Việc định giá tài sản trên báo cáo tài chính và nhu cầu thông tin trong nền kinh tế thị trường
Thông tin về giá trị tài sản của doanh nghiệp trình bày trên báo cáo tài chính hiện nay trên thế giới đang có nhiều thay đổi cơ bản. Sự thay đổi này xuất phát từ nhu cầu thông tin thích hợp và đầy đủ của các đối tượng sử dụng thông tin.
Trong nền kinh tế thị trường, thông tin trên báo cáo tài chính là cơ sở nền tảng để đưa ra các quyết định về quản lý, đầu tư và vay nợ. Để có thể cung cấp thông tin thích hợp với các quyết định kinh doanh, việc xác định giá trị tài sản trên báo cáo tài chính cần hướng đến nhu cầu thông tin các đối tượng sử dụng.
1. Định giá tài sản trên báo cáo tài chính
Định giá tài sản trên báo cáo tài chính là một tiến trình xác định giá trị tiền tệ của tài sản được ghi nhận và trình bày trên báo cáo tài chính.
Cơ sở định giá tài sản là phương pháp xác định giá trị tài sản được lựa chọn ghi nhận trên các báo cáo tài chính. Cơ sở định giá tài sản được xác định căn cứ vào giá trị đo lường tài sản và đơn vị đo lường là đơn vị tiền tệ không đổi hay mức giá chung.
– Theo khuôn mẫu lý thuyết của Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế, các giá trị có thể sử dụng để đo lường tài sản là:
+ Giá gốc: Tài sản được ghi nhận theo số tiền hoặc các khoản tương đương tiền đã trả hoặc ghi theo giá trị thực tế của tài sản đó vào thời điểm có được tài sản.
+ Giá trị thuần có thể thực hiện được (giá đầu ra hiện tại): Tài sản được ghi nhận theo số tiền hoặc các khoản tương đương tiền hiện tại có thể thu được nếu bán các tài sản đó.
+ Giá hiện hành (Giá thay thế hay giá đầu vào hiện tại): Tài sản được ghi nhận theo số tiền hoặc các khoản tương đương tiền sẽ phải trả nếu như tài sản đó có được tại thời điểm hiện tại.
+ Giá hiện tại chiết khấu (Hiện giá): Tài sản được ghi nhận theo giá trị hiện tại của các luồng tiền dự định thu vào trong tương lai từ việc sử dụng tài sản.
Thông tin cung cấp thông qua giá trị tài sản có thể tóm lược theo bảng 1.
Bảng 1: Giá trị tài sản và thông tin cung cấp
Giá gốc | Giá trị thuần có thể thực hiện được | Giá trị hiện hành | Hiện giá | |
Thông tin cung cấp | Quá khứ | Hiện tại | Hiện tại | Tương lai |
Nghiệp vụ | Mua tài sản | Bán tài sản | Mua tài sản | Bán tài sản |
Bản chất sự kiện | Thực tế phát sinh | Giả định | Giả định | Dự tính |
Qua đối chiếu các chuẩn mực kế toán VN và hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế đang được áp dụng cho thấy các loại tài sản khác nhau được áp dụng các cơ sở định giá khác biệt. Bảng 2 cung cấp thông tin tổng quát về sự khác biệt về cơ sở định giá áp dụng đối với các tài sản trình bày trên báo cáo tài chính.
Bảng 2: Cơ sở định giá các loại tài sản trên báo cáo tài chính
Loại tài sản | Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) | Chuẩn mực kế toán VN (VAS) |
Tiền | Giá trị danh nghĩa | Giá trị danh nghĩa |
Chứng khoán đầu tư (có sẵn để bán) | Giá thị trường (giá trị hợp lý) | Mức thấp hơn giữa giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện. |
Các khoản phải thu | Giá trị thuần có thể thực hiện | Giá trị thuần có thể thực hiện |
Hàng tồn kho | Mức thấp hơn giữa giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện. | Mức thấp hơn giữa giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện. |
Tài sản cố định hữu hình | Giá gốc trừ (-) Khấu hao lũy kế, hay đánh giá lại theo giá thị trường | Giá gốc trừ (–) Khấu hao lũy kế |
Tài sản cố định vô hình (thời gian hữu dụng xác định) | Giá gốc trừ (-) khấu hao lũy kế, hay đánh giá lại theo giá thị trường | Giá gốc trừ (–) Khấu hao lũy kế |
Tài sản cố định vô hình (thời gian hữu dụng không xác định) | Giá gốc (không khấu hao), hay đánh giá lại theo giá thị trường | Giá gốc trừ (–) Khấu hao lũy kế |
Tài sản thuê tài chính | Mức thấp hơn giữa giá trị hợp lý và hiện giá của khoản tiền thuê tối thiểu. | Mức thấp hơn giữa giá trị hợp lý và hiện giá của khoản tiền thuê tối thiểu. |
Mục tiêu chủ yếu của báo cáo tài chính là nhằm cung cấp thông tin hữu ích cho các đối tượng sử dụng. Nhìn từ góc độ này, báo cáo tài chính cần cung cấp các thông tin về quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì vậy, sự kết hợp giữa các loại giá sử dụng trên báo cáo tài chính như quy định trong các chuẩn mực kế toán quốc tế cũng như chuẩn mực kế toán VN là nhằm mục tiêu cung cấp thông tin đầy đủ, và đa dạng đáp ứng yêu cầu thông tin của người sử dụng.
Tuy nhiên, sự kết hợp các cơ sở định giá khác nhau để xác định giá trị tài sản trình bày trên báo cáo tài chính lại tạo nên thông tin khó hiểu và đôi khi không thích hợp đối với người sử dụng báo cáo tài chính. Sự khác biệt về giá trị của các loại tài sản trình bày trên báo cáo tài chính dẫn đến kết quả là giá trị của tổng tài sản trên báo cáo tài chính không phản ánh tổng giá trị tài sản theo giá gốc, cũng không phản ánh tổng giá trị tài sản theo giá thị trường.
2. Nhu cầu thông tin
Các nhóm đối tượng sử dụng thông tin kế toán với các nhu cầu thông tin khác nhau làm nảy sinh tính đa dạng và phức tạp đối với nhu cầu thông tin cần cung cấp.
Trong nền kinh tế thị trường, các thông tin trình bày trên các báo cáo tài chính chịu ảnh hưởng của 2 nhóm đối tượng chính là nội bộ doanh nghiệp (những nhà quản lý của doanh nghiệp theo từng cấp độ), và những người sử dụng bên ngoài doanh nghiệp (chủ yếu là các nhà nhà đầu tư và những người cho vay).
Phần lớn các báo cáo tài chính hiện nay tại các quốc gia chủ yếu hướng đến mục tiêu cung cấp thông tin cho người sử dụng bên ngoài doanh nghiệp. Các báo cáo tài chính này thường gọi là các báo cáo tài chính theo mục đích chung, và không nhằm ý định đáp ứng nhu cầu của những người sử dụng đòi hỏi những thông tin cụ thể.
Mục tiêu của những báo cáo tài chính theo mục đích chung là nhằm thể hiện những tác động về mặt kinh tế của các nghiệp vụ cũng như các sự kiện đã xảy ra đối với tình trạng tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị. Mặc dù có nhiều cách khác nhau trong việc thể hiện thông tin tài chính, tuy nhiên những báo cáo tài chính cho mục đích chung thường trình bày những thông tin tài chính phù hợp với những quyết định về đầu tư (đối với nhà đầu tư), và tín dụng (đối với những người cho vay).
Đối với các nhà đầu tư, họ cần biết các thông tin tài chính về khả năng sinh lợi và rủi ro tiềm tàng liên quan đến vốn đầu tư. Họ cần những thông tin để xác định xem khi nào thì nên mua, giữ lại hay nên bán các khoản đầu tư cũng như các thông tin về khả năng thanh toán các khoản cổ tức của doanh nghiệp. Đối với những người cho vay, họ cần những thông tin tài chính về giá trị của tài sản thế chấp nợ vay, nguồn trả nợ vay và khả năng thanh toán của doanh nghiệp khi các khoản nợ gốc và lãi vay đến hạn.
Trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc, môi trường kinh doanh luôn thay đổi và vấn đề lạm phát là tất yếu như hiện nay, thông tin về giá trị tài sản trên báo cáo tài chính nếu chỉ trình bày theo giá gốc thì sẽ không thích hợp với các đối tượng sử dụng thông tin để đưa ra quyết định kinh tế.
3. Định giá tài sản theo nhu cầu thông tin
Tính thích hợp của thông tin kế toán trong tiến trình ra quyết định được đánh giá thông qua sự tác động của các thông tin trình bày trên báo cáo tài chính đến quyết định kinh tế của các đối tượng sử dụng thông tin.
Một trong những thông tin quan trọng nhất để đánh giá hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường là khả năng thích ứng của doanh nghiệp với sự thay đổi của môi trường kinh doanh và khả năng tồn tại của doanh nghiệp. Sự tồn tại của doanh nghiệp phụ thuộc vào khả năng cung cấp hàng hoá hay dịch vụ liên quan đến các tài sản hiện hữu.
Khi so sánh các giá trị sử dụng để đo lường tài sản, thì giá gốc và giá hiện hành đều thể hiện giá trị đầu vào của tài sản, riêng giá trị thuần có thể thực hiện thể hiện giá trị đầu ra của tài sản. Xét dưới góc độ này, giá trị thuần có thể thực hiện của các tài sản là thông tin quan trọng về giá trị hiện tại của các nguồn lực sẵn có tại doanh nghiệp, thông tin này sẽ hổ trợ cho các nhà đầu tư, những người cho vay cũng như bản thân nhà quản lý trong việc đánh giá khả năng tồn tại của doanh nghiệp. Đối với những người cho vay, giá trị thuần có thể thực hiện phản ánh giá trị thị trường của các tài sản thế chấp bảo đảm nợ vay còn là thông tin thích hợp cho các quyết định vay nợ.
Bên cạnh đó, giá trị thuần có thể thực hiện được còn phản ánh khoản lợi ích kinh tế tăng lên hay giảm đi trong quá trình sử dụng tài sản, thông tin này phù hợp với khái niệm lợi nhuận kinh tế liên quan đến việc xác định lợi nhuận có lưu ý đến sự bảo toàn vốn. Lợi nhuận trong kỳ của doanh nghiệp có tính đến bảo toàn vốn sẽ bao gồm cả các khoản thu nhập hay lỗ phát sinh từ sự thay đổi giá trị của tài sản như:
– Thu nhập (lỗ) đã thực hiện phát sinh từ các giao dịch bán tài sản trong kỳ kế toán (chênh lệch giữa giá bán tài sản và giá trị thuần có thể thực hiện của tài sản ước tính vào đầu kỳ).
– Thu nhập (lỗ) chưa thực hiện phát sinh từ sự thay đổi giá trị tài sản (chênh lệch giữa giá trị thuần có thể thực hiện của tài sản ước tính cuối kỳ và đầu kỳ).
Nhìn từ góc độ lý thuyết kế toán, khi tất cả các tài sản được đo lường với cùng một cơ sở định giá, giá gốc hay giá thị trường, thì điều này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin dễ hiểu hơn cho các đối tượng sử dụng báo cáo tài chính. Bên cạnh đó, việc áp dụng các cơ sở định giá tài sản theo giá thị trường thay thế dần nguyên tắc giá gốc tại nhiều quốc gia trong những năm gần đây cho thấy xu thế định giá tài sản trên báo cáo tài chính đang hướng đến giá thị trường nhằm đáp ứng đầy đủ hơn yêu cầu thông tin của người sử dụng.
Vì vậy, việc chọn lựa cơ sở định giá cho tất cả các tài sản là giá trị thuần có thể thực hiện kết hợp với việc trình bày giá gốc trong thuyết minh báo cáo tài chính sẽ nâng cao tính dễ hiểu của thông tin kế toán trên báo cáo tài chính đối với người sử dụng, đồng thời thông tin kế toán cung cấp sẽ thích hợp và đầy đủ hơn nhằm hổ trợ cho các quyết định kinh tế của các đối tượng sử dụng thông tin, chủ yếu là các nhà đầu tư và những người cho vay, trong nền kinh tế thị trường.
Chức năng quan trọng nhất của kế toán là cung cấp thông tin, các cơ sở định giá chỉ là công cụ để xác định giá trị tài sản-loại thông tin cần cung cấp. Vì vậy, yếu tố quyết định để chọn lựa cơ sở đo lường nào để định giá tài sản giữa các cơ sở đo lường khác nhau cần phải dựa trên nhu cầu thông tin của các đối tượng sử dụng