Kiểm toán đang “cựa” trong chiếc áo chật

Kiểm toán đang “cựa” trong chiếc áo chật
TCKT cập nhật: 13/03/2007

Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Cty Kiểm toán độc lập quốc gia VN (VNFC)Cuối năm 2006, 32 tuổi Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Cty Kiểm toán độc lập quốc gia VN (VNFC) nhận bằng tiến sĩ kinh tế của một trường đại học danh tiếng ở Mỹ đồng thời cũng vừa được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện nghiên cứu, Đào tạo Kinh tế – Tài chính. Tôi đến gặp anh với ý định viết chân dung về một trong những Viện trưởng trẻ nhất VN nhưng anh bảo: Trao đổi chuyên môn thì được, “ăn cơm mới nói chuyện cũ” về mình làm gì! Vậy là câu chuyện của chúng tôi chuyển sang vấn đề đúng với chuyên môn của anh và cũng đang được nhiều người quan tâm: Thị trường tài chính – Chứng khoán.

– Trong bối cảnh hàng loạt Cty đang đẩy nhanh tốc độ cổ phần hoá, kiểm toán tốt sẽ giúp phát hiện sớm các lỗi và có thể làm giảm những tác động xấu đến thị trường chứng khoán và nền kinh tế, là người trong cuộc anh nhận định thế nào về hoạt động kiểm toán tại VN hiện nay?

Thị trường tài chính – chứng khoán ở VN trong thời gian qua đã có những bước phát triển nhanh chóng, tạo cơ hội rất tốt cho các Cty kiểm toán hoạt động. Tuy nhiên, hiện tại hành lang pháp lý về kiểm toán vừa chưa chặt chẽ, vừa không theo kịp tốc độ phát triển. Nó giống như “một chiếc áo còn chật”. Ví dụ một số Cty cổ phần vẫn chưa bắt buộc phải kiểm toán. Các khách hàng chưa chú trọng đến chất lượng kiểm toán mà vẫn nặng về phí kiểm toán bởi hiểu biết về kiểm toán phần lớn là chưa đầy đủ. Những quy định về trách nhiệm của kiểm toán viên khi xảy ra rủi ro gây thiệt hại đối với khách hàng chưa rõ ràng (bồi thường không quá 10 lần phí kiểm toán) nên chưa gắn trách nhiệm vào kết quả công việc dẫn đến tình trạng đóng dấu ăn tiền, ảnh hưởng tới nền tài chính quốc gia.

Về phía các Cty kiểm toán hiện nay có khá nhiều bức xúc với cung cách quản lý của nhà nước, của Bộ Tài chính. Thứ nhất là Luật DN quy định các bộ, ngành không được ban hành các văn bản mang tính chất hạn chế phạm vi hoạt động cũng như năng lực hoạt động của các Cty kiểm toán. Trong khi đó Bộ Tài chính vẫn có những văn bản mang tính duy ý chí. Chẳng hạn Thông tư 60/2006/TT-BTC quy định giám đốc Cty kiểm toán phải có 3 năm kinh nghiệm trở lên sau khi được cấp chứng chỉ kiểm toán viên. Và những DN nào không đủ điều kiện thì phải điều chỉnh. Với quy định như vậy sẽ rất khó cho các DN đã thành lập từ trước, nếu DN nào không đủ điều kiện sẽ phải thay giám đốc hoặc phá sản. Mặc dù ai cũng biết chưa hẳn có thâm niên mà quản lý giỏi. Thứ hai, theo quy định về kiểm toán, không có bất cứ tổ chức nào được phép can thiệp vào ký kết hợp đồng kiểm toán, nhưng ở VN hiện vẫn tồn tại thực trạng một tổ chức tín dụng phải xin ý kiến Ngân hàng nhà nước, chẳng hạn như các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó còn có quy định điều kiện vốn điều lệ và phải có 5 năm kinh nghiệm đối với Cty kiểm toán khi tham gia kiểm toán các tổ chức tín dụng. Trong khi đó trí tuệ, trình độ của kiểm toán viên là yếu tố quyết định chất lượng kiểm toán (chứ không phải là vốn). Thứ ba hạn chế một số Cty kiểm toán niêm yết chứng khoán theo quy định của UB Chứng khoán nhà nước với các tiêu thức không rõ ràng và không có cơ sở khoa học. Và hàng loạt quy định bất cập khác… tạo đặc quyền đặc lợi cho các Cty thành lập trước.

– Trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính của châu Á cuối thập niên 90 thế kỷ trước, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế là do các Cty kiểm toán không cung cấp thông tin về khó khăn mà thân chủ gặp phải. VN đang trong giai đoạn đẩy mạnh cổ phần hoá. Vậy đâu là điều các DN và nhà đầu tư cần quan tâm?

Việc kiểm toán chẩn đoán rủi ro chưa phổ biến ở VN bởi thông thường phí rất cao và các DN chưa thực sự quan tâm. Trong một môi trường cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, tư duy này cần được thay đổi. Với con mắt của một nhà kiểm toán, tôi khẳng định thị trường chứng khoán không phản ánh đúng giá trị của các DN đã niêm yết. Hiện nay đang có sự đánh bóng các DN. Thị trường chứng khoán của VN không hoạt động theo đúng bản chất bởi nếu tính tỷ suất cổ tức trên vốn mà nhà đầu tư nhận được còn thấp hơn cả lãi suất gửi tiết kiệm. Lợi nhuận có được chủ yếu vẫn là mua đi bán lại kiếm lời. Nhà đầu tư muốn quan tâm đến tình hình tài chính của DN sẽ đầu tư nên tìm hiểu thông tin qua nhiều kênh khác nhau. Tuy nhiên một yếu tố không thể tính toán được đó là yếu tố tâm lý.

– Việc áp dụng các nguyên tắc kế toán theo chuẩn mực quốc tế ở VN hiện nay như thế nào?

Chuẩn mực kế toán quốc tế thường xuyên thay đổi và các chuẩn kế toán, kiểm toán của VN cũng phải thay đổi theo khi hội nhập. Hiện nay chúng ta đã theo chuẩn mực quốc tế khoảng trên 90%, nhưng không phải không còn những hạn chế. Chẳng hạn VN ban hành riêng chế độ kế toán DNNVV là vấn đề bất cập trong quản lý. Hôm nay DN ở quy mô nhỏ nhưng hôm sau là DN quy mô lớn thì lại phải thay đổi chế độ kế toán. Và thế nào là nhỏ? Thế nào là lớn? Cũng vẫn là cả một vấn đề. Nên có một chế độ kế toán chung sẽ đảm bảo tính minh bạch, công bằng. Nếu DN lớn thì áp dụng toàn bộ, còn DN nhỏ thì áp dụng từng phần.

– Khả năng cạnh tranh của các Cty kiểm toán VN với các tập đoàn nước ngoài, trong đó có VNFC trong thời gian tới?

Hiện tại DN kiểm toán ở VN được chia làm 3 loại: DN có vốn đầu tư nước ngoài; DN được Bộ Tài chính thành lập trước đây; DN mới thành lập. Sẽ không có thêm nhiều Cty kiểm toán nước ngoài vào VN trong thời gian tới, bởi các Cty có ý định đầu tư thì đã vào rồi. Bây giờ đang trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt để khẳng định vị trí. Đối với VNFC, chúng tôi phải nỗ lực hoàn thiện mình thông qua công việc cụ thể. Hiện nay Cty đã có trên 80 kiểm toán viên hoạt động chuyên nghiệp và có trình độ cao. Xu thế là mạnh thắng yếu và sáp nhập, liên kết chứ không phải tăng theo số lượng. DN nào yếu sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

– Thị trường chứng khoán thời gian vừa qua rất sôi động. Là một chuyên gia tài chính, anh có tham gia đầu tư?

Đương nhiên là không, biết quá nên không đầu tư. Ở VN có phong trào lên rất nhanh và xuống cũng rất nhanh.

– Xin cảm ơn anh.

Theo DĐDN