Hóa đơn khác tên doanh nghiệp: Phải được khấu trừ thuế GTGT
Hóa đơn khác tên doanh nghiệp: Phải được khấu trừ thuế GTGT |
TCKT cập nhật: 19/07/2006 | |
Khi thuê nhà của người dân để làm trụ sở thì đương nhiên DN phải trả thêm tiền điện, nước, điện thoại theo thực tế sử dụng. Tuy nhiên, nếu được chủ nhà cho phép chuyển hoặc tách riêng hợp đồng đứng tên DN với các Cty cung cấp điện, nước, điện thoại thì khi thanh toán các chi phí này, DN nhận được hóa đơn hợp lệ ghi tên và mã số thuế của DN. Ngược lại, nếu không được chủ nhà cho phép chuyển hoặc tách riêng hợp đồng thì khi thanh toán các chi phí này, DN sẽ nhận được hóa đơn ghi tên chủ nhà. Nếu chủ nhà là cá nhân thì thường không ghi mã số thuế và như vậy hóa đơn này sẽ bị cơ quan thuế cho là không hợp lệ. Hiện nay, cơ quan thuế chỉ mới chấp nhận là chi phí hợp lý nếu bên cho thuê là DN… (nếu không có hóa đơn) của DN cho thuê thì được hạch toán chi phí hợp lý (dĩ nhiên là không được khấu trừ thuế GTGT) theo Công văn 1633TCT/PCCS của Tổng cục Thuế ngày 31/5/2005. Trước đây, ngày 12/7/2000, Tổng cục Thuế có Công văn số 3025TCT/NV6 cho phép các hóa đơn điện, nước, điện thoại mang tên chủ nhà kèm với Phiếu chi tiền đúng với hóa đơn thì được khấu trừ thuế GTGT. Thiết nghĩ, trong trường hợp DN nhận được hóa đơn ghi tên chủ nhà và không ghi mã số thuế, cơ quan thuế không nên máy móc áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ để cho là không hợp lệ mà cần phải áp dụng Điều 419, Bộ Luật Dân sự khi “thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba” để xem hóa đơn này là hợp lệ. Bởi khi thực hiện hợp đồng thì người thứ ba (DN thuê nhà) có quyền trực tiếp yêu cầu bên có nghĩa vụ (các Cty cung ứng điện, nước, điện thoại) phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Điều luật này có nghĩa là người thứ ba được thực hiện tất cả quyền và nghĩa vụ của bên có quyền (chủ nhà, chủ đồng hồ điện, nước…) đã ghi trong Hợp đồng thuê nhà, DN thuê nhà được quyền thanh toán trực tiếp cho các Cty cung ứng điện, nước, điện thoại mà không bị xem là thanh toán sai địa chỉ so với tên chủ nhà trên hóa đơn. Ở đây cần phân biệt chủ sở hữu đồng hồ điện, nước, điện thoại… với người sử dụng. Do hai bên không tách bạch riêng chủ sở hữu với chủ sử dụng điện, nước, điện nên phải áp dụng việc “thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba” và trong trường hợp này, cơ quan thuế cần căn cứ vào người trực tiếp thanh toán để khấu trừ thuế GTGT cho đúng. Trường hợp này cũng cần được áp dụng cho DN bảo hiểm (người thứ ba) khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của bên có quyền (người được bảo hiểm) thanh toán tiền bồi thường thiệt hại theo hợp đồng giữa người được bảo hiểm với cơ sở sửa chữa tài sản, cơ sở khám chữa bệnh và nhận được hóa đơn ghi tên và mã số thuế (nếu có) của người được bảo hiểm mua hàng, dịch vụ chứ không phải tên của DN bảo hiểm mặc dù DN bảo hiểm phải chi trả. Ngoài ra, hiện nay cơ quan thuế cũng đã áp dụng pháp luật kinh tế để chấp nhận hóa đơn mang tên cá nhân sáng lập viên, không có mã số thuế và không đúng địa chỉ trụ sở DN trong giai đoạn thành lập DN vẫn được kê khai khấu trừ thuế GTGT như Công văn số 318/TCT – DNK ngày 20/01/2006 của Tổng cục Thuế đã ghi “Hợp đồng phục vụ cho việc thành lập DN có thể được thành viên sáng lập hoặc người đại diện theo ủy quyền của nhóm thành viên sáng lập ký kết. Trường hợp DN được thành lập, thì DN là người tiếp nhận quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết” quy định trong Luật DN. Hi vọng, sắp tới cơ quan thuế sẽ áp dụng Luật Dân sự để chấp nhận tính hợp lệ của hóa đơn GTGT mà người thứ ba thực hiện. Theo DDDN. |