Dự án Luật Quản lý thuế: Trao thêm quyền điều tra cho cơ quan thuế là cần thiết

Dự án Luật Quản lý thuế: Trao thêm quyền điều tra cho cơ quan thuế là cần thiết
TCKT cập nhật: 30/07/2006

CBR002447.jpg“Điều tra thuế” là một trong những nội dung quan trọng trong dự án Luật Quản lý thuế vừa được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XI.

Tại Điều 83, “Mục đích điều tra thuế” quy định: Điều tra thuế là điều tra hành chính nhằm phát hiện các hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế để thu đủ tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Trường hợp cơ quan điều tra thuế phát hiện hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan quản lý thuế chuyển hồ sơ, tang vật, chứng cứ sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc trốn lậu, chây ỳ trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế khá phổ biến. Để khắc phục tình trạng này và tăng cường hiệu lực pháp lý của Luật khi ban hành thì cần giao nhiệm vụ điều tra vi phạm pháp luật thuế cho cơ quan quản lý thuế. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế đang được nhiều nước áp dụng. Và ở nước ta quyền điều tra hành chính đã được giao cho một số cơ quan (như điều tra về bán phá giá…); mặt khác, việc điều tra vi phạm pháp luật thuế thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành Thuế, Hải quan là điều tra hành chính, khác với chức năng điều tra tố tụng do các cơ quan bảo về pháp luật thực hiện. Đồng thời cần nói rõ việc lắp đặt thiết bị gì trong hoạt động điều tra để giám sát tại trụ sở kinh doanh của tổ chức, cá nhân để không trái với quy định của Hiến pháp, pháp luật về quyền công dân.

Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội nhất trí với những ý kiến trên, nhưng đề nghị cần quy định cụ thể về đối tượng, thẩm quyền, nội dung, phạm vi, thời hạn điều tra của cơ quan quản lý thuế. Phân biệt rõ mối quan hệ và ranh giới giữa điều tra của cơ quan thuế với điều tra của cơ quan tố tụng; quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của đối tượng điều tra và quyền hạn trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc điều tra vi phạm pháp luật  thuế. Xem xét quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức điều tra thuế; quy định về quy trình, thủ tục điều tra, giá trị pháp lý của kết luận điều tra thuế…khắc phục tình trạng hình sự hoá các quan hệ kinh tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, điều tra thuế để làm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của cơ quan thuế, đồng thời chia sẻ trách nhiệm đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đồng tình quan điểm đưa điều tra thuế vào dự án Luật Quản lý thuế, ông Tào Hữu Phùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội cho rằng, công tác điều tra thuế sẽ góp phần giảm tình trạng chây ỳ, trốn thuế tràn lan như hiện nay. Tuy nhiên, cần quy định rõ thẩm quyền, phạm vi điều tra thuế, chỉ giới hạn điều tra vi phạm pháp luật về thuế và điều tra này là điều tra hành chính, nó không phải điều tra hình sự, khác với chức năng tố tụng hình sự và khác với nhiệm vụ của các cơ quan bảo về pháp luật Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án.

Làm rõ hơn về vấn đề này, Đại biểu Hà Mạnh Trí (Thái Bình) cho rằng, nhiều nước trên thế giới giao cho cơ quan thuế chức năng điều tra nhưng đó là những việc công khai rõ ràng, việc quả tang, các cơ quan này lập hồ sơ hình sự chuyển cho Viện Kiểm sát truy tố. Còn những việc phức tạp, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì các cơ quan này chỉ làm một số  việc điều tra ban đầu và chuyển cho cơ quan điều tra để tiến hành điều tra. Đại biểu Hà Mạnh Trí ủng hộ quan điểm đưa điều tra thuế vào dự án Luật nhưng đó là điều tra hành chính.

Tuy nhiên, theo một số Đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Quản lý thuế quy định thẩm quyền điều tra thuế của cơ quan quản lý thuế rất lớn, bao gồm: Yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải cung cấp thông tin, tài liệu; tạm giữ hàng hoá, tang vật, phương tiện, khám phương tiện vận tải, đồ vật, khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện liên quan đến hành vi vi phạm theo thủ tục hành chính; trưng cầu giám định và các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật. Nhiều quy định trên có liên quan đến quyền công dân đã được ghi trong Hiến pháp, nhất là khám nhà, khám người và các quyền này đang được các cơ quan bảo về pháp luật thực hiện. Vì vậy, cần cân nhắc có nên giao chức năng điều tra vi phạm pháp luật thuế cho cơ quan quản lý thuế hay không, hay cơ quan quản lý thuế chỉ tập trung làm thật tốt chức năng kiểm tra, thanh tra thuế, nếu có phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Mặc dù còn có những ý kiến khác nhau về điều tra thuế, nhưng đa số các Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc đưa điều tra thuế vào dự án Luật Quản lý thuế là cần thiết, sẽ đem lại hiệu quả thiết thực trong việc chống thất thu thuế Nhà nước.

Điều 84, “nguyên tắc điều tra thuế”: Việc điều tra thuế chỉ được thực hiện theo phương án điều tra thuế. Phương án điều tra phải do thủ trưởng cơ quan quản lý thuế phê duyệt, bao gồm đối tượng, nội dung, biện pháp, thời hạn và người thực hiện điều tra.

Công chức thuế, công chức hải quan là thanh tra viên, kiểm tra viên, kiểm tra viên chính, kiểm soát viên chính được thực hiện điều tra thuế”…

Điều 86, “Các biện pháp áp dụng trong điều tra thuế”: Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến đối tượng điều tra. Khám nơi cất giấu hàng hoá, phương tiện đồ vật liên quan đến việc trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế. Tạm giữ hàng hoá, phương tiện, đồ vật liên quan đến việc trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế.

Trưng cầu giám định. Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật để thu thập chứng cứ, phát hiện điều tra làm rõ hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế.

(Trích dự án Luật Quản lý thuế trình tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XI)

Admin (Theo MOF)