Một số giải pháp nhằm triển khai và nâng cao hiệu quả công khai kết quả kiểm toán của KTNN
Ths. Vũ Thanh Hải
Kiểm toán Nhà nước
Hội thảo ACCA ngày 25/9/2007
Trong quá trình đổi mới, hội nhập, khi Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế thì công khai, minh bạch tài chính ngân sách không chỉ là yêu cầu mà còn là đòi hỏi nội tại giúp Việt Nam xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững. Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tác động tích cực vào việc quản lý, sử dụng tài chính công và công khai kết quả kiểm toán là một phần tất yếu của quá trình công khai, minh bạch tài chính ngân sách. Bài viết này đưa ra một số giải pháp nhằm triển khai và nâng cao hiệu quả công khai kết quả kiểm toán của KTNN.
Công khai, minh bạch tài chính ngân sách được hiểu là các cơ quan nhà nước, đơn vị kinh doanh, các tổ chức quốc tế và công chúng đều được quyền tiếp cận các thông tin về chính sách tài chính ngân sách và tình hình thực hiện.
Công khai, minh bạch có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Cụ thể như sau:
- Đối với việc đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế: thực hiện minh bạch, công khai trong cơ chế chính sách để các thương nhân, mọi người có quyền và cơ hội tiếp cận thông tin như nhau, tạo ra điều kiện bình đẳng trong hoạt động kinh doanh.
- Đối với xã hội: công khai minh bạch sẽ giúp phân bổ nguồn lực một cách có hiệu quả. Khi công khai minh bạch, về nguyên tắc, tài sản và nguồn lực của xã hội sẽ được sử dụng một cách có hiệu quả nhất.
- Đối với nhà đầu tư và môi trường kinh doanh ở Việt Nam: công khai minh bạch có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu chi phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư dễ dàng trong việc tiếp cận thông tin, nhanh chóng thực hiện được các thủ tục hành chính, tiên liệu được các thay đổi về chính sách thì rõ ràng có động lực để đầu tư lớn và lâu dài.
- Đối với bộ máy nhà nước: công khai, minh bạch nhằm thực hiện quản lý, sử dụng ngân sách hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng. Công khai, minh bạch còn tạo ra được sức ép để bộ máy nhà nước vận hành tốt hơn.
Với chức năng, nhiệm vụ của KTNN, kết quả kiểm toán của KTNN là một trong những căn cứ để: Quốc hội sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN), quyết định phương án phân bổ ngân sách trung ương, quyết định các dự án, công trình quan trọng quốc gia được đầu tư từ nguồn NSNN; xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN và sử dụng trong hoạt động giám sát việc thực hiện NSNN, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nghị quyết của Quốc hội về ngân sách nhà nước, các dự án và công trình quan trọng quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, các dự án và công trình xây dựng cơ bản quan trọng khác; Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cơ quan khác của Nhà nước sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ của mình; Hội đồng Nhân dân sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán, phương án phân bổ và giám sát ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan điều tra sử dụng trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế, tài chính; Đơn vị được kiểm toán phải thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với các sai phạm trong báo cáo tài chính và các sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật; thực hiện các biện pháp khắc phục yếu kém trong hoạt động của đơn vị do KTNN phát hiện và kiến nghị.
Như vậy, với chức năng và vai trò của mình, hoạt động của KTNN đã tham gia tích cực vào quá trình công khai, minh bạch tài chính ngân sách nên kết quả kiểm toán của KTNN phải được công bố công khai đáp ứng yêu cầu thông tin của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư và công chúng.
Đồng thời, việc cung cấp rộng rãi thông tin đến các cơ quan có liên quan và công chúng, tạo ra áp lực buộc các đơn vị được kiểm toán phải thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN góp phần nâng cao hiệu lực của hoạt động kiểm toán. Ngoài ra, công khai kết quả kiểm toán cũng tạo ra áp lực buộc kiểm toán viên và cơ quan KTNN phải nâng cao chất lượng kiểm toán đáp ứng yêu cầu của Nhà nước và nhân dân.
Trong những năm qua, việc công khai kết quả kiểm toán đã từng bước được quan tâm và thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, các văn bản của KTNN như: tại Quyết định số 143/1999/QĐ-KTNN ngày 28/9/1999 của Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định về trình tự lập và xét duyệt báo cáo kiểm toán; Quyết định số 07/1999/QĐ-KTNN ngày 15/12/1999 của Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quy trình lập và xét duyệt báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán hàng năm; Nghị định số 93/2003/NĐ-CP ngày 13/8/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kiểm toán Nhà nước; Luật Ngân sách nhà nước năm 2002; Luật Kế toán năm 2003, đặc biệt Luật Kiểm toán nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006 đã quy định việc công khai kết quả kiểm toán tại Điều 58 “Báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi trình Quốc hội được công bố công khai theo quy định của pháp luật.” và Điều 59 “Báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán sau khi phát hành được công bố công khai cùng với báo cáo tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Kế toán.” và Quy chế công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Để công khai kết quả kiểm toán của KTNN đạt hiệu quả cao, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất: Ban hành các văn bản hướng dẫn công khai
KTNN cần ban hành các văn bản hướng dẫn về nội dung, đối tượng và hình thức công khai kết quả kiểm toán, cụ thể như sau:
(1) Nội dung công khai
Việc xác định nội dung công khai kết quả kiểm toán có ý nghĩa quan trọng nhằm chuyển tải thông tin đến người sử dụng chính xác, rõ ràng, súc tích, phản ánh được toàn diện tình hình tài chính, ngân sách của đơn vị được kiểm toán. Nội dung công khai kết quả kiểm toán phải đảm bảo yêu cầu:
– Chính xác: Nội dung công khai phải chính xác về mặt số liệu, phần ý kiến nhận xét của KTV phải dựa trên cơ sở những bằng chứng đáng tin cậy mà kiểm toán viên hiểu cặn kẽ, đánh giá và chấp nhận. Nội dung công khai kết quả kiểm toán phải thuộc nội dung của báo cáo kiểm toán.
– Rõ ràng, súc tích: Có nghĩa là nội dung công khai phải diễn đạt ngắn gọn, rõ ràng, khúc triết, không dùng lời văn mập mờ, vòng vo làm cho người đọc hiểu sai nội dung của vấn đề. Nội dung công khai kết quả kiểm toán phải tổng hợp các vấn đề lớn, cơ bản được nêu trong phần kết quả kiểm toán và phần kết luận, kiến nghị của báo cáo kiểm toán.
– Đảm bảo tính thống nhất: Những nội dung, ý kiến nhận xét, đánh giá những kiến nghị, từ ngữ sử dụng phải nhất quán không có mâu thuẫn giữa các phần, các chỉ tiêu trên dưới trong nội dung công khai và giữa nội dung công khai với nội dung báo cáo kiểm toán. Chỉ thực hiện công khai những thông tin không thuộc bí mật nhà nước.