Phép biện chứng duy vật trong nguyên lý kế toán

Phép biện chứng duy vật trong nguyên lý kế toán
TCKT cập nhật: 18/03/2009

Triết học được gọi là khoa học của các khoa học, trong triết học phép
biện chứng duy vật nói riêng, triết học Mác-xít nói chung có vị trí hết
sức quan trọng trong khoa học và cuộc sống. Những tri thức của triết
học đang là công cụ tư duy sắc bén để con người nhận thức và cải tạo
thế giới, đang được vận dụng hàng ngày vào các lĩnh vực hoạt động của
con người. Trong bài viết này, tác giả muốn trao đổi về cách vận dụng
phép biện chứng duy vật trong nghiên cứu môn học nguyên lý kế toán.

Nguyên lý kế toán ra đời gắn liền với quá trình tái sản xuất, nó là tất yếu khách quan của mọi hình thái kinh tế xã hội. Lịch sử hình thành nguyên lý kế toán vận hành theo quá trình của nhận thức từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. ban đầu, kế toán được hình thành từ những quan sát, đo lường của con người đối với kết quả lao động của họ. Sản xuất xã hội phát triển kéo theo sự phát triển của kế toán, ở hình thành kinh tế xã hội tư bản chủ nghĩa kế toán được phát triển thành một khoa học.

Ngày nay, khoa học kế toán được hiểu là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động.

Phương pháp biện chứng của triết học khẳng định rằng mọi sự vật và hiện tượng luôn có mối quan hệ với nhau trong trạng thái vận động biến đổi để phát triển mà nguồn gốc của nó là sự đấu tranh của các mặt đối lập. Điều này được thể hiện rõ trong từng nội dung của nguyên lý kế toán. Cụ thể:

Thứ nhất, vận dụng hai nguyên lý của triết học là mối liên hệ phổ biến và sự phát triển để nghiên cứu về nguyên lý kế toán chúng ta thấy rằng, các nội dung cơ bản như khái niệm, bản chất, tài khoản hay chứng từ, tính giá hoặc báo cáo kế toán…đều có mối liên hệ rất chặt chẽ, mật thiết với nhau. Do vậy, khi nghiên cứu, ta phải đặt các nội dung này trong mối liên hệ sâu chuỗi giữa chúng thể hiện qua chu kỳ kế toán được hình thành trên cơ sở biên chứng của quá trình nhận thức.

Chẳng hạn, khi tìm hiểu về cách phân loại kế toán theo nguyên tác ghi nhận thông tin, kế toán được chia thành: kế toán dồn tích và kế toán trên cơ sở tiền. nếu chúng ta chỉ dừng lại ở đây, nghĩa là ta đã cô lập mọi sự vật và hiện tượng, nên ta không nhìn nhận được bản chất của hai loại hình kế toán này. Do đó, chúng ta cần đặt nó trong mối liên hệ với các nội dung khác. Cụ thể, với cách phân loại này, theo các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chun (GAAP), khi ghi nhận doanh thu hoặc chi phí thì đối tượng kế toán là các khoản phải thu của khách hàng hay phải trả người bán sẽ chỉ tồn tại trong kế toán dồn tích mà không tồn tại trong kế toán tiền. Sự xuất hiện của đối tượng kế toán này sẽ là cơ sở để xác định tài khoản kế toán. Vì tài khoản kế toán là phương tiện để phân loại và tổng hợp các thông tin về nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến từng đối tượng kế toán. Việc ghi chép trên tài khoản kế toán phải xuất phát từ các bằng chứng khách quan. Tổng hợp đầy đủ các chứng từ kế toán là cơ sở để tính giá tài sản, ghi sổ kế toán. Sau đó, tiếp tục các mối liên hệ rất logic của tính giá ta xác định giá trị ghi vào từng định khoản, quá trình này phải tuân thủ các nguyên tắc của GAAP, nguyên tắc giá gốc. Do đó, trong kế toán dồn tích, chứng từ để ghi nhận vào tài khoản doanh thu là các bằng chứng khách quan chứng tỏ việc b án hàng và chuyển giao quyền sở hữu còn trong kế toán tiền thì phải là phiếu thu tiền mặt hoặc giấy báo có ngân hàng.

Như vậy, các nội dung của nguyên lý kế toán được xâu chuỗi với nhau, xuất phát từ cách phân loại kế toán ảnh hưởng bởi nguyên tắc kế toán, đối tượng kế toán là cơ sở để xác định tài khoản, chứng từ kế toán phục vụ cho việc tính giá và ghi sổ kế toán và cung cấp thông tin qua các báo cáo kế toán. Báo cáo kế toán là sản phẩm cuối cùng của chu trình kế toán, là bức tranh phản ánh một cách tổng quát tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Chính sự logic của các nội dung trên là biểu hiện một nguyên lý quan trọng của triết học- nguyên lý về mối liên hệ.

Nguyên lý về sự phát triển trong triết học khẳng định mọi sự vật, hiện tượng luôn vận động biến đổi, là quá trình diễn ra theo đường xoáy ốc ở những cấp độ cao dần. Điều này được thể hiện rõ nét trong chương về đối tượng kế toán. Trong quá trình hoạt động của đơn vị tài sản và nguồn vốn không đứng im mà nó không ngừng vận động, chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác trong quá trình tái sản xuất, kết thúc một chu kỳ nó lại được bắt đầu bởi một chu kỳ với sự gia tăng về quy mô, số lượng giúp doanh nghiệp không những tồn tại mà còn phát triển mạnh. Bởi vậy, kết hợp nguyên lý về sự phát triển và các cặp phạm trù cơ bản khi nghiên cứu về đối tượng của kế toán (phạm trù cái chung) người ta phải nghiên cứu cả trạng thái tĩnh và trạng thái động, đó là tài sản, nguồn hình thành tài sản và sự vận động của tài sản trong đơn vị. Sau đó, đói với từng tài khoản cụ thể (phạm trù cái riêng) người ta cũng nghiên cứu về tình hình hiện có (đứng im) và sự biến động vận động) của từng đối tượng kế toán cụ thể trong kỳ. Các cặp phạm trù cơ bản trong triết học đã được sử dụng để xây dựng các nội dung của kế toán.

Thứ hai, sự chi phối của 3 quy luật triết học đến nguyên lý kế toán. Để xây dựng kết cấu của tài khoản, người ta dựa vào quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập. Các hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy luôn có sự tồn tại của các mặt đối lập, như: Nắng-Mưa; Ngày-Đêm; giàu-nghèo; yêu-ghét; sống-chết;…Trong nguyên lý kế toán các mối quan hệ về kinh tế và kế toán cũng không nằm ngoài quy luật này, thể hiện qua các hoạt động: Thu-chi (tiền); nhập-xuất (hàng tồn kho); vay-trả (khoản vay)…Mặc dù cá đối tượng kế toán cụ thể được phản ánh trên những tài khoản khác nhau, có nội dung kinh tế, mục đích sử dụng, yêu cầu quản lý và tên gọi khác nhau nhưng xét về mặt vận động thì bất kỳ đối tượng kế toán nào cũng vận động theo hai mặt đối lập. Do đó, tài khoản kế toán được kết cấu theo kiểu hai bên chữ T để phản ánh hai mặt vận động của cùng một đối tượng kế toán đó là bên Nợ và bên Có.

Quy luật mâu thuẫn này một lần nữa được thể hiện trong kế toán là tài sản-nguồn vốn; doanh thu- chi phí, đó là những mặt đối lập về đối tượng kế toán (phạm trù cái chung). Xuất phát từ quy luật này mà các nhà khoa học về kế toán đã xây dựng nên quy ước ghi chép trên mỗi tài khoản (phạm trù cái riêng). Đó là:

Tài khoản Tài sản: quy ước tăng ghi bên Nợ, giảm ghi bên Có, số dư bên Nợ

Tài khoản Nguồn vốn: quy ước tăng ghi bên Có, giảm ghi bên Nợ, số dư bên Có.

Tài khoản Chi phí: quy ước tăng ghi bên Nợ, giảm ghi bên Có, không có số dư cuối kỳ.

TK Doanh thu: quy ước tăng ghi bên Có, giảm ghi bên Nợ, không có số dư cuối kỳ.

Những mặt đối lập này tạo nên mâu thuẫn, nó vừa thống nhất, vừa chuyển hóa lẫn nhau làm cho đối tượng kế toán luôn vận động, biến đổi. Trong kế toán, sự chuyển hóa lẫn nhau giữa tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí được thông qua các mối quan hệ đối ứng cơ bản, đó là:

Tài sản tăng, tài sản khác giảm;
Nguồn vốn tăng, nguồn vốn khác giảm;
Tài sản tăng, nguồn vốn tăng;
Nguồn vốn tăng, nguồn vốn khác giảm.

Biểu hiện về sự chuyển hóa giữa các đối tượng kế toán trong thực tế tại các đơn vị là các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Ví dụ: Mua nguyên vật liệu đã thanh toán bằng tiền mặt, đối tượng kế toán là tiền mặt chuyển sang đối tượng kế toán là nguyên vật liệu.

Quy luật lượng chất được vận dụng trong công thức tính giá thành sản phẩm:

Giá thành sản xuất

=

Chi phí sản xuất dở dang đầu kỳ

+

Chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ

Chi phí sản xuất dở dang cuối kỳ

Quá trình tích lũy về lượng thể hiện ở quá trình tập hợp chi phí sản xuất trong kỳ bao gồm tập hợp chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung. Khi sản phẩm chưa hoàn thành thì quá trình tích lũy về lượng không ngừng tăng lên nhưng chưa hình thành chất mới. Vì vậy, giá trị của sản phẩm đang được kế toán tập hợp trên tài khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Khi sản phẩm hoàn thành, chi phí đã tập hợp được tạo thành một chất mới đó là thành phẩm, người kế toán có thể chuyển đổi từ đối tượng kế toán sản phẩm dở dang sang đối tượng kế toán thành phẩm.

Qua nghiên cứu về phép biện chứng duy vật thể hiện ở một số nội dung quan trọng trong nguyên lý kế toán, một lần nữa chúng ta có thể khẳng định không chỉ nguyên lý kế toán mà bất kỳ một môn học nào đều có mối liên hệ với các khoa học khác.

THS. Bùi Thị Ngọc-Khoa Kế toán trường ĐH LĐ-XH (Tạpc hí NCKHKT)
Tapchiketoan.com