có mối quan hệ tỷ lệ thuận với các khoản chi phí đã liệt kê ở phần trên. Chẳng hạn, doanh nghiệp quyết định thực hiện giảm các khoản chi phí khác để tăng chi phí quảng cáo, khuyến mãi nếu xét thấy việc tăng các khoản chi phí này đem lại hiệu quả cao hơn. Xét về bản chất, các khoản chi phí này nhằm mục đích tăng doanh thu, thu nhập, tăng lợi nhuận tại đơn vị và làm cho TNCT tăng lên. Vì vậy, Luật thuế nên chấp nhận các khoản chi này theo số thực chi hoặc lựa chọn một tiêu thức khống chế khác có mối quan hệ tương hỗ với các khoản chi này như doanh thu, thu nhập hoặc theo hiệu quả hoạt động tại đơn vị.

Th.s Phạn Quốc Thuần (Đại học Quốc gia TPHCM)
(Theo Tạp chí Kế toán)
Tapchiketoan.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *