Chính sách động viên thuế đối với thu nhập của cá nhân trong thời gian qua nhìn chung là phù hợp với điều kiện kinh tế, lịch sử của từng giai đoạn phát triển, từng khu vực, thành phần kinh tế, góp phần thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, thúc đẩy khu vực kinh tế hộ gia đình và khu vực kinh tế tư nhân, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, các chính sách thuế đối với thu nhập của cá nhân hiện hành còn bộc lộ một số mặt hạn chế:
Chưa đảm bảo yêu cầu công bằng xã hội
Cùng là thu nhập của cá nhân nhưng được điều chỉnh bởi các sắc thuế khác nhau với căn cứ tính thuế, mức thuế khác nhau dẫn đến việc điều tiết về thuế chưa hợp lý đối với từng loại thu nhập.
– Việc áp dụng thuế thu nhập DN đối với cá nhân kinh doanh như đối với pháp nhân là chưa phù hợp với đặc điểm của hộ kinh doanh: quy mô kinh doanh nhỏ, mang tính chất tự doanh, thu nhập của hộ cũng là thu nhập của cá nhân.
Luật thuế lợi tức ban hành năm 1990 đã điều chỉnh thu nhập của cả pháp nhân và cá nhân kinh doanh. Đến năm 1991 khi ban hành Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao nên không điều tiết thuế đối với hộ kinh doanh. Qua 15 năm thực hiện đã cho thấy chính sách thuế đối với thu nhập của cá nhân còn bất bình đẳng: cùng là thu nhập của cá nhân nhưng nếu là cá nhân kinh doanh thì thu nhập từ kinh doanh sau khi trừ chi phí liên quan đến kinh doanh nộp thuế TNDN với thuế suất 28%; còn đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, sau khi trừ mức khởi điểm chịu thuế, phần thu nhập vượt nộp thuế theo biểu thuế luỹ tiến từng phần với thuế suất thấp nhất 10%, thuế suất cao nhất 40%. Mặt khác, hộ kinh doanh là cá nhân đại diện cho hộ gia đình, theo quy định của Luật Dân sự thì hộ kinh doanh không phải là pháp nhân nên việc điều tiết bởi thuế thu nhập DN là chưa phù hợp.
– Mức điều tiết về thuế của cá nhân có thu nhập từ kinh doanh và cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công còn bất hợp lý:
Thu nhập của cá nhân kinh doanh phải nộp thuế ngay từ đồng đầu tiên với thuế suất toàn phần 28%, trong khi thu nhập từ tiền lương, tiền công chỉ chịu thuế đối với phần thu nhập vượt trên mức khởi điểm và áp dụng theo Biểu thuế luỹ tiến từng phần. Quy định này dẫn đến: với cùng mức thu nhập đến 20 triệu đồng/tháng cá nhân có thu nhập từ kinh doanh phải nộp thuế cao hơn nhiều (28% trên thu nhập) so với cá nhân có thu nhập từ lao động (10% trên thu nhập). Ngược lại, cá nhân có mức thu nhập đến 100 tr đồng/tháng thì cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công (31,5% trên thu nhập) lại nộp thuế cao hơn so với cá nhân có thu nhập từ kinh doanh (28% trên thu nhập).
Thực tế, đại bộ phận cá nhân kinh doanh có mức thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng phải chịu mức điều tiết thuế cao. Do chính sách động viên thuế cao đối với hộ kinh doanh nên dẫn đến thực tế là các cá nhân thường tìm cách kê khai thấp doanh thu để giảm gánh nặng thuế. Chẳng hạn như thuế thu nhập DN của các bác sĩ có cơ sở khám chữa bệnh tư nhân mỗi tháng chỉ một vài trăm nghìn, tương ứng với doanh thu vài ba triệu/tháng nhưng thực tế doanh thu của họ phải đến vài chục triệu một tháng. Việc kê khai không đúng thu nhập sẽ làm méo mó dòng thu nhập thực tế của xã hội.
Theo DDDN
|