Khởi nghiệp từ 2 chiếc máy vi tính

Khởi nghiệp từ 2 chiếc máy vi tính
TCKT cập nhật: 31/05/2006
nguyenthanhluu-2

Khi hẹn gặp Nguyễn Thành Lưu – Giám đốc điều hành hai công ty là Công ty nghiên cứu thị trường Markcom và công ty phần mềm Acesoft, tôi cứ mường tượng đó hẳn là người đàn ông bệ vệ, chỉnh tề và kiệm lời. Nhưng sự thực lại khác, người đàn ông đó giản dị, trẻ trung và có phần hơi tham nói.

Sinh ra trong một gia đình nề nếp, Lưu may mắn dành được một suất học bổng du học hai năm tại Úc. Ngay trong học kỳ đầu tiên tại Úc Lưu đã quan sát người dân Úc kiếm tiền như thế nào và nhận ra một điều rất giản đơn là: muốn có nhiều tiền thì chỉ có làm kinh doanh. Từ đó anh chuyển hẳn sang học chuyên ngành về marketing với mơ ước làm giàu ngay trên đất nước mình.

Về nước với 20.000 USD tích cóp được từ việc làm thêm ở Úc, Lưu tính chuyện kinh doanh. Nhưng với số tiền ít ỏi đó thì không đủ mua một dây chuyền sản xuất, cũng không thể buôn bán một mặt hàng nào cho ra “hồn”, Lưu quyết định đi buôn “nước bọt”.

“Mọi người cứ nói làm kinh doanh thì phải liều, mình lại thấy nó chỉ đúng một nửa thôi. Cái liều của người làm kinh doanh chỉ ở chỗ biết vượt qua nỗi sợ hãi của thất bại, chứ liều trong cách thực hiện thì không ổn. Người làm kinh doanh giống như người lội ao ấy, phải dò từng bước thận trọng để tìm đường sang bờ bên kia chứ đừng có liều nhảy đánh tùm một cái, nếu phải chỗ nước sâu thì chìm ngay”.

Hiện nay số người làm việc tại hai công ty của anh giám đốc trẻ Nguyễn Thành Lưu mới chỉ có 26 người, san đều cho Hà Nội và TPHCM.

Năm 2002, khái niệm về nghiên cứu thị trường ở VN còn khá mơ hồ và cũng rất ít người dám kinh doanh trên lĩnh vực này, nhưng Lưu quyết định thử sức. Năm đó, anh thành lập công ty nghiên cứu thị trường Markcom chỉ với vài ba nhân viên và một hai chiếc máy tính.

Với lợi thế được học bài bản về lĩnh vực nghiên cứu thị trường ở Úc, cộng thêm khả năng tư duy rất sáng tạo, Lưu lao vào làm với hợp đồng tư vấn đầu tiên trị giá chỉ có 3 triệu đồng. Anh thổ lộ: “Lúc đầu, mình cũng hãi lắm nên nhận những hợp đồng nhỏ đã và cũng chuẩn bị sẵn tinh thần để… thất bại”. Ấy vậy mà chưa kịp thất bại thì đã thành công.

Thành công bước đầu của công ty nghiên cứu thị trường thúc đẩy người giám đốc trẻ ấy dấn thân vào một lĩnh vực kinh doanh mới. Vẫn với tư tưởng chọn lĩnh vực nào tạo được hiệu quả lâu dài và không đòi hỏi đầu tư vốn lớn, Lưu quyết định thàhh lập thêm một công ty nữa chuyên sản xuất phần mềm với cái tên: Công ty phần mềm Acesoft.

Với cái đầu lúc nào cũng tràn ngập các ý tưởng, anh đưa ra quyết sách là tạo một giải pháp học tập trên mạng internet cho học sinh từ cấp hai đến cấp ba. Điều này có vẻ như chẳng có gì mới với những công ty khác đang làm phần mềm, nhưng Lưu khẳng định, giải pháp của mình sẽ có nhiều ưu điểm vượt trội so với các phần mềm trước đó vì nó có tính đồng bộ.

Công ty đã cho ra đời phần mềm mang tên eLearn, có thể giúp học sinh tự ôn tập, tự đánh giá chính xác khả năng học tập của mình, đồng thời nó còn giúp các bậc phụ huynh quản lý và kiểm tra việc học tập của con cái mình một cách đơn giản.

Phần mềm này được anh phát miễn phí đến tất cả những ai có nhu cầu. Nhưng “linh hồn” của giải pháp học tập mà Lưu gọi là giải pháp Eduport lại là một sàn giao dịch kiến thức trên mạng.

Anh tiến hành ký hợp đồng với một số giáo viên giỏi ở các trường nổi tiếng Hà Nội như Hà Nội – Amsterdam, Chu Văn An, khối chuyên của Đại học Quốc gia Hà Nội… để soạn chương trình ôn tập có chất lượng cao ở các môn học như toán, lý, hoa… và đưa lên sàn giao dịch.

Tại đây, học sinh cả nước đều có thể đặt mua các gói bài tập này một cách đơn lẻ hay cả năm tuỳ vào nhu cầu. Các em chỉ việc tải các gói bài tập này từ mạng vào đĩa cứng, mang về nhà nhập vào máy tính cá nhân để học và thanh toán tiền thông qua hệ thống bưu điện.

Tuy nhiên để sử dụng được gói bài tập đó thì máy tính của học sinh bắt buộc phải cài đặt phần mềm eLearn được công ty phát miễn phí.

Khi anh và tôi ngồi với nhau thì sàn giao dịch học tập đó đã tồn tại được hơn 20 ngày. Anh hồ hởi khoe có rất nhiều học sinh và phụ huynh đã đặt mua những gói bài tập đó một cách thường xuyên, thậm chí có một trường phổ thông dân lập tận Khánh Hoà cũng đặt mua để mang về cho giáo viên tham khảo.

Để hỗ trợ học sinh sử dụng giải pháp học tập này, anh dự định sẽ thành lập thêm một tổng đài trả lời miễn phí những thắc mắc về bài tập của các em  24/24.

Anh say sưa nói về tương lai với nhiều dự định mới lạ. Trước khi chia tay, anh nói với tôi: “Mình đang có kế hoạch thành lập thêm một công ty con nữa, vốn thì có rồi, quan trọng là phải tìm ra lĩnh vực thích hợp, kinh doanh là một con đường dài của những ý tưởng mà!”

 (Theo Dân Trí)