Mối quan hệ giữa cắt giảm thuế quan và nhập siêu

Mối quan hệ giữa cắt giảm thuế quan và nhập siêu
TCKT cập nhật: 12/08/2008

Tình hình thực tế phát sinh

Hiện tại, Việt Nam đã thực hiện các chương trình cắt giảm thuế theo yêu cầu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư vào APEC đến năm 2020. Ngay sau khi chính thức gia nhập WTO, nước ta đã chủ động cắt giảm các dòng thuế theo đúng cam kết. Từ ngày 11/1/2007 nước ta đã chủ động thực hiện các cam kết ràng buộc toàn bộ Biểu thuế nhập khẩu gồm 10.689 dòng thuế, mức giảm bình quân từ 17,4% xuống còn 13,4% với lộ trình thực hiện sau 5 đến 7 năm và công bố cắt giảm 1.812 dòng thuế nhập khẩu với mức thuế suất giảm bình quân là 14,5%. Từ 1/1/2008, theo cam kết với WTO, sẽ có khoảng 1.700 dòng thuế được cắt giảm, với mức giảm phổ biến từ 1- 6%, mức giảm này không chênh lệch quá lớn so với sắc thuế hiện hành. Từ năm 2009 sẽ tiếp tục giảm khoảng 2.000 dòng thuế của hơn 20 nhóm hàng với mức tối đa khoảng 2%. Trong những năm tới, thực hiện các cam kết với WTO Việt Nam tiếp tục cắt giảm thuế suất nhiều hơn đối với hàng nghìn dòng thuế, không chỉ có thế mà thực hiện cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan theo nhưng cam kết song phương và khu vực.

Trước những con số ấn tượng từ việc cắt giảm các dòng thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng theo lộ trình, đã có nhiều ý kiến cho rằng số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) sẽ giảm mạnh do cắt giảm thuế quan. Thế nhưng, trên thực tế tổng số thu NSNN từ đầu năm đến nay vẫn tăng trưởng, thể hiện ở hiện tượng nhập khẩu của nước ta đã gia tăng mạnh trong thời gian gần đây cả về quy mô tuyệt đối, cả về tỷ lệ so với GDP. Nếu năm 1995 mới có 8,15 tỷ USD, bằng 39,2% GDP, năm 2000 là 15,63 tỷ USD, bằng 50,1% GDP thì năm 2007 là 62,68 tỷ USD, bằng 88% GDP.

 Như vậy, tuy việc cắt giảm hàng loạt các dòng thuế theo các cam kết đa phương và song phương, khu vực và thế giới được thực hiện ngày càng sâu rộng đối với hàng nhập khẩu thì kim ngạch nhập khẩu vẫn tăng, thể hiện ở hiện tượng nhập siêu năm 2007 là 14,1200 tỷ USD và 6 tháng đầu năm nay đã vượt cả năm trước đây. Nguyên nhân của số thu NSNN tăng mạnh trong thời gian qua, do hiện tượng nhập siêu gia tăng nhanh chóng từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO.

Năm 2008 mới qua 6 tháng, nhập khẩu đã lên đến 45,5 tỷ USD, tăng tới 64% so với cùng kỳ năm trước, lớn hơn mức nhập khẩu trong cả năm từ năm 2005 trở về trước. Do nhập khẩu cao hơn xuất khẩu nên nhập siêu những năm gần đây tăng mạnh: nếu năm 2000 mới có 1.153,8 triệu USD, bằng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu và bằng 3,7% GDP thì năm 2007 đã lên đến 14.120,8 triệu USD, bằng 29,1% tổng kim ngạch xuất khẩu và bằng 19,8% GDP. Năm 2008 mới qua 6 tháng, nhập siêu đã lên 14,7 tỷ USD, cao gấp 3,7 lần cùng kỳ năm trước (bằng 43% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 23,1% của cùng kỳ), lớn hơn mức nhập siêu kỷ lục trong cả năm 2007.

Như vậy, về nguyên tắc, giữa việc cắt giảm thuế và tăng tự do hóa kinh doanh với việc nhập siêu có sự liên hệ trực tiếp. Thực tế cho thấy, việc cắt giảm thuế khiến sức cạnh tranh của hàng nội và hàng ngoại càng có sự cạnh tranh gay gắt, sức cạnh tranh về giá cả của hàng ngoại nhập tăng. Cùng với việc “mở cửa” rộng hơn và tâm lý sùng bái hàng ngoại sẵn có trong một bộ phận người tiêu dùng cấu thành trực tiếp làm tăng lượng hàng nhập khẩu vào nước ta trong thời gian gần đây. Ngoài ra, việc dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam tăng cả về vốn cam kết và mức độ thực hiện, cũng làm kích thích nhu cầu nhập thiết bị cho việc triển khai và hoạt động của các dự án và giá cả hàng nguyên liệu và hàng hóa tăng cao trong thời gian gần đây.

Giải pháp khắc phục nhập siêu

Quá trình thực hiện các hiệp định thương mại song phương, khu vực và đa phương (trong đó có WTO) thì việc giảm thuế suất ngày càng sâu rộng đối với hàng nhập khẩu là một tất yếu khách quan. Việc cắt giảm các dòng thuế suất này trong thời gian gần đây của nước ta là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhập khẩu tăng cao, đã dẫn đến nhập siêu lớn đe dọa cân đối nền kinh tế vĩ mô, làm tăng tỷ giá ngoại hối và còn tác động đến lạm phát cao ở trong nước. Vì vậy, việc triển khai một số một số giải pháp quản lý nhập khẩu mới phù hợp với quy định của WTO là hết sức cần thiết.

Việc giảm thuế quan theo các cam kết đa phương, khu vực và song phương có mặt tích cực như giảm chi phí đầu vào cho nhiều sản phẩm trong nước, tạo sức thúc ép các doanh nghiệp phải đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh để giữ vững thị trường và hơn thế còn khai thác thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu (do cũng được các thành viên WTO giảm thuế và dỡ bỏ hàng rào phi thuế quan đối với hàng hoá Việt Nam). Bởi vậy, giải pháp hàng đầu là nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Trên cơ sở sản xuất, kinh doanh, quy mô thương mại trong nước và xuất khẩu đều phát triển mạnh thì nguồn thu NSNN sẽ tăng trưởng nhanh và bền vững.

Trong năm 2008 và những năm tới, tình trạng nhập siêu còn trầm trọng hơn do hậu quả của chính sách bảo hộ thời kỳ tiền gia nhập WTO. Trong điều kiện thực hiện chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu, hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là chức năng bảo hộ của thuế nhập khẩu cần được điều chỉnh lại cho phù hợp. Trước mắt cần xây dựng Biểu thuế nhập khẩu cho phù hợp với định hướng bảo vệ có chọn lọc đối với ngành hàng kinh tế trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các dòng thuế nhập khẩu cần điều chỉnh theo hướng bảo vệ, hỗ trợ những ngành sản xuất có khả năng cạnh tranh trong một điều kiện với một thời hạn và xuất khẩu trên thị trường khu vực và thế giới, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cầu kinh tế, định hướng phát triển các ngành kinh tế phù hợp với mục tiêu đặt ra. Bảo hộ cũng cần có lộ trình giảm dần, có như vậy chính sách bảo hộ mới có tác dụng nâng cao sức cạnh tranh mà vẫn không phải triệt tiêu sức canh tranh của hàng hóa trong nước. Về lâu dài, việc điều hành chính sách thuế nhập khẩu nên dựa trên quan điểm coi đó là một công cụ bảo hộ sản xuất trong nước chứ không phải là một nguồn thu quan trọng. Có như vậy, thuế suất thuế nhập khẩu mới đáp ứng được là một hàng rào hữu hiệu để hạn chế nhập siêu và bảo hộ sản xuất trong nước. Đây là xu hướng tất nhiên khi thực hiện những cam kết quốc tế về hội nhập khu vực và quốc tế, đặc biệt là quy định của WTO.

Về lâu dài, cần có phương án cụ thể để thuế hóa các hàng rào phi thuế quan nhằm đáp ứng một nguyên tắc hàng đầu của WTO là chỉ bảo hộ bằng thuế quan, mọi hàng rào phi thuế quan phải được loại bỏ. Việc thuế hóa cần được  tiến hành theo tiến độ và phương án cân nhắc cụ thể, sẽ tránh cho nền kinh tế gặp phải những biến động đột ngột khi phải loại bỏ ngay hàng rào phi thuế quan và thay bằng hàng rào thuế quan, nhất là trong trường hợp chưa có giải pháp hữu hiệu khác để bảo vệ hợp lý nền sản xuất nội địa và ngăn chặn gian lận thương mại.

 

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện thuận lợi hóa thương mại, đặc biệt về thủ tục hải quan cần nhanh chóng áp dụng rộng thủ tục hải quan điện tử, kết hợp các tiêu chí quản lý rủi ro và hoạt động quản lý tuân thủ vì lượng hàng hóa thông quan ngày một tăng mạnh.

Ngoài ra, việc thay đổi thói quen xuất khẩu hàng hóa giá FOB và nhập khẩu hàng hóa giá CIF bằng xuất khẩu giá CIF và nhập khẩu giá FOB tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam thu được tiền bảo hiểm và cước tàu, xuất khẩu theo giá CIF cũng khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm và vận tải Việt Nam phát triển mạnh hơn. Việc xuất khẩu theo điều kiện CIF và nhập khẩu theo điều kiện FOB không còn quá mới mẻ với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, do thói quen và do thiếu thông tin nên các doanh nghiệp chưa lưu ý đúng mức về vấn đề này. Vấn đề thay đổi thói quen là khó nhưng không phải không thực hiện được mà cần có sự quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp cũng như công tác tuyên truyền, vận động, áp dụng những biện pháp khuyến khích của chính phủ./.

(Theo Tạp chí Thuế)