Kinh doanh quân tử

Kinh doanh quân tử
TCKT cập nhật: 02/06/2006

post-249-1077105062 “Phi thương bất phú, vi phú bất nhân” (Không buôn bán thì chẳng giàu; làm giàu thì lại bất nhân)! Câu nói này phần nào phản ánh thái độ trọng nông mà khinh thường thương nghiệp. Nhưng câu chuyện của Dennis J. McCauley lại cho thấy trong xã hội kim tiền đương thời vẫn có những doanh nhân xứng đáng gọi là bậc chính nhân quân tử mà dẫu Khổng Tử có gặp ắt cũng không thể nào không tán thán. 

Dennis J. McCauley là một huấn luyện viên môn Thái cực quyền, nhưng từ năm 1975 ông còn nổi tiếng là người có khả năng tạo ra bầu không khí thanh tĩnh, giúp cho những người bị mất quân bình, thiếu hòa điệu trong cuộc sống có cảm giác được chăm sóc và nhờ thế họ tự chữa trị được trạng huống tâm sinh lý của mình. 

Năm 1978, xe hơi của McCauley cần sửa chữa chút ít mà ông lại không thể tự mình làm được. Vì chỗ ga-ra McCauley hay mang xe tới đã đóng cửa, ông phải giáp mặt với công việc nản lòng là tìm cho ra một tay thợ giỏi giắn, làm ăn đàng hoàng lương thiện. Lòng ông không an, vì trót nghe đồn rằng mấy tay thợ sửa xe vốn là bậc thầy trong việc bóc lột khách hàng. May thay, một anh bạn tên Dave giới thiệu cho McCauley tiệm sửa xe của D. 

McCauley ngạc nhiên thích thú khi phát hiện ra chủ tiệm D là anh thợ nhiều năm trước đây đã từng vọc tay vô xe ông. Hồi đó anh đang làm công cho một cây xăng gần nhà ông. Hồi đó ông thật sự chưa bao giờ trò chuyện nhiều với anh, nhưng biết anh làm việc giỏi. 

McCauley điền vào mẫu giấy các yêu cầu về sửa xe và chờ đợi trong lúc D bận nghe điện thoại của một khách hàng khác. Ngồi ở tiệm anh, McCauley đảo mắt nhìn khắp văn phòng nhỏ để giết thời giờ. Mắt ông đập vào một mẩu báo được lộng khung kính. Nhan đề bài báo là: “Chủ trại bò sữa giết sạch đàn bò”. Bài báo tường thuật cách xử sự của một chủ trại bò sữa trong vùng mấy năm trước đây, lúc bang Michigan đang lo sợ về việc sữa bị nhiễm khuẩn. Hiển nhiên hồi ấy bò sữa đang lây nhiễm một chứng bệnh khiến cho việc cung cấp sữa bị ảnh hưởng. Tình huống trở nên nghiêm trọng đến nỗi chánh quyền quyết định cho xét nghiệm tất cả mọi đàn bò ở bang Michigan. Các chủ trại hiệp nhau lại vận động kháng nghị và quyết định của bang được hoãn lại. Hai phe phải tìm ra mánh khóe hợp pháp để giành phần thắng và dường như sẽ mất vài tháng mới giải quyết được tình trạng tiến thối lưỡng nan này. Trong khi chờ đợi cho ngã ngũ, các chủ trại có thể tiếp tục bán sữa và bán bò thịt. 

Nhưng ông chủ trại bò sữa nọ quyết định rằng kế hoạch của hai phe kia chẳng ảnh hưởng gì đến ông, và ông chọn lựa một đường lối khác. Ông tự bỏ tiền thuê người xét nghiệm tất cả đàn bò của mình. Trọn hết đàn bò chỉ tìm ra vài ba con bị nhiễm bệnh, tuy nhiên không ai có thể đảm bảo rằng những con bò còn lại hoàn toàn vô hại. Thế là ông bèn cho giết sạch đàn bò và đem xác đi chôn cẩn thận, sao cho môi trường và nguồn nước không bị hủy hoại. Đương nhiên hãng bảo hiểm không bồi thường một xu thiệt hại vì bấy giờ chính quyền bang Michigan chưa ra lịnh cho ông hủy diệt đàn bò. Khi được báo chí phỏng vấn vì sao lại cam tâm hành động như thế, ông chủ trại trả lời đơn giản: “Bởi lẽ làm như vậy là đúng đạo lý.” 

McCauley hỏi D tại sao anh treo bài báo này lên tường. McCauley nghĩ anh là bà con thân thích ông chủ trại hoặc có quen biết ông ta. D nói anh chưa hề gặp ông chủ trại này, nhưng ông ấy đã gieo cho anh nguồn hứng khởi và khiến anh thiết lập nên một chuẩn mực về đức công chính, tín thành và lương thiện. D nói đó là cách anh điều hành tiệm sửa xe của mình và anh muốn người đời cũng sẽ nói tốt về anh y hệt như anh nói tốt về ông chủ trại bò kia. 

Bấy giờ McCauley bị ấn tượng gấp đôi, vừa do ông chủ trại vừa do D. Năm sau, McCauley giới thiệu con trai ông khởi đầu chín tháng thực tập nghề cơ khí tại tiệm sửa xe D, không phải chỉ vì anh là thợ máy giỏi nghề mà quan trọng hơn nữa vì anh xứng được coi là trang quân tử công bình, chính trực