Hệ thống ngân hàng của một số nước châu Á, những bài học kinh nghiệm

9 / 100

Cùng với xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, làn sóng cải cách hệ thống ngân hàng dâng lên mạnh mẽ vào những thập niên 80, 90 hình thành nên những tập đoàn tư bản ngân hàng vững mạnh. 

Phát triển tín dụng ngân hàng ở các nước trên thế giới thực chất là phát triển hệ thống các ngân hàng thương mại, các định chế tài chính nhằm động viên được hầu hết các nguồn tiền tệ nhàn rỗi trong nền kinh tế vào ngân hàng; đồng thời tiến hành phân phối nguồn vốn tập trung được dưới hình thức cho vay hoặc đầu tư vào các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế nhằm mở rộng sản xuất, lưu thông hàng hóa và phát triển hệ thống ngân hàng, kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng.  

Cùng với xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, làn sóng cải cách hệ thống ngân hàng dâng lên mạnh mẽ vào những thập niên 80, 90 hình thành nên những tập đoàn tư bản ngân hàng vững mạnh, mở rộng mạng lưới chi nhánh khắp nơi trên thế giới, ngân hàng trở thành bà đỡ cho nền kinh tế công nghiệp hóa-hiện đại hóa toàn cầu, có khả năng tài trợ vốn khổng lồ cho các tập đoàn tư bản, các công ty đa quốc gia . 

Dưới đây là kinh nghiệm tổ chức về hệ thống ngân hàng, tài chính ở một số nước châu Á điển hình : 

1.Hệ thống ngân hàng Singapore  

° Điều kiện kinh tế xã hội: 

Với lợi thế địa lý chiến lược đường biển quốc tế, Singapore nằm ở vị trí giao điểm giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, nơi hội tụ của các nhà buôn với tên gọi “đô thị biển”, nhưng điều kiện tự nhiên có nhiều bất lợi như diện tích nhỏ chỉ khoảng 640 km2, dân số khoảng 3,1 triệu người, hầu như không có tài nguyên phong phú. Là một quốc gia trẻ đa sắc tộc được hình thành từ nền tảng người nhập cư từ Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, và châu Au, Singapore đã từng là thuộc địa của Anh với việc thi hành chính sách tự do thương mại dựa trên cơ bản nguyên tắc pháp luật hình thành nề nếp pháp luật trong kinh doanh. Được trao trả năm 1971, đến nay Singapore trở thành trung tâm buôn bán, dịch vụ mậu dịch, tạo nên thu nhập chính của đất nước này (chiếm 84% GDP) vào những năm 60, đồng thời ngày nay trở thành trung tâm tài chính ngân hàng và thị trường tài chính quốc tế phát triển rất mạnh mẽ.  

° Quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa:  

 Thành tựu phát triển kinh tế của Singapore gắn liền với chính sách công nghiệp hóa được thực hiện vào thập niên 60, hướng đến xuất khẩu, thay thế nhập khẩu kích thích đầu tư nước ngoài tạo ra bước ngoặt phát triển công nghiệp. 

 Sự cải thiện nhanh kết cấu hạ tầng, ưu đãi thuế thúc đẩy các công ty xuyên quốc gia phát triển ồ ạt đầu tư trực tiếp vào Singapore, tính đến cuối năm 80, tư bản nước ngoài đã đóng góp 65% giá trị công nghiệp, 85% giá trị xuất khẩu trực tiếp tạo việc làm cho 60% lực lượng lao động. Công nghiệp hoá của Singapore bắt đầu từ ngành công nghiệp chế biến – chế tạo, dịch vụ như thực phẩm, may mặc, thuốc lá, sơn, đồ gỗ … đây là những ngành mũi nhọn then chốt, tận dụng được những lợi thế vốn có của mình vì Singapore không có tài nguyên quặng mỏ phong phú nên không thể phát triển những ngành công nghiệp khai thác . 

 Bên cạnh đó, chiến lược công nghiệp hoá của Singapore bắt đầu từ xây dựng những công ty sử dụng nhiều lao động kết hợp với sử dụng tư bản và kỹ thuật đầu tư nước ngoài tạo lập nên nền công nghiệp hiện đại, đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài có khả năng cạnh tranh cao, sau đó chuyển dần sang những ngành công nghiệp hiện đại sử dụng chất xám cho những loại hình kỹ thuật hiện đại 

° Hệ thống ngân hàng ở Singapore trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa : 

 Quá trình phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao trong quá trình công nghiệp hoá của quốc gia này cần phải kể đến sự thành công của lĩnh vực tài chính, ngân hàng, những toà nhà chọc trời tập trung ở khu vực trung tâm kinh tế lớn trở thành biểu tượng hùng vĩ của ngành dịch vụ tài chính Singpore. Đến cuối thập niên 80 ở Singapore đã có hơn 200 ngân hàng thương mại (commercial bank), và ngân hàng dịch vụ thương mại (merchant bank ) với vốn tự có lên đến 200 – 300 tỷ USD . Đến giữa thập niên 90, Singapore đã có trên 140 ngân hàng thương mại sau giai đoạn cải cách sắp xếp lại hệ thống ngân hàng nhằm xây dựng hệ thống ngân hàng vững mạnh có khả năng cung cấp đầy đủ dịch vụ tài chính đáp ứng cho nền kinh tế cùng với sự phát triển của thị trường tài chính vững mạnh. 

 Hệ thống ngân hàng Singapore bao gồm Ủy ban tiền tệ Singapore, ngân hàng thương mại, ngân hàng thương mại dịch vụ, ngân hàng tiết kiệm bưu điện, công ty tài chính…Trong đó Ủy ban tiền tệ Singapore do Bộ tài chính Singapore thành lập từ năm 1971 để giám sát các tổ chức tài chính và thực thi chính sách tiền tệ. Ủy ban tiền tệ Singapore chịu trách nhiệm đối với tất cả các chức năng ngân hàng trung ương. Các định chế tài chính còn lại hoạt động đẩy mạnh việc lôi cuốn các tổ chức tài chính nước ngoài, để phát triển ngân hàng thương mại theo hướng ngân hàng hiện đại, chú trọng đổi mới công nghệ và đa dạng hoá sản phẩm đáp ứng yêu cầu dịch chuyển vốn trên thị trường.  

So với các nước trong khối ASEAN thì Singapore có thị trường tài chính phát triển nhất, năm 1975 ở Singapore lãi suất tiền vay và tiền gửi trong nước đã được tự do hóa. Năm 1978, việc kiểm soát hối đoái cũng đã được nới lỏng, đem lại việc tự do hóa tài chính đầy đủ…. nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng Singapore huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong và ngoài nước để phân phối và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tiền tệ đã huy động được, đáp ứng nhu cầu vốn cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. 

2. Hệ thống ngân hàng Thái Lan  

° Điều kiện kinh tế xã hội : 

Vương quốc Thái Lan là một quốc gia nằm ở trung tâm Đông – Nam A với diện tích hơn 517.000 km2, dân số trên 60 triệu người với môi trường tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Thái Lan là một quốc gia đa sắc tộc, trong đó người Thái chiếm 85%, điểm nổi bật trong lịch sử chính trị Thái Lan là vua Thái vẫn là trung tâm quyền lực trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Mặc dù từ năm 1932 đến nay Thái Lan đã trải qua 33 cuộc đảo chính, nhưng chế độ chính trị vẫn không thay đổi vẫn là Nhà nước theo chế độ dân chủ nghị viện với sự định hướng phát triển chủ nghĩa tư bản. 

° Quá trình công nghiệp hoá của Thái Lan : 

Quá trình công nghiệp hoá của Thái Lan diễn ra trong môi trường quốc tế khá thuận lợi, Thái Lan được hưởng các nguồn lợi gián tiếp từ cuộc chiến tranh Đông Dương thông qua việc Mỹ sử dụng Thái Lan như là căn cứ quân sự, với những khoản viện trợ không hoàn lại.  

 Vào thập niên 60, Thái Lan bắt đầu chính sách công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài làm thay đổi cơ cấu kinh tế, sản xuất nông nghiệp năm 1960 chiếm tỷ trọng từ 60% GDP đến nay đã giảm xuống còn 30% GDP trong khi đó một số ngành công nghiệp mới đã xuất hiện có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế như dệt, may, thuộc da, lắp ráp máy móc đã đưa nền kinh tế Thái Lan thoát khỏi trì trệ vào đầu thập niên 80. 

 Chính phủ Thái Lan lấy xuất khẩu và dịch vụ làm đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở khai thác tiềm năng phát triển nông nghiệp đưa Thái Lan là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu trên thế giới mang lại nguồn thu ngoại tệ, góp phần làm tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia từ 16,5 tỷ USD năm 1985 lên đến 46,5 tỷ USD vào năm 1995. Nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng khá cao theo nhịp độ kinh tế các nước công nghiệp, giai đoạn 1986 –1990 tốc độ tăng trưởng bình quân là 10,4% đã in đậm dấu ấn của đầu tư trực tiếp nước ngoài, năm 1990, vốn đầu tư nước ngoài chiếm 8% GDP đến năm 1996 vốn đầu tư nước ngoài chiếm 14% GDP, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thái Lan lên đến 49 tỷ USD. Những năm tiếp theo của thập niên 90 cho đến nay tốc độ tăng trưởng bình quân của Thái lan từ 7%- 9%, vốn đầu tư nước ngoài đến năm 1996 đã lên đến 94,3 tỷ USD chiếm 55% GDP, tăng gấp hai lần dự trữ ngoại tệ quốc gia và cũng trong giai đoạn này Thái Lan đã bắt đầu thực hiện chính sách đầu tư ra nước ngoài.  

Tuy nhiên, sự gia tăng khoản nợ nước ngoài quá cao cùng với cơ cấu đầu tư thiếu cân đối và để duy trì tốc độ tăng trưởng 8,4 %/năm từ thập niên 90 nền kinh tế Thái Lan chuyển mạnh sang công nghiệp chế biến, điện tử, chất bán dẫn… nhưng giai đoạn 1993-1996 diễn ra sự cạnh tranh gay gắt các loại hàng hóa này, Thái Lan đã không kiểm soát được cán cân vãng lai dẫn đến mức mức thâm hụt là 7,4% / năm và do Thái Lan đã áp dụng tỷ giá cố định USD ở mức 25 bạt trong suốt 13 năm đã dẫn bùng nổ khủng hoảng tài chính năm 1997. 

°Hệ thống ngân hàng Thái Lan trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa : 

 Hệ thống ngân hàng Thái Lan bao gồm Ngân hàng trung ương Thái Lan (Bank of Thailand –BOT), ngân hàng thương mại, ngân hàng chuyên doanh nhà nước, các công ty tài chính… Ngân hàng Thái Lan được thành lập từ năm 1942 được coi như là ngân hàng trung tâm của cả nước; giữ vai trò ngân hàng của các ngân hàng và chịu ảnh hưởng rất lớn của các chi nhánh ngân hàng phương Tây.  

Luật ngân hàng Thái Lan cũng đã được thông qua năm 1962 và được bổ sung sửa đổi vào năm 1979,1985, và 1992. Hệ thống ngân hàng ở Thái Lan phát triển mạnh theo xu hướng xây dựng mô hình tập đoàn ngân hàng, nhiều ngân hàng trong nước đã mở được các chi nhánh ở nước ngoài hoặc liên doanh với các ngân hàng ở nước ngoài. Đến năm 1997, Thái Lan có 63 ngân hàng trong số đó có 10 ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước. Hoạt động của các ngân hàng thương mại đã đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế Thái Lan và đảm đương về vốn cho nhu cầu phát triển công nghiệp hóa –hiện đại hóa. Bằng cách hạ lãi suất để mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp để đảm bảo nhu cầu vốn cho nông dân đặc biệt là vùng sâu vùng xa, Ngân hàng trung ương Thái Lan có quyền kiểm soát chặt chẽ các ngân hàng thương mại trong lĩnh vực cho vay nông nghiệp, bên cạnh đó Nhà nước thành lập Uỷ ban kiểm soát giá cả, tạo điều kiện kiểm soát giá nông sản và khi cần Nhà nước kịp thời tham gia để bình ổn giá thị trường. 

Năm 1985, Thái Lan bắt đầu mở cửa cho phép đầu tư trực tiếp nước ngoài ồ ạt , các ngân hàng Thái Lan được phép trực tiếp vay ngoại tệ đáp ứng nhu cầu đầu tư để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và đặc biệt Thái Lan xây dựng các tổ hợp công nghiệp với quy mô lớn. Bên cạnh đó, ngân hàng Thái lan còn tận dụng những nguồn vốn tư bản ngắn hạn nước ngoài để bổ sung khoản trống giữa tiết kiệm có giới hạn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài, dư nợ vay nước ngoài không ngừng tăng lên đến 1996 chiếm 55% GDP, riêng Ngân hàng quốc tế Thái Lan đã thu hút đến 50 tỷ USD . Nằm trong xu thế toàn cầu hóa, thị trường chứng khoán Thái Lan phát triển mạnh sôi động, đến năm 1995, trên 50% giao dịch thị trường chứng khoán do người nước ngoài thực hiện. Thời kỳ này các ngân hàng Thái Lan phát triển mạnh mẽ nghiệp vụ đầu tư vào thị trường tài chính do tỷ lệ vay vốn nước ngoài gia tăng, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn của ngân hàng đạt đến 25%, đến năm 1996, tài sản của hệ thống ngân hàng và tổng giá trị của thị trường chứng khoán đạt đến 15% GDP, cho thấy cả hai hệ thống trên đóng vai trò ngang nhau trong việc cung cấp vốn cho nền kinh tế.  

 Sau khủng hoảng tài chính năm 1997, Thái Lan phải cho đóng cửa 58 chi nhánh ngân hàng và công ty tài chính, tỷ lệ nợ xấu lên đến 15% . Chính phủ Thái Lan đang cố gắng phân tán rủi ro bằng việc quy định về cho vay như hạn mức cho vay đối với một khách hàng không quá 25% vốn tự có, các khoản nợ ngoài bảng tổng kết tài sản hạn chế dưới 50% tổng số vốn, các ngân hàng không được đầu tư quá 20% tổng số vốn vào cổ phiếu, giấy chứng nhận nợ của một công ty, tỷ lệ dự trữ thanh khoản theo quy định là 7% trong đó 2% tiền gởi tại Ngân hàng trung ương, tối đa không quá 2,5% tiền mặt, còn lại dưới dạng chứng khoán, bên cạnh đó ngân hàng phải thực hiện lập 100% dự phòng đối với những tài sản có xếp loại đáng nghi ngờ và buộc các ngân hàng bị đóng cửa phải tăng vốn điều lệ lên 15% tổng vốn thì mới có thể tiếp tục hoạt động. Với những kiên quyết trong cải cách ngân hàng vừa qua đã giúp Thái Lan phục hồi sau khủng hoảng .  

3.Hệ thống ngân hàng Hàn Quốc : 

° Điều kiện kinh tế xã hội : 

Hàn Quốc có diện tích là 99. 300 km2,với dân số 47,6 triệu người, nằm ở Đông Bắc Á thuộc phía nam bán đảo Nam Triều Tiên. Đây là quốc gia điển hình của xã hội truyền thống châu A, tin tưởng vào đạo Khổng, đạo Lão và đạo Phật, với ý chí dân tộc đoàn kết thống nhất, con người là chìa khoá thành công khi xây dựng kinh tế đất nước. Kể từ năm 1950 đến nay, kinh tế Hàn Quốc đã trải qua những giai đoạn thăng trầm, từ một quốc gia lạc hậu, 70% là núi đồi, tài nguyên nghèo nàn, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, đã vươn lên thành một nước có nền công nghiệp hiện đại. Bắt đầu thập niên 60, Hàn Quốc mạnh dạn bước vào cuộc cải cách kinh tế lấy Nhật bản là mô hình kiểu mẫu. “Sự tích sông Hàn”, “ con rồng châu A” là những danh từ nhằm phản ánh những thành tựu kinh tế kỳ diệu mà Hàn Quốc đã đạt được trong suốt nửa thế kỷ qua. Đến năm 1996, Hàn Quốc được xếp hạng thứ 24 trên thế giới, đứng thứ 11 về giao dịch thương mại thế giới, thu nhập bình quân đầu người là 11.000 USD/năm và đã gia nhập Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) . 

° Quá trình công nghiệp hóa –hiện đại hóa : 

 Từ năm 1962 đến nay, quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc được thực hiện theo kiểu rút ngắn mà nước Nhật đã từng làm, đi tắt đón đầu tận dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật thế giới với từng kế hoạch 5 năm cho những mục tiêu cụ thể. Hàn Quốc thực hiện chính sách mở cửa kinh tế, thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài đến năm 1994 là 154 tỷ USD. Nhìn chung quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc trải qua các thời kỳ sau đây: 

– Giai đoạn từ năm 1962 đến năm 1972: Hàn Quốc xây dựng cơ cấu công nghiệp theo hướng tự chủ, phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp bằng chính sách đầu tư thu hút nước ngoài, hiện đại hóa cơ cấu công nghiệp hướng đến xuất khẩu thay thế nhập khẩu, sử dụng nhiều lao động cho những ngành có lợi thế cạnh tranh so với nước ngoài như sợi nhân tạo, hóa dầu, thiết bị điện và các ngành công nghiệp nhẹ (vải, gỗ, cao su …) Sau mười năm (1962-1971) cải cách kinh tế, thực hiện công nghiệp hoá đất nước, Hàn Quốc đã từ tốc độ tăng trưởng 2,5% vào năm 1962 tăng lên đến 8,7% ở năm 1971, thu nhập đầu người tăng gấp 3 lần từ 87 USD vào năm 1962 lên đến 289 USD năm 1971. 

 – Giai đoạn từ năm 1972-1979 : giai đoạn này, Hàn Quốc ưu tiên phát triển công nghiệp nặng và hoá chất trên cơ sở tận dụng vốn và công nghệ từ nước ngoài, thiết lập cơ cấu kinh tế tăng trưởng tự túc theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu. Chính phủ Hàn Quốc đã mạnh dạn hỗ trợ nhằm đạt chỉ tiêu xuất khẩu 50% cho công nghiệp nặng, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,7 % năm, thu nhập bình quân đầu người là 1.647 USD. Đến năm 1980, Hàn Quốc là một nước công nghiệp mới dẫn đầu châu Á. 

 – Giai đoạn từ năm 1980 –1989 : đây là giai đoạn Hàn Quốc điều chỉnh cơ cấu và tự do hóa nền kinh tế trên cơ sở ổn định kinh tế, tự do hoá và mở cửa nền kinh tế, từng bước tư nhân hóa ngành công nghiệp mở rộng thị trường thúc đẩy cạnh tranh. Trong giai đoạn này tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc tăng bình quân 7,9 % năm, giao dịch thương mại năm 1989 đứng hàng thứ 13, thu nhập bình quân đầu người là 5.210 USD . 

 + Giai đoạn từ năm 1990 đến nay : đây là giai đoạn Hàn Quốc thực hiện chính sách kinh tế mới và toàn cầu hóa. Hàn Quốc đã áp dụng chính sách cải cách hệ thống giáo dục để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, chống tham nhũng, đẩy mạnh tự do tài chính, thúc đẩy thị trường tài chính phát triển, chú trọng đầu tư vốn ra nước ngoài. Đến năm 1997 kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc là 37,4% GDP, năm 2000 lên đến 44,8% . 

Cơ cấu kinh tế Hàn Quốc nghiêng hẳn về phát triển công nghiệp, cung cấp dịch vụ vì đây là nước không có lợi thế phát triển nông nghiệp thể hiện qua bảng sau :  

Bảng 1: Cơ cấu tổng sản phẩm xã hội theo ngành kinh tế và tỷ trọng xuất nhập khẩu của Hàn Quốc năm 1997-2001 

 Đơn vị : % 

Năm 1997 2000 2001 
Cơ cấu ngành:    
– Nông nghiệp 5,4 4,7 4,4 
– Công nghiệp 43,1 42,4 41,4 
– Dịch vụ 51, 5 52,9 54,2 
Tỷ lệXNK/ GDP    
– Xuất khẩu 34,7 44,8 42,9 
-Nhập khẩu 35,7 41,7 40,6 

Nguồn : World Development Indicators Database, April 2003 

 Tuy nhiên khác với các nước như Singapore, Đài Loan ưa chuộng mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít, thời gian hoàn vốn nhanh thì xu hướng của Hàn Quốc phát triển thành những tập đoàn Chaebol được thành lập từ những năm 60, với sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc vào những ngành công nghiệp then chốt hướng vào xuất khẩu. Đến đầu thập niên 90, Hàn Quốc có 30 Chaebol lớn tạo giá trị sản phẩm chiếm 90% GDP, trong đó 4 Chaebol lớn nhất như Samsung, Huyndai, LG, Daewo chiếm 84% GDP và 60% giá trị xuất khẩu, mỗi Chaebol sản xuất trên 3.000 mặt hàng, 4 Chaebol này luôn có mặt trong danh sách 50 công ty lớn nhất trên thế giới. Những anh chàng khổng lồ này nhanh chóng vươn ra thị trường thế giới có mặt tại 45 quốc gia, đẩy mạnh đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Ví dụ như tập đoàn Huyndai năm 1995 đã có tổng tài sản trên 51 tỷ USD, doanh số 75 tỷ USD với 1.000 chi nhánh ở nước ngoài. Có thể nói các Chaebol là bộ xương chính của nền kinh tế, tạo nên bộ mặt của Hàn Quốc trước thế giới.  

 ° Quá trình phát triển hệ thống ngân hàng Hàn Quốc: 

 Để có thể đẩy mạnh phát triển nền kinh tế công nghiệp hóa, hệ thống tài chính ngân hàng Hàn Quốc cho đến nay bao gồm Ngân hàng trung ương, các ngân hàng thương mại, các ngân hàng chuyên doanh và năm 1950, Luật ngân hàng Hàn Quốc đã có hiệu lực. Năm 1967, để khuyến khích xuất khẩu và khuyến khích ngân hàng nước ngoài đầu tư vào Hàn Quốc, chính phủ đã cho phép thành lập ngân hàng ngoại hối và ngân hàng xuất nhập khẩu. Bước qua thập niên 70, hàng loạt các ngân hàng thương mại ra đời góp phần đa dạng hóa nghiệp vụ kinh doanh, huy động, cho vay, đầu tư chứng khoán, dịch vụ ngân hàng… Đến năm 1995, Hàn Quốc đã có 25 ngân hàng thương mại với 209 chi nhánh ngân hàng ở nước ngoài, 7 ngân hàng lớn của Hàn Quốc được xếp vào trong danh sách 200 ngân hàng đứng đầu thế giới. 

 Ngay từ khi mới ra đời cho đến nay, hệ thống ngân hàng Hàn Quốc vẫn đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ, nhằm đạt được các mục tiêu đề ra của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, ngân hàng trở thành kênh cung ứng vốn quan trọng cho nền kinh tế, năm 1960, tín dụng ngân hàng cung ứng vốn cho nền kinh tế là 30% đến thập niên 90 con số này tăng lên đến 60%. 

 Để khuyến khích xuất khẩu Chính phủ Hàn Quốc tập trung cấp tín dụng với lãi suất thấp cho các ngành công nghiệp ưu tiên, thực hiện chuyển dịch cơ cấu, đến năm 1970, dư nợ cho vay ngành công nghiệp chế tạo chiếm 46,1% dư nợ ngân hàng (trong đó ngành công nghiệp hóa chất và chế tạo chiếm 22,6%) .  

 Tuy nhiên, sự tài trợ quá mức của ngân hàng dành cho các tập đoàn, đã đẩy hệ thống ngân hàng Hàn Quốc phải đối đầu với khó khăn nợ nước ngoài, đứng bên bờ vực thẳm. Năm 1997, tỷ lệ bình quân nợ trên vốn của các Chaebol là 519%. Mặc dù Hàn Quốc đã tự do hóa hệ thống tài chính của mình nhưng lại phát triển theo một cấu trúc tài chính dễ đổ vỡ, các trung gian tài chính, các ngân hàng mới được thành lập và chi nhánh tín thác của ngân hàng được điều tiết một cách quá lỏng lẻo, các khoản nợ ngắn hạn bằng ngoại tệ gia tăng nhanh. Trong khi đó, các chaebol lại tăng cường vay nợ ngắn hạn thị trường tài chính trong và ngoài nước thông qua sự hỗ trợ gián tiếp của ngân hàng để đầu tư mở rộng quá mức năng lực sản xuất. 

 Cuối cùng, chính các khoản nợ ngắn hạn không được đảo nợ khi các chủ nợ nước ngoài cảm nhận sâu sắc sự bất an do các công ty con nợ Hàn Quốc, nợ nần chồng chất đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng. Chính tình trạng thua lỗ đến mức phá sản của các công ty Hàn Quốc là con nợ của ngân hàng đã trực tiếp chất đầy thêm gánh nặng nợ khó đòi của ngân hàng Hàn Quốc. Các tập đoàn “Chaebol” khổng lồ của quốc gia này mà thực chất là tập đoàn gia đình kinh doanh đa lĩnh vực từ kim khí điện máy, vi mạch điện tử, ô tô, tàu thủy với những dự án khổng lồ đầy mạo hiểm đứng trước nguy cơ phá sản.  

 Chỉ riêng tập đoàn thép Hanbo với khoản nợ của 61 ngân hàng và các định chế tài chính khác tương đương 5,9 tỷ USD lớn gấp 10 lần vốn tự có của tập đoàn. Ngày 23.1.1997, tập đoàn Hanbo tuyên bố phá sản, mở màn cho sự sụp đổ hàng loạt của các Chaebol, đến tháng 2.1998 đã có 8 Chaebol phá sản để lại các khoản nợ khổng lồ lên đến hàng chục tỷ USD, nợ khó đòi Hàn Quốc lên đến 20%, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải tài trợ cho Hàn Quốc đến 59 tỷ USD để cải cách lại nền kinh tế, đồng thời buộc Chính phủ Hàn Quốc phải đóng cửa các ngân hàng yếu kém và công bố danh sách những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao. 

Tuy nhiên sau khủng hoảng tài chính Đông Nam A, Hàn Quốc đã tích cực cải tổ lại hệ thống ngân hàng, cơ cấu lại các công ty các tập đoàn lớn. Nếu như năm 1998 Hàn Quốc được xếp ở vị trí cuối bảng về phát triển kinh tế của các nước thành viên trong tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), thì năm 2000 với tốc độ tăng trưởng là 9,5 % Hàn Quốc đã vươn lên đạt tốc độ tăng trưởng ở vị trí cao nhất. 

4. Bài học kinh nghiệm  

 Qua kinh nghiệm một số nước trong khu vực, định hướng phát triển công nghiệp hóa ở Việt Nam gần giống với các nước ASEAN, diễn ra trong môi trường quốc tế thuận lợi, nền kinh tế thế giới đang trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế . Với sự chỉ đạo toàn diện của Đảng và Nhà nước , Việt Nam đã cố gắng tận dụng triệt để lợi thế kinh tế vốn có, lấy nông nghiệp là xuất phát điểm, phát triển các ngành công nghiệp chế biến, may mặc… hướng đến xuất khẩu, phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động đến các ngành công nghiệp sử dụng chất xám, trình độ công nghệ kỹ thuật cao, chiến lược xuất khẩu thay thế dần nhập khẩu, việc sử dụng vốn và công nghệ nước ngoài là yếu tố then chốt chốt thực hiện công nghiệp hóa, nhưng nếu sử dụng vốn đầu tư nước ngoài không hiệu quả, cơ cấu đầu tư bất ổn và không hợp lý sẽ là nguyên nhân tiềm tàng dẫn đến khủng hoảng tài chính .  

Từ chính sách kinh tế và sự phát triển của hệ thống ngân hàng của các nước châu Á trong tiến trình công nghiệp hóa cần rút ra những bài học kinh nghiệm sau :

– Thứ nhất : Hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối vốn, trước hết để thực hiện thành công công nghiệp hoá- hiện đại hóa, Chính phủ nên sớm có một khung pháp lý lành mạnh cho hệ thống tài chính, một khuôn khổ pháp lý và cơ chế giám sát hữu hiệu hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng nội địa như Singapore. Đồng thời, việc sử dụng chính sách kinh tế vĩ mô cũng như những hạn chế mục tiêu thời kỳ đầu là cần thiết để kìm chế sự bùng nổ cho vay, cho vay quá nhiều mà ngân hàng khó kiểm soát được chất lượng tín dụng, hoặc đẩy mạnh tín dụng phát triển kinh tế theo “kiểu bong bóng” là nguy cơ tổn thương của hệ thống ngân hàng.

-Thứ hai : Xây dựng hệ thống ngân hàng có tiềm lực vững mạnh, nhanh chóng đa dạng các hình thức huy động vốn, cùng với đẩy mạnh phát triển thị trường tài chính nhằm khai thông vốn trong nước, đồng thời thu hút tư bản nước ngoài để đáp ứng vốn và kỹ thuật cho quá trình công nghiệp hóa. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có biện pháp mở cửa đồng bộ cắt giảm thuế quan, chính sách ưu đãi tín dụng… để nâng cao chất lượng tín dụng.

-Thứ ba: Khi định chế tài chính trong nước còn yếu kém, nhất là khi hệ thống ngân hàng chưa đủ khả năng phân phối tín dụng một cách hữu hiệu, việc tự do hóa thị trường vốn ngắn hạn là rất nguy hiểm. Dòng vốn tư bản ngắn hạn ồ ạt gây hiện tượng “thừa vốn”, dẫn đến tình trạng lãng phí, hâm nóng thị trường bất động sản, và sự đảo ngược dòng vốn này gây ra bất ổn trong thị trường tài chính.

-Thứ tư: Cần có sự can thiệp kịp thời của Chính phủ đối với hệ thống ngân hàng, mở rộng tín dụng và thực hiện chính sách ưu đãi lãi suất đối với những mặt hàng, ngành công nghiệp ưu tiên hướng đến xuất khẩu, nhằm tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Vấn đề hỗ trợ lãi suất cho tín dụng cần phải có chương trình hành động bước đi thích hợp với những chỉ tiêu cụ thể, với kinh nghiệm của các nước cần phải có chế độ kiểm soát chặt chẽ các khoản tín dụng để tránh nguy cơ thất thoát vốn. Tuy nhiên nếu sự can thiệp quá mức mang tính áp đặt của Chính phủ vào hoạt động ngân hàng sẽ trở nên bị gò bó, thiếu tính linh động, gây khó khăn cho ngân hàng trong tiến trình hội nhập quốc tế.

– Thứ năm: Theo kinh nghiệm của một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc … nên thành lập ngân hàng xuất nhập khẩu tài trợ những ngành nghề then chốt trọng điểm hướng đến xuất khẩu và đổi mới công nghệ.
Nghiên cứu về thực tiễn chính sách phát triển kinh tế và ngân hàng tại các nước châu Á đã chứng minh công nghiệp hóa là con đường tất yếu khách quan để các nước thoát khỏi đói nghèo lạc hậu. Tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng hàng đầu giải quyết nhu cầu vốn cho sự nghiệp công nghiệp hóa. Từ đặc điểm kinh tế xã hội Việt Nam cùng với việc phát huy những kinh nghiệm quý báu là những bài học cần thiết để phát triển hệ thống ngân hàng, khai thác, huy động và sử dụng vốn có hiệu quả trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa Việt Nam.

(Theo TCKTPT)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *