Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam: sự cần thiết, nội dung và lộ trình của việc cập nhật và ban hành mới.

10 / 100

Sự cần thiết phải cập nhật và ban hành mới chuẩn mực kế toán Việt Nam.

Việc ban hành và đưa vào áp dụng hệ thống CMKT Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, tăng cường tính minh bạch của thông tin tài chính và tạo dựng môi trường kinh doanh phù hợp với khu vực và quốc tế, duy trì niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm qua, Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC) đã tiến hành sửa đổi các CMKT quốc tế (IAS) và ban hành mới các Chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS). Hơn nữa, nền kinh tế thị trường chuyển đổi của Việt Nam đã dần bước sang giai đoạn ổn định và phát triển, các hoạt động kinh tế đã và đang được điều chỉnh bởi các quy luật của thị trường. Do vậy, đã đến lúc, Việt Nam cần cập nhật và ban hành mới các CMKT cho phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

Việc cập nhật ban hành mới cmt Việt Nam trong thời điểm hiện tại nhằm đạt các mục tiêu cơ bản sau:

Một là, nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý về kế toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, thị trường tài chính và xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, rất nhiều nghiệp vụ kinh tế mới đã hình thành và đang phát triển như các nghiệp vụ thanh toán bằng cổ phiếu, các giao dịch quyền chọn mua, quyền chọn bán, hoán đổi lãi suất, hoán đổi tỷ giá, hóan đổi dòng tiền hoặc các công cụ tài chính phái sinh để hạn chế rủi ro trong kinh doanh do những thay đổi về giá cả, tỷ giá hối đoái và lãi suất. Nhu cầu minh bạch thông tin tài chính về các giao dịch trên đòi hỏi cấp thiết phải ban hành mới các CMKT hướng dẫn việc ghi nhận, xác định giá trị và trình bày thông tin về các công cụ tài chính trong BCTC.

Hai là, nhằm đảm bảo hệ thống kế toán Việt Nam luôn phù hợp với thông lệ kế toán quốc tế, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế. Ủy ban Chuẩn mực BCTC quốc tế trong năm năm qua đã ko ngừng sửa đổi bổ sung, thay thế các CMKT quốc tế để đáp ứng đòi hỏi về tính minh bạch thông tin trong điều kiện phát sinh những giao dịch mới hết sức phức tạp. Do đó, đã xuất hiện nhiều điểm không còn phù hợp giữa CMKT Việt Nam và CMKT quốc tế hiện hành.

Ba là, nhằm tăng cường tính minh bạch của thông tin tài chính, tạo điều kiện tối đa cho việc giám sát tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của DN. Thực hiện chủ trường đẩy mạnh cổ phần hóa DN và phát triển thị trường tài chính, số lượng các công ty cổ phần và số lượng các công ty cổ phần niêm yết đã gia tăng nhanh chóng. Xu thế này đã tạo ra nhu cầu ngày càng gia tăng về việc công khai minh bạch các thông tin tài chính của các DN, đặc biệt là các công ty đại chúng. Đối tượng sử dụng BCTC cho các quyết định kinh tế nhiều hơn, đa dạng hơn, đòi hỏi các thông tin tài chính phải được thuyết minh rõ ràng hơn với những ngôn ngữ dễ hiểu hơn, gần gũi hơn với số đông các nhà đầu tư. Thực tiễn này đòi hỏi CMKT Việt Nam phải được sửa đổi bổ sung theo hướng tăng cường việc công khai và thuyết minh chi tiết về các thông tin tài chính, đồng thời nghiêng về nguyên tắc giá trị hợp lí thay vì nguyên tắc giá gốc như hiện nay.

Nguyên tắc của việc ban hành mới và cập nhật hệ thống CMKT Việt Nam.

Việc ban hành mới và cập nhật hệ thống CMKT Việt Nam phải được thực hiện theo các nguyên tắc sau:

Phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh và nhu cầu thông tin cho việc ra quyết định kinh tế, giám sát tài chính của các chủ đầu tư, chủ sở hữu của DN và các đối tác, như ngân hàng, người cung cấp hàng hóa dịch vụ và người lao động trong DN;

Đáp ứng được yêu cầu thông tin cho mục đích quản lý của Nhà nước, thống kê số liệu cho nền kinh tế và giám sát tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của DN;

Phù hợp với thông lệ kế toán quốc tế, CMKT quốc tế hiện hành;

Sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu nhằm đảm bảo không chỉ những người hành nghề kế toán, kiểm toán mà các chủ đầu tư, cổ đông, chủ sở hữu DN có thể hiểu để làm cơ sở đánh giá, giám sát tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của DN;

Chú trọng vào việc trình bày thông tin bổ sung trong BCTC, đặc biệt là các nghiệp vụ ngoài bảng cân đối kế toán; tăng cường sử dụng giá trị hợp lý (trong trường hợp có thể và cần thiết nhằm nâng cao tính hữu dụng của thông tin tài chính cho việc ra quyết định kinh tế).

Các nội dung chủ yếu cần được ban hành mới và cập nhật.

Nội dung chủ yếu cần được ban hành mới và cập nhật có thể được chia thành 3 nhóm sau:

Nhóm một, gồm 05 CMKT cần phải được nghiên cứu, ban hành mới trong năm 2009-2010, nhằm đáp ứng sự đổi mới và phát triển của kinh tế xã hội, cụ thể là:

Thanh toán bằng cổ phiếu (IFRS 02): hướng dẫn viẹc ghi nhận, xác định giá trị và trình bày thông tin liên quan đến các giao dịch bằng cổ phiếu như thanh toán tiến hành bằng cổ phiếu, mua bán, sáp nhập DN dưới hình thức phát hành cổ phiếu, thanh toán tiền lương, thưởng cho người lao động bằng cổ phiếu hiện hành và cổ phiếu trong tương lai theo các  điều kiện đã thỏa thuận trước;

Tài sản nắm giữ để bán và hoạt động kinh doanh không liên tục (IFRS 05): hướng dẫn việc phân loại, xác định giá trị, ghi nhận và trình bày thông tin về các tài sản nắm giữ để bán và các tài sản của bộ phận kinh doanh hoạt động không liên tục;

Tìm kiếm, thăm dò và xác định giá trị các nguồn tài nguyên khoáng sản (IFRS 06): hướng dẫn tiêu chuẩn ghi nhận và cách thức xác định và trình bày thông tin đối với các khoản chi tiêu để thực hiện các hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và các nguồn tài nguyên khoáng sản khác;

Công cụ tài chính (IFRS 7; IAS 32; IAS 39): hướng dẫn việc phân loại công cụ tài chính, xác định giá trị, ghi nhận và yêu cầu công khai thông tin đối với các loại công cụ tài chính, đặc biệt là các công cụ tài chính mới như quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, các giao dịch hoán đổi lãi suất, hoán đổi tỷ giá, hoán đổi các dòng tiền, các giao dịch nhằm hạn chế rủi ro trong kinh doanh phát sinh từ sự thay đổi về giá cả, tỷ giá hối đoái và lãi suất…;

Các khỏan tài trợ của Chính phủ (IAS 20): hướng dẫn cách thức ghi nhận và trình bày thông tin liên quan đến các khoản tài trợ về tài chính và hỗ trợ về chính sách ưu đãi của chính phủ cho các DN;

Nhóm hai, gồm 26 chuẩn mực đã ban hành, cần được đánh giá, cập nhật cho phù hợp với những thay đổi của CMKT quốc tế và thực tiễn hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, sửa đổi những điểm còn bất cập và bổ sung một số nội dung.

Nhóm ba, gồm 03 CMKT quốc tế cần phải được đưa vào lộ trình nghiên cứu để chuẩn bị sẵn sàng nhằm thích ứng với các loại nghiệp vụ kinh tế mới và sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai:

IAS 19 – Phúc lợi của nhân viên: cách thức xác định giá trị, ghi nhận và trình bày thông tin liên quan đến các khoản phúc lợi cho người lao động trong DN;

IAS 36 – Tổn thất tài sản: xác định các tài sản bị tổn thất và cách thức ghi nhận trình bày thông tin về tài sản bị tổn thất;

IAS 41 – Nông nghiệp: hướng dẫn xác định giá trị, ghi nhận và trình bày thông tin về các tài sản sinh học như cây công nghiệp, gia súc, gia cầm…

Biện pháp và lộ trình triển khai thực hiện

Các biện pháp cần triển khai và tiến độ thực hiện các biện pháp cần cụ thể hóa như sau:

Một là, đánh giá tình hình thực hiện các CMKT hiện hành và xác định các nội dung cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Nhằm đảm bảo CMKT được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm thực hành tốt nhất và mang tính thực tiễn cao cho các DN, việc đánh giá tình hình thực hiện các CMKT đã ban hành nhằm phát hiện những điểm bất cập cần được sửa đổi, bổ sung là hết sức quan trọng. Việc đánh giá tình hình thực hiện chuẩn mực không chỉ dừng lại ở các DN, đối tượng thực hiện chuẩn mực mà chủ yếu phải trên phương diện của những người sử dụng thông tin, người sử dụng kết quả của công tác kế toán trong việc đưa ra các quyết định kinh tế.

Để thực hiện được công việc này, trong quý III năm 2008, cần thành lập tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tình hình thực hiện các CMKT hiện hành và mức độ thỏa mãn của các thông tin kế toán đối với người sử dụng. Công việc này cần thực hiện trong nửa cuối năm 2008 và đầu năm 2009. Tổ nghiên cứu cần phối kết hợp tốt với dự án ROSC của Ngân hàng Thế giới (WB) về việc “Rà soát tình hình thực hiện các CMKT và kế toán” để tận dụng kết quả của dự án trong công việc của mình.

Hai là, nghiên cứu CMKT quốc tế hiện hành và các tài liệu khác liên quan đến tiến trình sửa đổi, bổ sung CMKT quốc tế trong năm 2008, 2009 và các năm tiếp theo. Để đạt được mục tiêu hài hòa với CMKT quốc tế hiện hành và tận dụng tối đa kinh nghiệm, kiến thức của Ủy ban Soạn thảo Chuẩn mực BCTC quốc tế, việc ban hành mới, cập nhật, sửa đổi, bổ sung các CMKT phải dựa trên việc nghiên cứu sâu sắc các CMKT quốc tế đã được sửa đổi mới nhất và các ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo cũng như ý kiến của các DN, các chuyên gia quốc tế liên quan đến các nội dung đã được sửa đổi, bổ sung hoặc chưa được sửa vì những lý do nhất định trong các CMKT quốc tế hiện hành. Hơn nữa, để chuẩn bị cho tương lai, việc nghiên cứu không chỉ dừng lại tại các chuẩn mực đã sửa đổi mà còn phải cập nhật theo kế hoạch và nội dung sửa đổi các CMKT quốc tế trong tương lai.

Ba là, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung CMKT Việt Nam phù hợp với CMKT quốc tế và thực tiễn hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian từ năm 2009-2013. Việc ban hành mới và cập nhật, sửa đổi, bổ sung các CMKT phù hợp với CMKT quốc tế và thực tiễn hoạt động kinh doanh tại Việt Nam được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia của Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, các Vụ liên quan của Bộ Tài chính cùng với các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước về lĩnh vực này.

Bốn là, tìm kiếm dự án hỗ trợ về kinh nghiệm, kiến thức và tài chính từ các tổ chức quốc tế. Để làm được công việc này, Việt Nam cần có được sự hỗ trợ về chuyên môn của các chuyên gia quốc tế và sự ủng hộ về tài chính để có thể đánh giá, nghiên cứu tình hình thực tiễn và kinh nghiệm thực hành tốt nhất của các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển có điều kiện kinh tế và lịch sử phát triển tương tự như Việt Nam nhằm xây dựng hệ thống CMKT Việt Nam thực sự hữu hiệu và đáp ứng được nhu cầu thông tin của các nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý Nhà nước.

PGS.TS Đặng Thái Hùng – Bộ Tài chính (Tạp chí Kế toán)
Tapchiketoan.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *