Những điều cần chú ý khi kiểm toán BCTC trong điều kiện kinh tế khủng hoảng

Những điều cần chú ý khi kiểm toán BCTC trong điều kiện kinh tế khủng hoảng
TCKT cập nhật: 02/02/2010
Mặc dù nền kinh tế thế giới và trong nước đã có những dấu hiệu phục hồi
bước đầu nhưng tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn
chưa thực sự có những chuyển biến rõ rệt.

Mặc dù nền kinh tế thế giới và
trong nước đã có những dấu hiệu phục hồi bước đầu nhưng tình hình kinh doanh
của nhiều doanh nghiệp Việt nam vẫn chưa thực sự có những chuyển biến rõ rệt.
Những bất lợi của điều kiện kinh tế, những rủi ro từ thay đổi trong quy mô và
hoạt động của các doanh nghiệp, những biến động lên xuống của thị trường đang
đặt ra rất nhiều thách thức cho vấn đề tác nghiệp của các kiểm toán viên khi
ngày kết thúc năm tài chính 2009, ngày 31/12 đang đến rất gần.

Tháng 4/2009 vừa qua, Hội đồng
chuẩn mực kế toán Úc đã ban hành thông cáo “Những vấn đề kiểm toán viên cần quan tâm trong điều kiện kinh tế khủng
hoảng”. Trong
đó đưa ra những rủi ro nổi trội mà kiểm toán viên sẽ phải chú ý hơn khi kiểm
toán báo cáo tài chính năm 2009, từ khâu xem xét chấp nhận khách hàng, đến lập
kế hoạch kiểm toán và kết thúc kiểm toán nhằm trợ giúp các kiểm toán viên trong
điều kiện kinh tế khủng hoảng. Những vấn đề mà Hội đồng chuẩn mực kế toán Úc
đưa ra không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi quốc gia mà nó cũng là những vấn đề
mà nhiều nước khác cũng đang đối mặt, trong đó có Việt nam. Do đó, cần thiết
phải nghiên cứu và phân tích những rủi ro để nhận diện đúng rủi ro và đưa ra
những hướng giải quyết phù hợp cho kiểm toán cuối năm 2009. Những rủi ro có thể
kể đến là:

1.Xem xét chấp nhận khách hàng 

Rủi ro đầu tiên mà thông cáo đặt
ra là rủi ro từ sự biến động về quy mô và hoạt động của doanh nghiệp. Năm 2009
là năm mà nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh hoặc cơ
cấu lại tổ chức nhằm giảm thiểu lao động dư thừa. Nhiều công ty sát nhập hoặc
nhượng bán lại một phần doanh nghiệp trong khi nhiều công ty có khả năng mất
tính thanh khoản do hàng không bán được, nhưng chi phí vẫn luôn phát sinh. Do
đó, trong quá trình xem xét chấp nhận khách hàng, kiểm toán viên cần phải tìm
hiểu về tình hình kinh doanh, mô hình hoạt động và tính chính trực của bộ máy
quản lý của đơn vị. Đây là việc mà kiểm toán viên ngay trong điều kiện bình
thường cũng phải làm cẩn thận. Tuy nhiên trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng như
hiện nay thì kiểm toán viên cần phải đánh giá kỹ hơn những áp lực, thách thức
mà doanh nghiệp đang gặp phải có khả năng ảnh hưởng đến tính chính trực của ban
lãnh đạo khả năng xảy ra gian lận và liệu rủi ro kiểm tóan có thể được giảm
thiểu đến mức chấp nhận được. Từ đó kiểm toán viên cân nhắc có nên chấp nhận
kiểm toán hay không, kể cả đối với những khách hàng đã ký hợp đồng kiểm toán
nhiều năm.

2.Tính hoạt động liên tục và rủi ro thanh khoản

Ở Việt Nam, một số
doanh nghiệp vẫn còn dư nợ từ năm trước với lãi suất cao trên dưới 20% trong
khi nhu cầu thị trường vẫn chưa phục hồi. Do đó khi tìm hiểu đơn vị được kiểm
toán, kiểm toán viên cần phải xem xét đến công tác quản trị rủi ro thanh
khoản của công ty, xem xét dự đoán luồng tiền ra -tiền vào, khả năng thanh
toán của công ty với các khoản nợ đến hạn trong vòng 12 tháng kể từ ngày kết
thúc niên độ  kế toán cũng như xem lại
các kịch bản tình huống mà lãnh đạo doanh nghiệp đặt ra để thử độ giãn (stress
test) của tính thanh khoản của công ty có hợp lý không. Đối với các doanh
nghiệp trong năm 2009 được hưởng lợi từ hỗ trợ lãi suất và giảm, giãn thuế thì
việc đưa những điều kiện thuận lợi như vậy làm đầu vào cho việc dự đoán tính
thanh khoản cho các năm sau liệu có hợp lý? Động thái tăng lãi suất cơ bản của
NHNN lên 8% từ ngày 01/12/2009 dẫn đến
việc cho vay doanh nghiệp của các NHTM cũng sẽ tăng. Liệu điều đó đã được phản
ánh trong kế hoạch hoạt động của DN? Tại Việt Nam, tín dụng tăng trưởng đã quá
nóng, tính đến tháng 11/2009 đã là 33,29%,
dẫn đến nhiều tổ chức tín dụng đang thắt chặt cho vay và đẩy lùi thời hạn giải
ngân, do đó kiểm toán viên cần phải xem xét xem liệu việc này có ảnh hưởng đến
kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp do thiếu hay chậm vốn hay không.

Ngoài ra
đối với các doanh nghiệp cho phép khách hàng trả chậm thì kiểm toán viên cần
phải xem xét đến rủi ro tín dụng mà doanh nghiệp có khả năng gặp phải từ những
khoản phải thu thương mại này vì nó sẽ ảnh hưởng đến luồn tiền vào từ hoạt động
bán hàng/dịch vụ. Đánh giá được rủi ro thanh khoản của doanh nghiệp là một việc
làm rất quan trọng trong việc xác định xem doanh nghiệp có khả năng hoạt
động liên tục
hay không. Do đó, trong điều kiện khủng hoảng tài chính, kiểm
toán viên cần phải đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu như ngân hàng yêu cầu đối
tượng được kiểm toán phải bổ sung tài sản bảo đảm, tổ chức tín dụng  đã từng có quan hệ lâu dài nay đột nhiên chấm
dứt quan hệ tín dụng, doanh nghiệp bị phạt do vi phạm các điều khoản của hợp
đồng cho vay, khách hàng hoặc nhà cung cấp quan trọng chấm dứt quan hệ kinh
doanh, hợp tác; thanh lý nhiều máy móc, nhà xưởng đang dùng trong hoạt động sản
xuất… Khi có những dấu hiệu này, kiểm toán viên cần phải tìm hiểu rõ bằng cách
trao đổi với khách hàng và độc lập kiểm tra với bên thứ ba (ngân hàng, tổ chức
tín dụng, khách hàng/nhà cung cấp của doanh nghiệp…) để có thể đưa ra được nhận
định khách quan nhất về tính hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán. 

3. Lập kế hoạch kiểm toán 

3.1. Hệ thống Kiểm soát nội bộ

Khi đã chấp nhận kiểm toán BCTC
của một doanh nghiệp (DN) thì phần lập kế hoạch kiểm toán cần chú trọng vào tìm
hiểu về khách hàng, đặc biệt là tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ
(KSNB). Việc cơ cấu lại hay giảm thiểu lao động nhằm cắt giảm chi phí cũng có thể dẫn
đến việc đánh đổi chốt kiểm soát ở một số khâu sẽ bị nới lỏng, thậm chí mất hẳn
chốt kiểm soát. Ví dụ trước đây, hồ sơ xin cấp tín dụng mua hàng của khách hàng
sẽ được các chi nhánh nhận và sau đó sẽ scan và truyền qua mạng nội bộ về hội
sở. Bộ hồ sơ gốc sẽ được chuyển phát qua đường thư tín bảo đảm và sẽ có nhân
viên chịu trách nhiệm so sánh, kiểm tra bản scan với hồ sơ gốc. Tuy nhiên do
công ty cắt giảm nhân sự mà việc kiểm tra so sánh đã bị xao nhãng, dẫn đến rủi
ro bản scan và bản gốc có thể không trùng khớp nhau. Do đó, kiểm toán viên cần
phải đánh giá lại tính hiệu quả của các chốt kiểm soát đã bị nới lỏng và tăng
cường kiểm tra cơ bản đối với những khâu mất hẳn chốt kiểm soát.

3.2. Mức độ trọng yếu

Sau khi đã
tìm hiểu về hoạt động của đơn vị được kiểm toán, hệ thống kế toán, hệ thống
KSNB và đánh giá rủi ro thì kiểm toán viên phải xác định được mức độ trọng yếu cho BCTC của đơn vị được kiểm toán. Trong tình hình hiện nay, cần phải xem xét
đến sự thay đổi trong kỳ vọng của những người sử dụng thông tin tài chính của
doanh nghiệp như nhà đầu tư, chủ nợ… Do sức ép từ thị trường tài chính, chứng
khoán, từ sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường nên việc cho rằng những nhà
lãnh đạo doanh nghiệp có động lực để “phù phép” báo cáo tài chính là có cơ sở.
Cũng chính vì tâm lý này mà mức độ trọng yếu trong thời điểm này sẽ thấp hơn
tại những thời điểm kinh tế bình thường khác do rủi ro kiểm toán cao hơn. Thêm
vào đó, có những doanh nghiệp các năm trước đều lãi lớn nhưng năm nay lại lỗ
hoặc lãi không đáng kể, do vậy cần phải xem xét lại cách định lượng mức độ
trọng yếu cho BCTC. 

3.3. Chương trình kiểm toán

Khi lập chương
trình kiểm toán cho các phần hành, kiểm toán viên cần phải tăng cường các thủ
tục kiểm tra chi tiết đối với những khoản mục được xác định là trọng yếu và
liên quan nhiều đến sự đánh giá chủ quan của người lập BCTC. Một số khoản mục
cần được chú ý do chịu rủi ro thị trường giá như nợ phải trả bằng ngoại tệ, dự
phòng giảm giá chứng khoán đầu tư, lỗ lãi từ việc chuyển nhượng thoái vốn như
trường hợp của Vinashin, SCIC và Bảo Việt. Đối với các khoản phải thu thương
mại, cần xem xét đến khả năng thu hồi nợ của doanh nghiệp và tính hợp lý của dự
phòng nợ xấu và dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Một số doanh nghiệp xuất nhập
khẩu tham gia vào thị trường công cụ phái sinh thì cần phải xem xét đến giá trị
hợp lý của các công cụ này tại ngày kết thúc năm tài chính. Đối với các tổ chức
kinh tế không phải là tổ chức tài chính thì xác định giá trị hợp lý cho các
công cụ tài chính này sẽ do bên đối tác, thường là ngân hàng, cung cấp. Còn đối
với các tổ chức tài chính thì kiểm toán viên cần xem xét lại giá trị đầu vào
cho mô hình định giá giá trị hợp lý của các công cụ này, đặc biệt trong sự biến
động tỷ giá như hiện nay.

Lý thuyết
“Positive accounting” nên được vận dụng để phân tích các khoản mục có rủi ro
sai sót cao, đặc biệt là hiện tượng “tát nước theo mưa”. Đây là hiện tượng mà
kết quả năm nay không đạt được kế hoạch đặt ra do khủng hoảng tài chính, ban
lãnh đạo quyết định sẽ ghi nhận thêm các chi phí như tăng dự phòng rủi ro hàng
tồn kho, tăng dự phòng các khoản phải thu thương mại, tăng dự phòng bảo hành…
Điều này dẫn đến các năm sau khi hoàn nhập sẽ tăng lợi nhuận của DN. Kiểm toán
viên do đó cần đặc biệt chú ý đến những khoản mục mà có sự đánh giá chủ quan
của người lập BCTC.

3.4. Nhân lực và vật lực

Nhân lực
và vật lực của một cuộc kiểm toán trong điều kiện kinh tế biến động cũng khác
với trong điều kiện bình thường. Khi các công ty đang gặp khó khăn để kinh
doanh thì phí trả cho kiểm toán viên sẽ không tăng, thậm chí giảm đi so với năm
trước. Trong khi đó do rủi ro kiểm toán tăng cao nên chất lượng kiểm toán viên
cũng như thời gian của cuộc kiểm toán phải tăng lên. Rất nhiều kiểm toán viên ở
nước ta với tuổi đời còn trẻ, chưa từng kiểm toán trong điều kiện khủng hoảng
kinh tế, do đó cần phải sử dụng thêm các kiểm toán viên dày dặn kinh nghiệm và
tăng thời gian hướng dẫn, giám sát, kiểm tra chất lượng của một cuộc kiểm toán
lên so với điều kiện bình thường. Không chỉ vậy, với những phần hành phức tạp,
cần phải có kiến thức chuyên và sâu như định giá một công trình xây dựng quy mô
lớn thì cần phải có sự tham gia của các chuyên gia hoặc bên thứ ba có khả năng
tư vấn . Thủ tục kiểm toán cơ bản cũng sẽ tăng lên, độ tin cậy đạt được dựa vào
thủ tục kiểm soát giảm xuống, dẫn đến lượng thời gian của một cuộc kiểm toán
cũng tăng thêm. Do đó, các công ty kiểm toán nên có các khóa đào tạo cho các
kiểm toán viên về các rủi ro cơ bản mà các doanh nghiệp gặp phải trong khủng
hoảng kinh tế, cũng như cách tiếp cận kiểm toán trong thời kỳ kinh tế biến động
khác biệt ra sao so với kiểm toán trong điều kiện bình thường. Đặc biệt cần
phải nhấn mạnh với các kiểm toán viên là hơn bao giờ hết, thái độ hoài nghi
nghề nghiệp là rất quan trọng.

4. Trao đổi các vấn đề quan trọng phát sinh khi kiểm toán
với  ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán

Khi lập kế
hoạch kiểm toán và trong suốt quá trình kiểm toán, kiểm toán viên cần phải đánh
giá rủi ro về những gian lận và sai sót có thể có, làm ảnh hưởng trọng yếu đến
BCTC và phải trao đổi với ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán về mọi gian lận
hoặc sai sót quan trọng phát hiện được. Trong điều kiện bình thường thì đây là
việc mà kiểm toán viên phải làm theo yêu cầu của chuẩn mực số 260 của Việt Nam. Tuy
nhiên trong điều kiện khủng hoảng tài chính, thị trường có nhiều biến động thì
việc trao đổi thông tin này càng quan trọng hơn nữa và càng phải kịp thời hơn
nữa. Lý do là bởi trong điều kiện hoạt động kinh doanh không thuận lợi, ban
lãnh đạo chịu áp lực từ nhiều phía có thể không thể bao quát hết hoặc không
biết có sai phạm trong nội bộ doanh nghiệp. Ngoài ra do tâm lý của người lao
động bi quan về cắt lương và giảm thưởng, dẫn đến rủi ro đạo đức như thông đồng
với nhau để tham ô tài sản doanh nghiệp hay giảm năng suất lao động, bỏ bẵng
trách nhiệm của mình. Do đó kiểm toán viên có thể tăng thêm giá trị cho DN
thông qua giúp lãnh đạo DN nhận biết được những sai sót, yếu kém đó một cách
kịp thời, không chỉ qua thư quản lý khi kết thúc kiểm toán mà có thể trực tiếp
và liên tục trong quá trình kiểm toán.

5. Gian lận

Phát hiện
được gian lận luôn là một thách thức với các kiểm toán viên trong điều kiện
kinh tế bình thường và càng trở nên khó khăn hơn trong điều kiện kinh tế khủng
hoảng, khi mà nhân lực thì cắt giảm và các nhà quản lý thì chịu nhiều áp lực từ
thị trường và cổ đông. Một số vấn đề mà kiểm toán viên nên chú ý như tăng thẩm
quyền phán quyết và thẩm quyền can thiệp của quản lý viên và kiểm soát viên trên
hệ thống; thay đổi nhân sự ở các vị trí chủ chốt trong năm; cắt giảm nhân lực ở
các phòng có chức năng quản lý rủi ro như kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ;
hay chỉ tiêu đặt ra tại đại hội đồng cổ đông quá cao và không được sửa đổi cho
phù hợp với tình hình kinh tế trong năm. 

Một trong
những gian lận khó phát hiện là gian lận xuất phát từ chính ban lãnh đạo đơn vị
được kiểm toán. Kiểm toán viên cần phải thu thập thêm thông tin về tính chính
trực của ban lãnh đạo trong quá trình kiểm toán thông qua việc quan sát và đánh
giá văn hóa doanh nghiệp, văn hóa lãnh đạo, môi trường làm việc, cơ chế lương
thưởng và tuyển dụng của DN. Ngoài ra nên thu thập thông tin từ nhân viên cấp
dưới, phỏng vấn riêng rẽ từng người trong ban lãnh đạo DN và so sánh thông tin cung
cấp bởi họ xem có sự sai lệch, mâu thuẫn gì không.

Đối mặt
với rủi ro gian lận, kiểm toán viên cần phải giữ được thái độ hoài nghi nghề
nghiệp, cho dù đó là khách hàng lâu năm và trong quá khứ không có dấu hiệu gian
lận nào dù là nhỏ ở cấp quản lý. Thêm vào đó, cần tăng cường sự trao đổi thông
tin trong nội bộ nhóm kiểm toán, đặc biệt là trong quá trình kiểm toán, nếu
phát hiện ra các giao dịch khác thường thì kiểm toán viên cần phải tìm hiểu rõ
bản chất cũng như điều kiện phát sinh các giao dịch này.

Kiểm toán trong thời kỳ kinh tế
biến động đòi hỏi kiểm toán viên phải ngồi lại và nghiên cứu lại mô hình hoạt
động của khách hàng, phân tích xem những khó khăn và thách thức nào mà doanh
nghiệp được kiểm toán đang gặp phải. Từ đó xác định ra khả năng dẫn đến những
sai lệch trọng yếu của BCTC. Thái độ hoài nghi nghề nghiệp cần phải được đặt
lên hàng đầu, luôn đặt câu hỏi về những cơ hội gian lận và bản chất của giao
dịch cho từng bộ phận. Một việc không kém quan trọng nữa là việc “biết người,
biết ta”, kiểm toán viên phải nhận biết được khả năng của mình, để biết khi nào
cần đến sự tư vấn và trợ giúp của chuyên gia nội bộ hoặc chuyên gia thuê ngoài,
để có thể đưa ra ý kiến hợp lý nhất khi kiểm toán trong điều kiện khủng hoảng
tài chính như hiện nay./.

Theo Kiemtoan.com.vn