Những điểm yếu của hệ thống ngân hàng

Những điểm yếu của hệ thống ngân hàng
TCKT cập nhật: 29/08/2007
Những điểm yếu của hệ thống ngân hàngViệc gia nhập WTO đã mở ra những cơ hội phát triển mới cho thị trường tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đầu tư trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng cũng đặt ra nhiều thách thức và rủi ro đối với các ngân hàng thương mại của Việt Nam.

“Nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng trong điều kiện mới” là chủ đề của cuộc hội thảo do Học viện Tài chính tổ chức ngày 24/8 vừa qua tại Hà Nội.

Trong một hai năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh tiền tệ – ngân hàng của Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Tính hấp dẫn của kinh doanh tiền tệ – ngân hàng được đánh giá là cao hơn so với các ngành kinh tế khác. Lợi nhuận trên vốn tự có của nhiều ngân hàng đạt 9-10%, cao hơn nhiều so với mức 1-2% của ngành công nghiệp.

Rủi ro từ nội lực và môi trường kinh doanh

Thách thức lớn nhất đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam nằm ở nội lực của chính các ngân hàng, với quy mô vốn nhỏ, nguồn nhân lực hạn chế, trình độ công nghệ còn chậm tiến so với các nước trong khu vực.

Mặc dù vốn điều lệ của các ngân hàng đã tăng mạnh so với trước đây nhưng còn nhỏ bé so với thế giới và khu vực. Mức vốn tự có trung bình của một ngân hàng thương mại Nhà nước là 4.200 tỷ đồng, tổng mức vốn tự có của 5 ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ tương đương với một ngân hàng cỡ trung bình trong khu vực. Hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh chiếm đến trên 75% thị trường huy động vốn đầu vào và trên 73% thị trường tín dụng.

Trong khi đó, hệ số an toàn vốn bình quân của các ngân hàng thương mại Việt Nam thấp (dưới 5%), chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và thông lệ quốc tế (8%). Chất lượng và hiệu quả sử dụng tài sản Có thấp (dưới 1%), lại phải đối phó với rủi ro lệch kép là rủi ro kỳ hạn và rủi ro tỷ giá.

Theo PGS.TS Lê Hoàng Nga, Học viện Ngân hàng, nếu trích lập đầy đủ những khoản nợ khoanh và nợ khó đòi thì vốn tự có của nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam, nhất là ngân hàng thương mại Nhà nước, ở tình trạng âm.

Điểm hạn chế thứ hai của các ngân hàng trong nước là hệ thống dịch vụ ngân hàng trong nước còn đơn điệu, chất lượng chưa cao, chưa định hướng theo nhu cầu khách hàng và nặng về dịch vụ ngân hàng truyền thống. Các ngân hàng huy động vốn chủ yếu dưới dạng tiền gửi chiếm 94% tổng nguồn vốn huy động và cấp tín dụng là hoạt động chủ yếu của ngân hàng, chiếm trên 80% tổng thu nhập.

Trong tham luận gửi về hội thảo, TS. Lê Quốc Lý, Vụ trưởng Vụ Tài chính tiền tệ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, có viết: “Do không thể đa dạng hóa các loại hình dịch vụ ngân hàng đã khiến các ngân hàng thương mại Việt Nam chủ yếu dựa vào công cụ lãi suất để cạnh tranh thu hút khách hàng. Tuy nhiên, công cụ này cũng chỉ có tác dụng ở mức giới hạn nhất định”.

Tình hình nợ xấu vẫn có xu hướng giảm nhưng chưa chắc chắn, trong đó đáng chú ý là các tổ chức tín dụng nhà nước. TS. Lý cũng cho biết thêm, một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ quá hạn gia tăng tại các ngân hàng thương mại quốc doanh là do: việc cho vay chủ yếu dựa vào tài sản đảm bảo, trong khi thị trường bất động sản và thị trường hàng hóa chưa phát triển và còn nhiều biến động phức tạp; tự do hóa lãi suất có xu hướng làm cho mặt bằng lãi suất trong nước tăng lên, tạo điều kiện thu hút thêm tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi tăng lên làm cho lãi suất cho vay cũng tăng, tạo thêm gánh nặng về chi phí cho các doanh nghiệp phụ thuộc nặng nề vào nguồn vay từ ngân hàng. Hậu quả là, ngân hàng vẫn tiếp tục cho vay để nuôi nợ, dẫn đến tình trạng mất vốn ngày càng lớn.

Một yếu điểm nữa của thị trường tài chính nước ta là, cơ cấu hệ thống tài chính còn mất cân đối, hệ thống ngân hàng vẫn là kênh cung cấp vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu. Tính chung cả nội tệ và ngoại tệ, thì số vốn vay huy động ngắn hạn chuyển cho vay trung và dài hạn chiếm tới khoảng 50% tổng số vốn huy động ngắn hạn.

“Việc sử dụng vốn cho vay trung và dài hạn ở nước ta hiện nay tới 50% là quá cao, nếu duy trì quá lâu sẽ là yếu tố gây rủi ro lớn và có nguy cơ gây ra thiếu an toàn cho toàn bộ hệ thống”, TS. Lê Quốc Lý nhận xét.

Giải pháp đề xuất

Trong buổi hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đã nêu ra một số giải pháp chính để các ngân hàng thương mại có thể hội nhập và cạnh tranh tốt trên “sân nhà” và tham gia vào thị trường thế giới.

Thứ nhất là nâng cao năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại bằng việc đa dạng hoá các hình thức huy động vốn, điều chỉnh lãi suất tiền gửi trung và dài hạn hợp lý. Ngoài ra, các ngân hàng cần cơ cấu đầu tư vốn trong điều kiện mới theo hướng, giảm dần tỷ trọng cho vay ngắn hạn, tăng tỷ trọng cho vay trung và dài hạn, phát triển cho vay tiêu dùng đối với các cá nhân trong nền kinh tế.

Điểm thứ hai là tăng cường hiện đại hoá công nghệ ngân hàng và hệ thống thanh toán. Theo TS. Đinh Xuân Hạng, Học viện Tài chính, các ngân hàng thương mại cần tăng mức vốn đầu tư để trang bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, các dự án đầu tư công nghệ cần tính toán kỹ lưỡng để sử dụng công suất phù hợp với chiến lược mở rộng kinh doanh của ngân hàng.

Điểm thứ ba được tất cả các diễn giả đồng ý là nhân lực chất lượng cao là động lực để bức phá. Nâng cao năng lực cán bộ thông qua nâng cao trình độ quản trị điều hành. Theo Th.S Trịnh Phong Lan, Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, việc nâng cao năng lực quản trị của các ngân hàng thương mại Nhà nước sau khi cổ phần hóa sẽ được thực hiện nhanh nhất và hiệu quả nhất thông qua sự trợ giúp của các đối tác chiến lược nước ngoài.

Và một phần quan trọng để khắc phục những rủi ro tín dụng của ngân hàng là thực hiện quản trị ngân hàng thương mại từ chiều rộng sang chiều sâu theo hướng nâng cao năng lực quản trị rủi ro thông qua việc hoàn thiện bộ máy tổ chức quản trị nội bộ, thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra và chế độ báo cáo thường xuyên.

 Theo TBKTVN