Giá trị của báo cáo kiểm toán

9 / 100

Giá trị của báo cáo kiểm toán là một nội dung quan trọng của Luật Kiểm toán nhà nước (Luật KTNN). Việc xác định giá trị của báo cáo kiểm toán hay nói cách khác báo cáo kiểm toán dùng để làm gì cũng đồng nghĩa với việc có cần thiết phải có cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN) hay không. Điều này đã được khẳng định từ thực tiễn hoạt động của KTNN những năm qua. Ở nước ta, KTNN được thành lập và hoạt động trên cơ sở Nghị định số 70/Chính phủ ngày 11/7/1994 của Chính phủ về việc thành lập cơ quan KTNN. Tuy là một cơ quan mới, không có tổ chức tiền thân và chưa có tiền lệ trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, song qua quá trình hoạt động, KTNN đã khẳng định được vị trí vai trò của mình, trở thành một công cụ quan trọng trong quản lý vĩ mô nền kinh tế tt định hướng XHCN có sự quản lý của nhà nước và là bộ phận quan trọng trong cơ cấu tổ chức của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.Qua hơn 10 năm hoạt động, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành hàng nghìn cuộc kiểm toán với quy mô lớn nhỏ khác nhau tại các đơn vị có sử dụng NSNN trên tất cả các lĩnh vực. Kết quả kiểm toán đã phát hiện nhiều vi phạm chính sách, chế độ quản lý kinh tế, tài chính, đã kiến nghị tăng thu, giảm chi, ghi thu-ghi chi quản lý qua NSNN, xử lý các khoản tạm thu, tạm giữ và các khoản khác với số tiền hơn 25.000 tỉ đồng. Kết quả kiểm toán được ghi nhận không chỉ là con số tăng thu, tiết kiệm chi cho NSNN mà thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đó giúp cho các cơ quan nhà nước chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách; giúp các đơn vị được kiểm toán nhìn nhận và đánh giá đúng đắn thực trạng tình hình tài chính, khắc phục được yếu kém, sơ hở trong quản lý kinh tế và sản xuất kinh doanh; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham những, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. KTNN cũng đó cung cấp những thông tin xác thực về tình hình quản lý và điều hành ngân sách cùng nhiều kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, chế độ tài chính, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý, minh bạch và lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Với ý nghĩa quan trọng đó, Luật KTNN đó quy định rất đầy đủ và toàn diện chế định này về định nghĩa, nội dung, giá trị của báo cáo kiểm toán, trách nhiệm của KTNN đối với báo cáo kiểm toán, và trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là văn bản do Kiểm toán nhà nước lập và công bố để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đo kiểm toán (khoản 6 Điều 4). Luật KTNN đã có một điều riêng quy định về giá trị của báo cáo kiểm toán (Điều 9). Theo quy định tại khoản 1 Điều 9: “Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước”.

Với nội hàm như vậy, báo cáo kiểm toán là một trong những căn cứ quan trọng để Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp và các cơ quan khác của nhà nước sử dụng trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, cụ thể như sau:

– Quốc hội sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định dự án, và công trình quan trọng quốc gia được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước và sử dụng trong hoạt động giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nghị quyết của Quốc hội về ngân sách nhà nước, dự án và công trình quan trọng quốc gia, chương trình phát triển kinh tế- xã hội, dự án và công trình xây dựng cơ bản quan trọng khác.

– Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, co quan khác của Nhà nước sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ của mình;

– Hội đồng nhân dân sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán, phân bổ và giám sát ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương;
– Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan điều tra sử dụng trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế, tài chính.

Đối với đơn vị được kiểm toán, báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc thực hiện: “Đơn vị được kiểm toán phải thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các sai phạm trong báo cáo tài chính và các sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật; thực hiện các biện pháp khắc phục yếu trong hoạt động của đơn vị do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị” (điểm đ khỏan 2 Điều 9). Cơ quan, người có thẩm quyền sử dụng kết luận kiểm toán của KTNN và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Kết luận kiểm toán đã được cơ quan, người có thẩm quyền chấp nhận có giá trị bắt buộc thực hiện (khoản 3 Điều 9). Tuy nhiên, quy định tại khoản 3 Điều 9 như trên còn trừu tượng dễ dẫn đến làm cho người nghiên cứu hiểu không đúng tinh thần và lời văn của quy phạm. Từ thực tế công tác tập huấn Luật KTNN cho các bộ, ngành, địa phương vừa qua đã cho thấy còn có sự hiểu không đúng quy định này: một số đại biểu cho rằng kết luận, kiến nghị kiểm toán chỉ có giá trị bắt buộc thi hành đối với đơn vị được kiểm toán khi đó được đơn vị được kiểm toán chấp nhận. Vấn đề cần phải hiểu đúng: đây là 2 khoản mục riêng biệt có nội dung khác nhau để áp dụng cho các chủ thể khác nhau, cụ thể là: khoản 3 Điều 9 áp dụng cho cơ quan, người có thẩm quyền sử dụng kết luận kiểm toán, còn đối với đơn vị được kiểm toán được áp dụng theo điểm đ khoản 2 Điều 9. Để bảo đảm yêu cầu ngôn ngữ của văn bản quy phạm pháp luật: chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải đơn giản, dễ hiểu, đối với những thuật ngữ chuyên môn cần phải xác định rõ nội dung trong văn bản; do vậy, cần phải xác định rõ cơ quan, người có thẩm quyền là những chủ thể nào, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể này đối với quyết định của mình.

Luật KTNN quy định đầy đủ về giá trị của báo cáo kiểm toán như trên, một mặt nhằm khẳng định vai trò của Kiểm toán Nhà nước: Báo cáo kiểm toán là sản phẩm của hoạt động kiểm toán do Kiểm toán Nhà nước- cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước có đủ năng lực chuyên môn, tuân theo các chuẩn mực nghề nghiệp tiến hành một cách độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nên có tính khoa học, chính xác cao, do vậy, là một trong những căn cứ quan trọng để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. Mặt khác, đề cao trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước đối với báo cáo kiểm toán: KTNN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ nội dung báo cáo kiểm toán. Trách nhiệm này trước hết được thể hiện ở trách nhiệm của Tổng Kiểm toán Nhà nước: “Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước” (khoản 3 Điều 18); trách nhiệm của Trưởng Đoàn kiểm toán: “Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, trung thực, khách quan của những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán của Đoàn Kiểm toán” (điểm b khoảng 3 Điều 45); trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ kiểm toán: “Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, trung thực, khách quan của những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong biên bản kiểm toán của Tổ Kiểm toán” (điểm b khoản 3 Điều 47) và trách nhiệm của KTV nhà nước: “chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước và trước pháp luật về những bằng chứng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị của mình” (khoản 3 Điều 30).

Để bảo đảm cho các kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước được thực hiện, khoản 3 Điều 16 của Luật quy định Kiểm toán nhà nước có quyền “Kiểm tra đơn vị được kiểm toán trong việc thực hiện, kết luận và kiến nghị của kiểm toán Nhà nước”. Trường hợp đơn vị được kiểm toán không thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán thì KTNN kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán theo quy định tại khoản 4 Điều 16 “Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu các đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với các trường hợp sai phạm trong báo cáo tài chính và các sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật; đề nghị xử lý theo pháp luật những trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước”. Tổng Kiểm toán nhà nước có quyền: Kiến nghị bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của đơn vị được kiểm toán xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở công tác kiểm toán của KTNN; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật cho KTNN; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN. Trong trường hợp kết luận, kiến nghị của KTNN không được giải quyết hoặc giải quyết không đầy đủ thì Tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị người có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 19).

Luật KTNN cũng quy định trách nhiệm pháp lý mà KTNN, KTV nhà nước phải gánh chịu trong trường hợp có sai phạm gây thiệt hại cho đơn vị được kiểm toán thông qua việc ưd cho đơn vị được kiểm toán có quyền “Yêu cầu kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước bồi thường thiệt hại cho đơn vị được kiểm toán theo quy định của pháp luật” (khoản 5 Điều 64). KTV nhà nước, cộng tác viên kiểm toán khi có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỉ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 30, Điều 32)

Để bảo đảm giá trị và hiệu lực của báo cáo kiểm toán, Luật KTNN cũng quy định về công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán: Báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN sau khi trình Quốc hội được công bố công khai theo quy định của pháp luật. Tổng KTNN công bố công khai báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo các hình thức: họp báo; công bố trên Công báo và các phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải trên Trang thông tin điện tử và các ấn phẩm của KTNN (Điều 58). Báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán sau khi phát hành được công bố công khai cùng với báo cáo tài chính theo quy định của Luật NSNN và Luật Kế toán (Điều 59). Việc công bố công khai báo cáo kiểm toán thông qua họp báo, đăng trên công báo và các phương tiện thông tin đại chúng sẽ tạo ra áp lực mạnh mẽ của công luận xã hội đối với trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán và các nhân liên quan trong việc tuân thủ pháp luật và thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN. Đồng thời tạo áp lực đối với cơ quan KTNN phải không ngừng nâng cao năng lực hoạt động, nâng cao chất lượng kiểm toán đáp ứng yêu cầu của Luật KTNN và đòi hỏi của xã hội.

Việc quy định đầy đủ về giá trị và hiệu lực báo cáo kiểm toán của KTNN trong Luật KTNN sẽ bảo đảm cho việc nghiên cứu, hiểu đúng quy định của luật và chấp hành Luật KTNN một cách thống nhất, tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, xây dựng KTNN trở thành công cụ mạnh của Nhà nước trong lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước, góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Đặng Văn Hải-Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế KTNN (Tạp chí NC Khoa học Kiểm toán)
Tapchiketoan.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *